Thương lắm, lũy tre làng...

Hóa ra, cây cỏ cũng có thể giúp con người xoa dịu những nỗi đau. Chỉ cần trái tim không khép chặt, sẽ có một ngày hạnh phúc quay về.

Lũy tre làng xanh ngắt, rì rào hát mỗi buổi trưa hè cùng con đường nhỏ đầy ắp cỏ gà đã nuôi lớn biết bao thế hệ người Việt. Với những người con viễn xứ, đi đến đầu làng, chỉ cần trông thấy lũy tre là như thể thấy nhà. Cái dáng gầy gò, cao vút, ru những cành lá mỏng manh trong buổi chiều tà cô quạnh, đủ khiến đứa con ở nơi xa da diết nhớ về tổ ấm.

Đất nước phát triển, những ngôi nhà cao tầng dần thay thế mái tranh đơn sơ. Lũy tre xanh cũng vì thế mà ít dần, thay thế cho những ngọn đèn lấp lánh. Nhưng kí ức về làng quê cũ cùng mái nhà tranh vẫn là điều mà chúng ta phải nhớ, phải nâng niu. Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng đã giữ lại những mảnh ký ức thân thương ấy qua truyện dài Thung lũng vườn tre.

Thung lũng vườn tre là câu chuyện đẹp tuổi thơ của Kim, một cậu bé xinh xắn nơi Phố Núi. Kim rất tự hào về vườn tre mà bố mẹ cậu bé đã trồng nơi thung lũng. Với cậu bé, vườn tre giống như một khu rừng đầy màu nhiệm. Tre xanh rì, nhưng tại sao những búp măng lại có màu vàng óng. Thỉnh thoảng, Kim lại dẫn em Thỉnh đến vườn tre chơi.

Truyện dài Thung lũng vườn tre của Nguyễn Xuân Hưng.

Truyện dài Thung lũng vườn tre của Nguyễn Xuân Hưng.

Có lần, hai đứa bị lông măng của cây tre làm cho rát da rát thịt. Bà Lái, người hàng xóm tốt bụng đã đưa hai đứa về nhà, lăn cơm nguội mới nhổ hết được lông măng. Mẹ bảo rằng bà Lái hay đi bắt cóc trẻ con nhưng sao Kim thấy bà hiền lành quá đỗi, chẳng đáng sợ chút nào. Chị Bình, con gái bà cũng là một cô gái rất dịu dàng.

Hôm ấy, hai anh em mải chơi, khiến con chó Vàn phải đi tìm chủ. Về đến nhà, Kim liền bị bố mắng cho một trận, may mà có bá Như chạy sang can. Nhà bá Như có nghề làm nón. Chị Xuân, con gái bá vẫn ngồi dưới những tán tre xanh vừa khâu nón, vừa tránh nóng trong những ngày hè.

Chị Bình hay dẫn Kim đi chơi loanh quanh ở thung lũng vườn tre, chỉ cho cậu bé bao điều hay ho, thú vị. Hóa ra những thứ quả dại xấu xí như dâu da thì có thể hái ăn ngon lành. Còn những thứ trông ngon mắt thì lại có thể trở thành vũ khí giết người, đừng dại dột mà nếm thử.

Thỉnh thoảng, trong những cuộc dạo chơi của chị Bình và Kim còn có cả anh Thắng đi cùng. Anh Thắng thích chị Bình, thi thoảng khi nhìn anh, đôi má chị đỏ ửng. Người làng nói nhà anh Thắng giàu lắm, bố anh làm ở tận trên huyện. Chị Bình tuy xinh đẹp nhưng lại là con nhà nghèo. Tình yêu đó dường như quá mong manh…

Gia đình Kim bỗng chốc gặp cơn bão lớn. Em Tỉnh bị ốm và lên cơn hen nặng. Từ bé, em đã ốm yếu rồi, nay lại hít phải hạt của cây “lông chó” nên bệnh trở nặng. Ở Hà Nội, người ta gọi đó là cây hoa sữa, nhưng Kim quen gọi nó bằng cái tên xấu xí ấy rồi.

Em Tỉnh cuối cùng cũng không thắng nổi số trời. Ngày phải xa em, Kim buồn lắm, khóc đến nỗi hai mắt đỏ hoe. Trở về nhà, nhìn đâu cũng thấy bóng dáng em, đứa em ngọng nghịu, nói còn chưa sõi. Bố mẹ cũng đau khổ nên chẳng ai còn tâm trạng để dỗ dành Kim nữa.

Lúc ấy, chị Bình dịu dàng đến bên Kim như nàng tiên hiền hậu trong câu chuyện cổ. Hai chị em lên thung lũng chơi. Nhìn đàn cò trắng ở phía xa, ríu rít rủ nhau bay về trên những ngọn tre làm Kim nguôi ngoai đi phần nào nỗi đau và nhung nhớ. Em Tỉnh chẳng đi đâu xa cả. Em vẫn sẽ ở đây, trong lòng của mọi người.

Hình ảnh lũy tre xanh dần trở nên hiếm hoi ở làng quê Việt Nam.

Mẹ có mang và sinh cho Kim một cô em gái. Tiếng cười lại trở về với căn nhà nhỏ. Khi người ta đủ mạnh mẽ để quên đi những đau thương cũng là lúc hạnh phúc gõ cửa. Một mùa xuân mới đã về trong lòng những con người tốt bụng ở thung lũng vườn tre.

Thung lũng vườn tre là một câu chuyện đẹp về những tình cảm giản dị mà đáng quý vô ngần trong cuộc sống. Đó là tình yêu thiên nhiên, tình người, tình làng nghĩa xóm…

Thụy Oanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thuong-lam-luy-tre-lang-post910276.html