Thương lái đề nghị điều chỉnh chi tiết hạng mục Đề án 'Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng'

Nhiều tiểu thương tại Chợ nổi Cái Răng tỏ ra băn khoăn trước Dự án 'Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ' khi cho rằng sẽ ảnh hưởng đến việc trao đổi nông sản giữa người dân và các ghe thương hồ, từ đó làm gián đoạn công việc làm ăn của người dân nơi đây.

Chợ nổi Cái Răng là một điểm nhấn du lịch được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia – “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng”. Chính vì vậy, nơi đây được các cấp chính quyền hết sức quan tâm, đầu tư kinh phí, nguồn nhân lực để bảo tồn bản sắc văn hóa, nét độc đáo trong giao thương hàng hóa, nông sản.

Đề án “Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng” được Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt theo quyết định số 2197/QĐ-UBND ngày 08/07/2016 sau 04 năm triển khai đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Bình quân hàng ngày có từ 250 - 300 ghe tàu tham gia mua bán, giao dịch trên sông. Lượng lưu thông nông sản của 8 vựa thu mua rau củ quả ven bờ mỗi ngày lên đến hàng trăm tấn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây 8 vựa trái cây, rau quả ven bờ thuộc khu vực Yên Thuận, phường Lê Bình, quận Cái Răng, nguồn thu mua nông sản chủ lực của các ghe thương hồ từ nơi khác đến giao thương tỏ ra băn khoăn trước Dự án “Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ” sắp được triển khai.

Nhìn chung các chủ vựa và người dân trong khu vực Chợ nổi Cái Răng đều nhận thức được sự cần thiết, lợi ích của việc xây bờ kè sông Cần Thơ để chống sạt lở, thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan đẹp. Điều họ băn khoăn là trong thời gian thi công bờ kè, chính quyền địa phương cần có giải pháp thích hợp nhằm giảm thiểu đến mức tối đa việc mua bán, trao đổi nông sản giữa họ và các ghe thương hồ.

Khu vực chợ nổi dự kiến sẽ xây dựng Kè bờ sông Cần Thơ.

Khu vực chợ nổi dự kiến sẽ xây dựng Kè bờ sông Cần Thơ.

Ông Nguyễn Minh Sang - chủ vựa thu mua nông sản Sáu Tèo tâm sự: “Khi dự án Kè bờ sông Cần Thơ được thi công, giữa công trình xây dựng ngổn ngang thì chắc chắn hàng hóa, nông sản sẽ khó vận chuyển từ dưới nghe lên bờ và ngược lại. Chúng tôi không ngại khó, chỉ sợ các chủ ghe thương hồ nản chí tìm nơi khác giao thương, mua bán. Một khi họ đã bỏ đi thì rất khó kéo họ trở lại, bài học về sự biến mất của Chợ nổi Ngã Bảy khiến chúng tôi lo lắng”.

Đồng với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Lượm - chủ vựa thu mua nông sản Phát Cang chia sẻ: “Cơ sở của tôi hiện đang sử dụng từ 40 - 60 lao động thường xuyên. Nếu công việc làm ăn bị gián đoạn hay ảnh hưởng không tốt, tôi lo cho mình thì ít, lo cho nhân công thì nhiều. Rất mong Nhà nước có biện pháp hỗ trợ địa điểm mới để chúng tôi thuận tiện trong việc giao dịch với các ghe thương hồ dưới chợ nổi, ổn định đời sống cho công nhân”.

Quá trình tìm hiểu tình hình thực tế trước khi dự án Kè bờ sông Cần Thơ tiến hành thi công cho thấy, tất cả các chủ vựa thu mua nông sản tại khu vực này đều nhất trí với chủ trương chung và có nguyện vọng đề nghị chính quyền địa phương tái bố trí cho họ tiếp tục mua bán, trao đổi nông sản tại khuôn viên “Trạm dừng chân du lịch Cái Răng” (địa điểm này người dân địa phương quen gọi là Nhà kho nông trường Sông Hậu).

Nông sản từ vựa thu mua được đưa lên xe tải tỏa đi khắp nơi.

Với tổng diện tích hơn 4000m2, khuôn viên này hiện do UBND quận Cái Răng quản lý, thuận tiện cho cả giao thông đường bộ lẫn đường thủy, nên rất thích hợp cho việc giao dịch, vận chuyển hàng hóa, nông sản.

Ông Vương Công Khanh - Quyền Chủ tịch UBND quận Cái Răng cho biết: “Khu vực Trạm dừng chân Chợ nổi cái Răng là một hạng mục thuộc Đề án “Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng” với quy mô xây dựng 1 trệt, 1 lầu và đài quan sát trên cao toàn cảnh khu vực chợ nổi đã được thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, trước nguyện vọng chính đáng của bà con địa phương và nhu cầu cấp thiết giữ chân ghe thương hồ các nơi về đây hội tụ, sắp tới quận sẽ kiến nghị về trên điều chỉnh chi tiết hạng mục đề án để phù hợp với tình hình thực tế. Thương hồ là hồn cốt tạo nên bản sắc “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng” nên chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con trong việc kinh doanh”.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/thuong-lai-de-nghi-dieu-chinh-chi-tiet-hang-muc-de-an-bao-ton-va-phat-trien-cho-noi-cai-rang-d166939.html