Thương mại công bằng qua hình thức 'mua cao, bán vừa'

Trong khi các mô hình bán lẻ trên thế giới đang tìm cách vào Việt Nam thì một doanh nghiệp Việt lại tính xuất khẩu mô hình bán lẻ 'Thương mại công bằng' với niềm tin nâng cao giá trị thương hiệu Việt trong mắt bạn bè quốc tế.

Nguyễn Huy Minh tin rằng xuất khẩu mô hình Fairtrade Garden là cách để nâng cao giá trị thương hiệu Việt

Mở kênh phân phối riêng…

Thương mại công bằng (TMCB) là mô hình người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền cao hơn cho một sản phẩm để đảm bảo quá trình làm ra sản phẩm đó bảo vệ môi trường, đảm bảo các tiêu chí về chuẩn và sạch, không sử dụng lao động trẻ em…

Đây là một khái niệm mới và khó thích ứng ở Việt Nam khi người Việt còn tâm lý thích sản phẩm tốt nhất mà chi phí rẻ nhất. Bởi với giá mua thương lượng luôn cao hơn thị trường để bà con yên tâm sản xuất và đảm bảo chất lượng nhưng giá bán ra lại luôn “vừa” với thị trường. Tuy nhiên, chấp nhận giảm lãi để có nguồn sản phẩm phong phú, Nguyễn Huy Minh và các cộng sự ở Cty Sunshine Holding vẫn quyết tâm bắt tay nhau cùng thực hiện mô hình kinh doanh TMCB đầu tiên ở Việt Nam.

Cơ duyên để bắt đầu mô hình kinh doanh TMCB đến với ông Minh rất tình cờ. Minh cho biết, sau nhiều năm tham gia công việc kinh doanh ở khu vực Đông Nam Á, ông Minh nhận thấy rằng, việc bán các sản phẩm của Việt Nam với nhãn mác, bao bì riêng, thương hiệu riêng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là mặt hàng nông sản vì thiếu tiêu chuẩn chất lượng, hệ thống hỗ trợ quảng bá, tiếp cận thị trường yếu, 70% số lượng sản phẩm xuất khẩu đều là sản phẩm thô.

Bên cạnh đó, ông Minh và các cộng sự cũng đã đưa các sản phẩm đi hệ thống bán lẻ truyền thống và siêu thị nhưng “bán vào thì dễ, bán ra lại rất khó vì thương hiệu mới, bao bì chưa đẹp, lại đắt”. Từ đó họ đặt ra mục tiêu tạo ra một mô hình bán lẻ riêng mà ở đấy, đích thân nhân viên sẽ trực tiếp giới thiệu, tư vấn những ưu điểm của sản phẩm đến người tiêu dùng.

Trong quá trình tìm kiếm kênh phân phối, ông Minh tình cờ gặp người bạn đang nỗ lực đưa các tiêu chuẩn về TMCB đến gần hơn với người dân Việt Nam. Và mô hình Fairtrade Garden ra đời với mong muốn trở thành chuỗi cửa hàng phức hợp kết hợp các phương thức tiếp cận khách hàng khác nhau nhằm xây dựng một khái niệm mới trong kinh doanh.

Hiện, Fairtrade Garden đã có 3 mô hình kinh doanh theo tiêu chí này ở Hà Đông (Hà Nội), theo kế hoạch sẽ mở tiếp 11 cụm điểm trong nước. Tham vọng hơn, trong năm 2018 Sunshine Holding đặt mục tiêu cụm mô hình Fairtrade Garden sẽ xuất hiện ở Hong Kong hoặc Myanmar.

…để tăng giá trị thương hiệu Việt trên toàn thế giới

Tuy nhiên, điều mà ông Minh và các cộng sự lo lắng trong xây dựng mô hình TMCB ở Việt Nam chính là việc nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với các tiêu chí TMCB. Vì theo ông, để đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế thì thường chi phí cao, ví như phải làm 3 mẫu kiểm nghiệm (test) từ các trung tâm kiểm nghiệm độc lập, mỗi test khoảng 200 USD cộng thêm phí duy trì hàng năm là 600 EUR.

Đó là lý do mà hiện nay Sunshine Holding mới chỉ cộng tác với 15 doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn TMCB, giúp họ chuẩn bị hồ sơ, tìm kiếm nguồn hỗ trợ để đạt được tiêu chuẩn. Đại diện Sunshine Holding cho rằng, trong quá trình vươn tới tiêu chí TMCB, Sunshine Holding sẽ giúp họ bước qua bước đệm Vietfarm, để họ có thể tiếp cận dần với các tiêu chí của TMCB.

“Hết năm 2018 phải có 100 nghìn đơn vị sản phẩm đạt tiêu chuẩn Vietfarm mang nhãn hiệu “pride of Vietnam” được tiêu thụ ở các mô hình Fairtrade Garden” - ông Minh tiết lộ mục tiêu của Sunshine Holding. Mục tiêu này không dễ để đạt được vì hiện nay số lượng những doanh nhân muốn tạo ra giá trị gia tăng cho hàng Việt không nhiều.

Tuy nhiên, ông Minh có vẻ lạc quan khi cho biết việc xuất khẩu mô hình Fairtrade Garden sẽ không quá khó vì Sunshine Holding đã tiến hành xuất khẩu trà, café, gạo thành phẩm, đã mua giấy phép bán gạo sang Hong Kong dù “sang nước bạn bán rất khó khăn vì chi phí logistic cao, chất lượng gạo Việt Nam không thể cạnh tranh được với Thái Lan, Campuchia trong khi giá lại cao hơn”.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt lại chưa có ý thức phải xuất khẩu gạo thành phẩm mà chỉ thường xuất khẩu thô. Do đó, xuất khẩu mô hình Fairtrade Garden cũng là một cách để thay đổi thói quen này của doanh nghiệp nhằm đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu thành phẩm. Ông Minh cho biết, Sunshine Holding đã xuất khẩu được khoảng vài chục tấn thành phầm gạo, số lượng café không được nhiều như kỳ vọng vì mục tiêu là bán cho người tiêu dùng, sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi tiến hành bán cho những người làm thương mại.

“Xuất khẩu mô hình là sự lựa chọn duy nhất để mang các thương hiệu Việt ra nước ngoài, để gia tăng giá trị cho nền sản xuất nông sản Việt và làm tăng giá trị thương hiệu Việt trên toàn thế giới” - ông Minh khẳng định.

Dù đang rất nỗ lực đầu tư và dự kiến, để hòa vốn một cửa hàng lớn thì doanh thu mỗi cửa hàng phải vào khoảng 220 triệu/tháng. “Fairtrade Garden sẽ rất khó khăn để đạt được doanh số 6-7 triệu đồng/ngày nhưng đã là mục tiêu thì chúng tôi vẫn sẽ cố gắng theo đuổi” - ông Minh kiên định.

Dù trước mắt gặp rất nhiều khó khăn nhưng Sunshine Holding vẫn xác định 51% lợi nhuận của Fairtrade Garden sẽ được tái đầu tư để giúp các doanh nghiệp cung cấp hàng nâng cao năng lực, cũng như quảng bá sản phẩm.

Nhật Thu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chuyen-llam-an/thuong-mai-cong-bang-qua-hinh-thuc-mua-cao-ban-vua-366865.html