Thương lắm vỉa hè Hà Nội

Vỉa hè là nơi dành cho người dân đi bộ. Vì mưu sinh cơm áo phải tận dụng thì cũng không thể hy sinh điều cốt yếu nhất trong công năng này.

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đồng ý với đề xuất của Sở Tài chính về việc sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh, phục vụ du khách trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Tin này thực sự rúng động, bởi vỉa hè Hà Nội không chỉ là điều rất riêng tư về tình cảm và ký ức với người Hà Nội mà còn đang là một cán cân kinh tế nặng ký với giới tiểu thương buôn bán và các hộ kinh doanh gia đình, cá thể. Bởi mặt tiền mọi ngôi nhà mọi con phố chính là vỉa hè.

Vỉa hè Hà Nội, tôi muốn nói chung cho tất cả vỉa hè thành phố bởi khi quận Hoàn Kiếm làm được thì chả có nhẽ gì các quận huyện khác lại không được làm. Nói đến vỉa hè là nói đến hồn vía phố phường Hà Nội, nhà văn các thời đều viết về vỉa hè. Tôi cũng đã từng viết một tản văn “Thương nhớ vỉa hè” in báo, đăng mạng và in sách. Xin được trích một đoạn:

“Tôi thuộc típ người đa cảm nhưng không hề quá lãng mạn để có thể ví vỉa hè như tấm khăn quàng cổ trong bộ trang phục thành phố mà tôi vừa nghe thấy chiều nay từ miệng một cô gái đẹp ở hè một con phố cũng rất đẹp của Hà Nội. Nhưng quả thật cách ví von chẳng giống ai kia của cô gái lại gợi cho tôi những xúc cảm đặc biệt về vỉa hè.

Vỉa hè làm nơi buôn bán các mặt hàng trên đường Đê La Thành

Vỉa hè làm nơi buôn bán các mặt hàng trên đường Đê La Thành

Chẳng có thành phố nào trên trái đất lại không có vỉa hè. Mỗi nơi mỗi kiểu nhưng vỉa hè gần như là một thứ trang sức bày ra vẻ quyến rũ của chính thành phố đó. Hà Nội là một đô thị do người Pháp xây dựng. Dĩ nhiên kiến trúc cùng tiêu chuẩn Âu châu được áp vào với vỉa hè Hà Nội. Đấy cứ nhìn những con phố gần như còn nguyên vẹn kiến trúc cũ kiểu phố Tây như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt là đủ rõ. Hè phố rộng thênh thang đẹp tuyệt trần.

Mùa nào đi trên những vỉa hè này cũng thấy cảm giác thư thái. Tôi thích nhất là mùa cây trút lá. Những chiếc lá vàng mỏng manh rớt xuống theo số phận từ cây mẹ vĩ đại để tái sinh những mầm lá xanh non gợi ra trí tưởng vô cùng ảo diệu về vòng quay quy luật tử sinh. Tôi cứ mãi ngẩn ngơ khi nghe dù chỉ một tiếng chim hót lẻ loi trong vòm lá âm u trên hè phố tĩnh lặng của một chiều đông buốt giá. Nhiều lắm, hè phố với mỗi người luôn là những gì rất riêng tư được thời gian cất giữ.

Vỉa hè có lẽ hợp nhất với tuổi thơ ngây dại và tuổi già trầm uẩn quá vãng. Tôi cứ nhớ mãi một trận chạy mưa rào trên hè phố của một ngày xưa xa lắc. Thằng bé con mười tuổi là tôi với một bụng may ô căng tròn đầy sấu chín vừa lượm được sau một hồi cùng chúng bạn trèo hái. Cả bụng sấu ào ra lăn dài trên hè phố khi thằng bé trượt chân ngã oạch. Những quả sấu chín vàng bỗng dưng như có phép lạ bồng bềnh trôi cùng bong bóng nước phập phồng để đọng lại vĩnh viễn trong ký ức hóa thạch…”.

Đấy, vỉa hè Hà Nội của tôi đấy. Hẳn mỗi người Hà Nội đều có một tâm trạng riêng một ký ức riêng về vỉa hè. Nhưng thôi đấy là quá vãng, tôi muốn nói đến vỉa hè hôm nay qua sự rúng động về cái văn bản vừa ký của UBND TP Hà Nội.

Hoàn Kiếm là quận có diện tích nhỏ nhất nhưng lại là trung tâm của Hà Nội. Nếu thành phố là một cơ thể thì Hoàn Kiếm chính là trái tim. Miễn bàn về các địa danh thắng cảnh, di tích, tôi đi thẳng vào vấn đề vỉa hè. Cả quận Hoàn Kiếm có 166 con phố, trong đó phố cổ có tên Hàng là 42 phố (Hàng Hòm, Hàng Muối, Hàng Mắm...). Khu phố cổ bao gồm những con phố có tên Hàng và xen kẽ những con phố khác như Mã Mây, Tạ Hiện…Ngoài phố Tây tôi nhắc trong đoạn trích ở trên có thể phân chia các loại phố cổ, phố cũ và một vài phố mới như các phố ven sông Hồng.

Khu phố cổ Hà Nội, vỉa hè lại có những đặc trưng khác. Vỉa hè tương xứng với những dãy nhà ống, hẹp mặt tiền. Những đoạn vỉa hè này thường không được rộng. Như vậy ngoài vài con phố Tây, phố cũ vỉa hè được thiết kế rộng thì toàn bộ quận Hoàn Kiếm những con phố cổ, phố cũ kể cả phố mới ngoài bờ sông, vỉa hè đều chật hẹp. Điều quan trọng nhất là ở những con phố này 100% các nhà mặt phố đều là cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh. Vỉa hè thậm chí còn không đủ chỗ cho đậu xe máy, xe đạp đấy là chưa kể những con phố còn bị cấm để phương tiện trên hè và nằm trong khu bảo tồn phố đi bộ.

Vỉa hè chật kín xe và đồ đạc của các cửa hàng

Ngoại trừ những con phố Tây có vỉa hè rộng lại là nơi tập trung công sở, nhà chung cư có thể khai thác vỉa hè còn tuyệt đại đa số các con phố còn lại đã hết công năng khai thác. Vậy vỉa hè đâu để được trưng dụng kinh doanh theo quyết định của UBTP HN?

Thông tin cho biết TP Hà Nội chấp thuận cho Công ty TNHH Bất động sản Mặt trời Thủ đô, Công ty cổ phần Prodigi Pacific Việt Nam và Công ty CP tư vấn đầu tư Tài chính Toàn cầu sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh. Vị trí sử dụng được quy định rõ: Là hè phố sát tường nhà và nằm trong phạm vi mặt tiền của tòa nhà kết nối với không gian tầng 1. Thời gian cấp phép 6 tháng/lần, sử dụng tạm thời hè phố với 45.000 đồng/m2/tháng.".

Chưa bàn đến luật định có cho phép hay không thì việc chấp nhận cho 3 công ty này quyền sử dụng vỉa hè với câu chữ như trên (là hè phố sát tường nhà và nằm trong phạm vi mặt tiền của tòa nhà kết nối với không gian tầng 1) thì khi quyết định có hiệu lực liệu có xảy ra xung đột lợi ích giữa các hộ kinh doanh đang có nhà mặt phố với các công ty được quyền khai thác hay không? Tôi nghĩ là có. Và lúc này 3 công ty kia có quyền làm những gì phù hợp với lợi ích của họ không loại trừ một lần nữa vỉa hè lại được bán nhượng lại kiểu cai thầu. Tiền chồng tiền, phí chồng phí và những ai được lợi?

Hầu như các vỉa hè ở Hà Nội đều chật kín

Chao ôi, buốt đầu khi nghĩ đến những điều đó. Đồng ý cần khai thác vỉa hè ở những nơi thoáng, rộng rãi, thành những điểm buôn bán, giải khát, thậm chí ăn uống phục vụ nhu cầu người dân và du lịch như nước ngoài đã làm. Điều này tôi đã mục sở thị ở nhiều nước châu Âu và châu Á và giá dịch vụ ở vỉa hè đắt hơn nhiều trong cửa hàng.

Cái cách UBND TPHN quyết định tôi cho là chưa phù hợp.

Để khai thác, để tận dụng thế mạnh vỉa hè như ý muốn trong quyết định thì cần có một đề án cụ thể, công khai và minh bạch những phố nào vỉa hè nào được trưng dụng, mức giá thế nào và có được luật pháp cho phép hay không, mang niêm yết và đấu giá công khai. Hãy đừng làm những gì khi có quá nhiều việc người dân đã mất niềm tin vào một số công bộc trong hệ thống chỉ giỏi sáng kiến để tận thu tận vét.

Còn nữa, vỉa hè là nơi dành cho người dân đi bộ, thôi thì vì mưu sinh cơm áo phải tận dụng thì cũng không thể hy sinh điều cốt yếu nhất trong công năng vỉa hè này, bởi điều đó còn nằm trong luật. Hãy vì một Hà Nội văn minh và luôn đẹp trong lòng người dân cả nước. Thương lắm vỉa hè ơi.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/thuong-lam-via-he-oi-805788.html