Thương lắm bữa cơm nhà!

Xã hội phát triển, người ta có nhiều lựa chọn hơn những bữa cơm gia đình. Nhưng dù thế nào đi nữa, thì bữa cơm do những người thân nấu cho nhau ăn vẫn mang lại chất keo gắn kết gia đình không gì thay thế được.

Một trong những bữa cơm nhà mà chị Trịnh Thúy ở Hà Nội nấu cho chồng con hàng ngày.

Một trong những bữa cơm nhà mà chị Trịnh Thúy ở Hà Nội nấu cho chồng con hàng ngày.

Bữa ăn của gắn kết và yêu thương

Những nhà hàng, quán ăn lớn nhỏ mọc lên ở khắp nơi với đủ mọi mức giá, những ứng dụng đặt thức ăn mang đến nhà nhanh gọn nhẹ, cuộc sống bận rộn… chừng ấy lý do đã khiến nhiều gia đình dần xa rời bữa cơm nhà. Như vợ chồng anh Nguyễn Văn Anh, anh là giám đốc một công ty vật liệu xây dựng ở đường Trường Chinh, quận Tân Bình, chị làm kế toán trưởng một công ty nhà nước, cuộc sống bận rộn khiến họ cho bữa cơm nhà là “thứ yếu”.

Thời gian ở nhà ít ỏi, mà nếu có còn phải giành cho những việc khác đáng ưu tiên hơn, như xem tivi, như lướt web, nghe nhạc… Có khi, mấy tuần cả nhà họ mới dùng cơm chung một lần. Hai đứa con đang học cấp hai được cấp thẻ tín dụng hạn chế, muốn ăn gì, mua gì đều có thể sử dụng được trong giới hạn.

Đối với họ, cuộc sống ấy là tự do, là hoàn toàn bình thường. Cho đến khi chị chứng kiến gia đình một người bạn, cũng khá thành đạt cùng nhau ăn bữa cơm nhà. Không khí thật thân mật, bữa cơm ấm cúng với cuộc trò chuyện không đầu không đuôi nhưng rôm rả. Và ánh mắt ai cũng lấp lánh niềm vui. Chị nhận ra rằng cả gia đình chị dường như đã “lạc” mất nhau, đã sống rời rạc thiếu gắn kết. Có lẽ, vì mỗi ngày họ không có thời gian để ngồi bên nhau như thế.

Nhịp sống càng hiện đại, càng hướng đến tự do cá nhân người ta càng dễ đứt kết nối với những người chung quanh, với gia đình mình. Có không ít người phụ nữ hiện đại hô hào kêu gọi “giải phóng” bản thân ra khỏi ràng buộc của chuyện cơm nước chồng con hằng ngày. Có những cô gái trẻ lên mạng bày tỏ quan điểm rằng chỉ đồng ý lấy người đàn ông nào không bắt mình nấu nướng.

Thế nhưng, họ không biết, chính điều này lại là sự thiệt thòi họ đã tạo ra cho mình. Một khi có tình yêu thương, việc nấu những bữa cơm ngon cho gia đình không phải là gánh nặng mà là niềm đam mê và hứng khởi. Và mỗi bữa ăn chính là một viên gạch góp phần xây đắp hạnh phúc cho cả nhà. Có gì hạnh phúc hơn khi được nấu nướng bữa ăn ngon cho những người mình yêu thương?

Bữa cơm nhà rất quan trọng, bởi đó là khoảnh khắc hiếm hoi mà cả gia đình tụ họp bên nhau sau 1 ngày dài mệt mỏi với công việc, với học hành. Là thời điểm để gắn kết và sẻ chia. Mất đi những bữa cơm như thế, người nhà trở nên xa lạ, rời rạc là điều dễ hiểu.

Cơm nhà đâu có khó khăn

Nhiều người thường nại cớ bận rộn và ti tỉ lý do khác để bỏ qua bữa cơm nhà. Thực tế, “cơm nhà” không cần phải cầu kì và tốn nhiều công sức, nếu người ta thực sự mong muốn.

Như kinh nghiệm mà chị Trịnh Thúy ở Hà Nội chia sẻ. Tiêu chí của chị là sạch, dinh dưỡng, không cầu kì. Cạnh đó, còn có yếu tố tiết kiệm, cân đối được thu chi gia đình. Bữa cơm nhà có thể đáp ứng được tất cả mong muốn ấy. Hơn thế, cơm nhà hoàn toàn có thể được thực hiện rất nhanh chóng, không hề cầu kì tốn thời gian.

“Vì đi làm về mới đi chợ mua đồ nấu cơm nên mình thường mất khoảng 1h để hoàn thành bữa cơm. Mình thường hạn chế tiền để đi chợ trong khoảng 150-200 nghìn cho 1 bữa cơm, nhưng cũng có hôm hứng lên thì sẽ vượt mức chi tiêu. Hoặc cuối tuần nấu những món cầu kì thì sẽ nhiều hơn”, chị Thúy chia sẻ.

Còn như chị Phan Lệ Hoa ở Long An thì cho biết, cả hai vợ chồng đều là công chức, đi làm về chia nhau việc ra mà làm, anh đi đón con, chị đi chợ. Mua thức ăn về rồi anh lo đi tắm cho con, chị nấu nướng đơn giản. Đến khi cả nhà ngồi vào bàn ăn bữa ngon lành chỉ mới 6h30 tối. “Theo mình, bảo đảm cho cả nhà có bữa cơm nóng sốt mỗi chiều không khó khăn gì cả. Chủ yếu là sắp xếp thời gian hợp lý, cả nhà chia sẻ công việc với nhau”.

Không chỉ có cơm nhà tại gia, cô gái Thảo Nguyên, 26 tuổi ở Hà Nội còn giúp chồng có bữa “cơm nhà” tươm tất ngay tại nơi công sở anh làm việc. Buổi sáng, cô dậy sớm, làm bữa cơm nóng sốt gồm 1 mặn, một xào, 1 canh và đặt vào trong hộp giữ nhiệt cho chồng. Tráng miệng thì có nước ép trái cây.

Cứ thế, trong khi ở chỗ làm ai cũng ăn qua quấy những bữa cơm ngoài thì chồng Thảo Nguyên lại tự hào thưởng thức những bữa cơm vợ nấu trong con mắt thán phục của đồng nghiệp. Nhiều người hỏi như thế có đèo bòng, cực khổ quá không thì Thảo Nguyên trả lời, cô thấy hạnh phúc khi nấu cho chồng những bữa ăn như thế.

Vả lại, chồng cô cũng rất chịu khó việc nhà, chăm sóc vợ, con. Mỗi người chịu khó một chút, hy sinh cho nhau một chút không toan tính thì tình gia đình mới bền vững, mới gắn bó keo sơn.

Bởi thế, cơm nhà không chỉ là một bữa cơm, thức ăn vật chất. Cơm nhà là chất keo gắn kết, là món ăn tinh thần mà mỗi thành viên trong gia đình cần phải được thụ hưởng, được nuôi dưỡng mỗi ngày.

Bữa cơm gia đình là nơi tình yêu thương gia đình lên ngôi

Một nhà thơ đã viết về bữa cơm gia đình như thế này: “Cơm ai xới hạt dẻo mềm/ Câu mời mát ngọt lời em đượm tình/Miếng ngon anh gắp cho mình/Chứa chan chồng vợ lung linh mắt cười…”.

Tình yêu thương gia đình đọng lại ở những cử chỉ thân ái, săn sóc, chở che, cảm hóa, cảm mến nhau không ngừng nghỉ. Cho dù những lo toan gánh vác và trắc trở họ vẫn dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Sự sẻ chia trong sinh hoạt gia đình, trong đời sống vợ chồng không cứ gì phải to tát. Nó nảy nở giao tiếp qua lại bình dị trong bữa ăn, giấc ngủ, trong lời ăn tiếng nói.

Theo Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ VH-TT&DL ban hành, tình cảm ruột thịt giữa các thành viên trong gia đình luôn là sợi dây vô hình gắn bó con người tạo ra nguồn năng lượng tỏa sáng cuộc sống hạnh phúc.

Giữ bền sợi dây tình cảm, giữ mãi nguồn năng lượng hạnh phúc đó là nhờ có những tiêu chí ứng xử tôn trọng, bình đẳng yêu thương và chia sẻ của mọi thành viên trong gia đình. Và một trong những nơi chốn để thực hành điều đó là những bữa cơm gia đình.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/thuong-lam-bua-com-nha-537054.html