Thương mại dịch vụ: Động lực cho kinh tế Yên Bái phát triển

Hạ tầng ngày càng hoàn thiện, thương mại điện tử từng bước đi vào cuộc sống, thương mại dịch vụ đã và đang đóng góp tích cực vào kinh tế tỉnh Yên Bái.

Hạ tầng ngày càng cải thiện

Là một trong những địa phương còn gặp nhiều khó khăn, những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của tỉnh Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn, trình độ phát triển thấp. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Dự án khu trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái

Dự án khu trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái

Với lợi thế về địa lý, nhiều năm gần đây, Yên Bái là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư lớn góp mặt trong việc hình thành nên nhiều dự án tổ hợp, dịch vụ trung tâm thương mại, biệt thự liền kề, nhà hàng, khách sạn… Hiện nay, toàn tỉnh có 01 trung tâm thương mại hạng III, 02 siêu thị hạng III, 12 cửa hàng Vinmart+, 99 chợ, 120 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu (trong đó có 04 cửa hàng xây dựng mới năm 2021), 532 cửa hàng khí dầu mỏ hóa lỏng, 08 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, 150 cửa hàng tiện ích và 22.564 đơn vị kinh doanh thương mại dịch vụ.

Các loại hình kinh doanh thương mại văn minh như: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng tự chọn ngày càng nở rộ. Cùng với chợ truyền thống, hệ thống cửa hàng thương mại cũng phát triển rộng khắp, phủ kín tới tận các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, thực sự là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa. Tăng trưởng thương mại dịch vụ bình quân giai đoạn 1991 - 2020 nhờ đó đã đạt 16,79%/năm.

Song song với thương mại truyền thống, thương mại điện tử cũng đã từng bước đi vào cuộc sống, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 15 - 20% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 20% các giao dịch mua hàng trên website và ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; 10% giá trị giao dịch thương mại điện tử B2C ở các huyện, thị xã, thành phố; 20% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 15 - 20% các doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử và cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng; 70 - 80% cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp được cập nhật kiến thức mới về thương mại điện tử thông qua tuyên truyền và tập huấn ngắn hạn.

Hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động thương mại, dịch vụ chịu nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Song với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nỗ lực của người dân trong thực hiện "mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 vẫn đạt 10,55%/năm.

Năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ đạt 4,93%; tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm khoảng 41,33% GRDP; tỷ lệ lao động làm việc trong ngành dịch vụ chiếm 23,4% (trong đó: lao động qua đào tạo chiếm 28,5%).

Mục tiêu lớn cho giai đoạn 2021 - 2025

Tỉnh Yên Bái phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ qua mạng lưới thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại đạt 15-17%/năm, tỷ trọng hàng hóa bán lẻ qua mạng lưới thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại chiếm khoảng 10-12% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 30.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 500 triệu USD, đưa thương mại - dịch vụ trở thành động lực để tạo lập và củng cố sự liên kết, bảo đảm đầu ra cho các ngành khác và tác động lan tỏa tới mọi lĩnh vực trong nền kinh tế của tỉnh Yên Bái.

Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Tỉnh ủy về phát triển ngành dịch vụ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1476/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành dịch vụ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình hành động số 11/CTr-UBND ngày 18/8/2021 thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Tỉnh ủy về phát triển ngành dịch vụ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó đã đề ra các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành dịch vụ của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương để triển khai thực hiện.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dịch vụ, tỉnh Yên Bái đã đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành công tác lập các quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai lập các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu các đô thị, quy hoạch chung các xã định hướng thành đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng triệt để Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 trong giải quyết thủ tục hành chính được thuận tiện đúng người, đúng việc, đúng thời gian quy định.

Cùng với đó, tỉnh đã tập trung triển khai có hiệu quả, nhiều giải pháp về đầu tư phát triển nhằm thực hiện mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công, thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, ưu tiên đầu tư các công trình có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến tìm cơ hội đầu tư tại tỉnh Yên Bái.

Hoàng Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-mai-dich-vu-dong-luc-cho-kinh-te-yen-bai-phat-trien-181486.html