THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ: Cú hích từ Covid-19 hướng đến triển vọng mới

Qua dịch Covid-19 đã cho thấy thương mại điện tử có nhiều cơ hội để phát triển ở Việt Nam, tuy nhiên để tăng trưởng mạnh vẫn cần nhiều giải pháp.

Qua dịch Covid-19 đã cho thấy thương mại điện tử có nhiều cơ hội để phát triển ở Việt Nam, tuy nhiên để tăng trưởng mạnh vẫn cần nhiều giải pháp.

Cùng với xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 các hình thức kinh doanh truyền thống đang dần được thay thế bằng các giao dịch thương mại điện tử (TMĐT). Hàng loạt các sàn giao dịch bán hàng trực tuyến ra đời cùng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã đem lại những cơ hội lớn cho DN đẩy mạnh kinh doanh, gia tăng lợi nhuận, doanh thu, giảm nhiều chi phí…

Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng cũng hưởng những lợi ích lớn như việc giao dịch mua hàng nhanh chóng, thuận lợi, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại. Khác với mô hình mua hàng truyền thống, người tiêu dùng phải đến tận cửa hàng lựa chọn sản phẩm, khi mua sắm bằng hình thức trực tuyến, họ chỉ việc click chuột vào sản phẩm mình cần mua và chờ hàng được giao đến tận cửa.

Đại dịch Covid-19 điều kiện cho TMĐT tỏa sáng

Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho thấy, chỉ trong vòng 3 năm (2016 -2018), tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội mua sắm trực tuyến đã gia tăng từ mức 47% (năm 2016) lên 70% (năm 2018). Xu hướng này được dự báo sẽ còn tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đáng chú ý, dịch Covid-19 hoành hành khiến cho người tiêu dùng đẩy mạnh việc mua sắm trực tuyến thay vì mua sắm truyền thống để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Kết quả khảo sát của tạp chí Nikkei với 4.273 DN và khách hàng (trong giai đoạn tháng 3, 4/2020) đối với vùng châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, có đến 52% người được hỏi sẽ tăng mua trực tuyến, 32 % khẳng định là không thay đổi, vẫn giữ nguyên như cũ, chỉ có khoảng 10 % cho rằng họ sẽ giảm.

Một số công ty thương mại điện tử của Singapore trong quý I/2020 tuyên bố đã thu lợi rất lớn với doanh số bán hàng tăng hơn 74%, đơn đặt hàng tăng lên hơn 2 lần. Tương tự tại Việt Nam, xu hướng này cũng gia tăng mạnh trong quý I năm nay.

TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, thông qua TMĐT giúp doanh nghiệp nâng cao được sức cạnh tranh, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp tăng được việc tiếp cận đầu vào và đầu ra, mở rộng khả năng quảng bá, tiếp thị khách hàng mà không cần tăng chi phí tương ứng. Thời gian dành cho thực hiện giao dịch TMĐT không giới hạn đối với khách hàng toàn cầu với tốc độ giao dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất, tận dụng được mọi nguồn lực.

Đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), ông Phan Thế Quyết cho biết: “Quy mô thị trường TMĐT đạt 13 tỷ USD năm 2020 là cao hơn mục tiêu nêu trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu người, trong đó có hơn 42 triệu người dùng internet, gần 130 triệu thuê bao di động, hơn 46,5 triệu người sử dụng smartphone, cùng với lực lượng DN đổi mới sáng tạo ngày càng xuất hiện nhiều... Con số này có ý nghĩa quang trọng đối với những ngành nghề, DN kinh doanh trực tuyến".

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, TMĐT vốn đã là một xu hướng phát triển trong những năm gần đây nhưng càng được đẩy mạnh trong thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19. “Do quy định giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc, người tiêu dùng ngày càng thích ứng hơn với các hình thức mua sắm trực tuyến thông qua internet banking hay đặt hàng qua các ứng dụng trực tuyến. Tác động của dịch Covid-19 khiến TMĐT và kinh tế số len lỏi đến khắp các lĩnh vực kinh tế”, TS. Võ Trí Thành nói.

Những “lỗ hổng” cần lấp đầy

Dù tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng thị trường TMĐT nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Lợi dụng khung pháp lý còn thiếu và yếu, nhiều đối tượng đã thực hiện những hành vi gian dối như giao hàng không đúng với sản phẩm người mua đặt hàng; hàng giả, hàng nhái... Những hành vi trên gây mất niềm tin của người tiêu dùng vào các kênh bán hàng trực tuyến.

Nêu rõ những băn khoăn này, ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Khóa Việt-Tiệp cho biết, ngoài các kênh phân phối truyền thống, sản phẩm của công ty đã xuất hiện tại các sàn TMĐT và các mạng xã hội. Tuy nhiên, đã có tình trạng hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan trên kênh bán hàng trực tuyến, tạo ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh, làm mất uy tín DN, người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm.

“Để thị trường TMĐT phát triển lành mạnh, đề nghị cơ quan quản lý có các quy định, điều kiện tham gia vào hệ thống bán hàng trực tuyến chặt chẽ hơn, có chế tài xử phạt nặng với hành vi vi phạm nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng”, ông Thắng kiến nghị.

Phân tích rõ hơn, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương) – ông Lê Đức Anh cho biết, thực tế đã có các quy định, chế tài rất rõ ràng đối với việc các sàn TMĐT, các website bán hàng trực tuyến phải công bố đầy đủ các thông tin liên quan chính sách giao hàng, cũng như các thông tin về xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa để người tiêu dùng nắm rõ.

“Trong trường hợp các DN, sàn TMĐT, website không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến chính sách giao hàng hay xử lý các tranh chấp xảy ra với khách hàng… thì DN, tổ chức đó đã vi phạm các quy định trong giao dịch TMĐT”, ông Lê Đức Anh nêu rõ.

Cũng theo ông Lê Đức Anh, hiện nay, Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn thanh tra làm việc trực tiếp với các sàn, website điện tử, đặc biệt làm việc với những các wbsite bị khiếu nại nhằm đưa hoạt động bán hàng, giao dịch TMĐT vào quy củ. Đặc biệt, ngay từ cuối năm 2019, Bộ Công Thương đã khai trương hệ thống khiếu nại trực tuyến cho phép người dân có thể gửi các khiếu nại của mình liên quan đến các vấn đề về giao dịch thương mại điện tử trên trang này. Dựa trên các khiếu nại của người dân, Cục sẽ lấy đó làm căn cứ để làm việc với DN làm rõ các vấn đề về xử lý khiếu nại để có thể kịp thời xử lý các sự vụ, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.

Đề cập về những hạn chế của thị trường TMĐT ở nước ta hiện nay, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn EDX Nguyễn Đình Hùng cho hay, các đơn hàng TMĐT trong nước phần lớn có trị giá nhỏ (khoảng 300.000 đồng), những đơn hàng giá trị cao hơn chiếm thị phần nhỏ. Bên cạnh đó, hình thức giao hàng thu tiền vẫn chiếm tới 90% thanh toán giao dịch TMĐT hiện nay.

Lý do của hiện tượng này là do khách hàng chưa tin tưởng người bán hàng TMĐT ở trong nước về chất lượng hàng hóa, chính sách giải quyết khiếu nại. Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam khá ưa chuộng mua hàng và giá trị các đơn hàng thường có giá trị cao qua các website TMĐT của nước ngoài như Amazon, eBay… do các nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu có uy tín cao.

“Khâu chăm sóc khách hàng và giải quyết khiếu nại đối với các hợp đồng mua hàng trực tuyến từ các sàn TMĐT này cần được giải quyết thỏa đáng. Phải xây dựng TMĐT dựa trên nền tảng tín nhiệm, thực tế các hệ thống TMĐT trên thế giới thành công như ngày nay vì có nền tảng tín nhiệm cao”, ông Hùng nhấn mạnh.

Để TMĐT phát triển một cách đồng bộ, hiệu quả, ngoài sự năng động, chuyên nghiệp của DN, theo các chuyên gia kinh tế, vai trò của Nhà nước là cực kỳ quan trọng trong xây dựng cơ sở pháp lý cộng với cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, cần chú trọng vấn đề an ninh mạng và các biện pháp xử lý khi xảy ra tranh chấp, giảm thiểu, ngăn chặn các vụ lừa đảo xảy ra trong TMĐT.

Theo TS. Lê Xuân Sang, sự phát triển của DN Việt Nam và việc tham gia TMĐT có làm tăng sức cạnh tranh của DN hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như khung pháp lý và chính sách, nguồn nhân lực.

Khẳng định vai trò quản lý nhà nước trong phát triển TMĐT, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, thời gian tới cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng ở biên giới hải đảo và trong nội địa; cần xây dựng lực lượng kiểm soát trong sạch, vững mạnh, đủ sức thực hiện các nhiệm vụ được giao để tìm ra những ổ buôn lậu, gian lận thương mại trên các trang TMĐT để nghiêm trị.

Đồng thời, khuyến khích những trang TMĐT làm ăn nghiêm túc, vì quyền lợi của người tiêu dùng và thực hiện đúng nghĩa vụ với ngân sách, thực hiện tốt việc mua bán có chứng từ, hóa đơn, nối mạng các máy chủ của các sàn giao dịch TMĐT với Cục Thuế địa phương một cách thường xuyên liên tục. Muốn kiểm soát giao dịch TMĐT được chặt chẽ và hiệu quả hơn, rất cần phải áp dụng những biện pháp kĩ thuật để quản lý những giao dịch mua bán./.

Bài: Nguyễn Quỳnh | Kỹ thuật: Đoan Đoan

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thuong-mai-dien-tu-cu-hich-tu-covid19-huong-den-trien-vong-moi-1059007.vov