'Thương hiệu với hội nhập và phát triển bền vững'

Đây là chủ đề của Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam diễn ra ngày 20/4 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, nhằm chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa gắn với thương hiệu Việt và bàn hướng đi mới cho Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) sau 15 năm chính thức đi vào triển khai.

Diễn đàn thương hiệu Việt Nam quy tụ nhiều doanh nghiệp và chuyên gia trong các lĩnh vực

Hiệu quả rõ ràng

Năm 2003, Chương trình THQG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cho đến nay sau 5 kỳ xét chọn số lượng sản phẩm được công nhận THQG đã tăng theo hàng năm. Từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 88 doanh nghiệp năm 2016. Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, mặc dù con số này không lớn nhưng do tiêu chí đánh giá, lựa chọn khắt khe nên đây vẫn được đánh giá là thành công. Hơn nữa, thông qua chương trình nhiều doanh nghiệp đã tạo dựng được lòng tin với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện một số thương hiệu lớn của Việt Nam đã được thế giới biết đến và được định giá hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD như Viettel, Vinamilk, Hòa Phát… “Nhìn rộng ra chương trình này không chỉ gắn với THQG mà còn gắn với sản phẩm Việt, con người Việt”, ông Võ Trí Thành chia sẻ.

Là một trong những doanh nghiệp có kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu hàng hóa mang thương hiệu Việt ra thị trường nước ngoài, ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội chia sẻ: Nỗ lực đưa những mặt hàng nông sản, thực phẩm mang thương hiệu Hapro sang thị trường Angola, Mozambique, đảo Syps… đã giúp thương hiệu của công ty dần có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Mặc dù số lượng sản phẩm chưa nhiều nhưng đây sẽ là nền tảng cho phát triển bền vững thương hiệu Hapro.

Lựa chọn hướng đi khá độc đáo khi xuất khẩu sản phẩm thủ công ra thế giới, Công ty CP Vật liệu xây dựng SECOIN đã định vị được thương hiệu sản phẩm ở phân khúc cao cấp, với giá trị khoảng 25 USD/m2 gạch bông. Hiện sản phẩm của công ty đã xuất khẩu đi 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nói về bí quyết thành công này, ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT SECOIN nhấn mạnh, không thể đưa sản phẩm ra thị trường nếu không tạo ra được giá trị riêng. Sản phẩm của SECOIN là một ví dụ, ngoài việc sản xuất thủ công nhằm tạo sự khác biệt, chúng tôi hợp tác với nhà thiết kế nổi tiếng thế giới để tạo ra sản phẩm đẹp, chất lượng tốt đặc biệt là tạo lòng tin với khách hàng.

“Để có thể xây dựng thương hiệu bền vững trên thị trường, nhất là thị trường nước ngoài cần xây dựng một chuỗi giá trị từ sản xuất, marketing, logicstic, phân phối tới dịch vụ chăm sóc khách hàng. Mục tiêu cuối cùng là tạo được dấu ấn về thương hiệu trong tâm trí khách hàng”, lãnh đạo SECOIN phân tích.

Thay đổi cho phù hợp

Sau hơn 10 năm triển khai, Chương trình THQG đã phát huy tác dụng. Quan trọng nhất là giúp doanh nghiệp dần thay đổi nhận thức và đánh giá đúng vai trò của thương hiệu với phát triển bền vững.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - cố vấn Chương trình THQG cho rằng, Chương trình THQG khởi động từ năm 2003 những giá trị định vị cho đến thời điểm này không còn phù hợp, đã đến lúc phải thay đổi. Thậm chí có thể sẽ điều chỉnh bổ sung đối tượng tham gia. Hiện chương trình mới chỉ lựa chọn thương hiệu sản phẩm chứ chưa mở rộng đối tượng sang các thương hiệu tập thể, nhất là thương hiệu gắn với vùng chỉ đẫn địa lý.

Trong phiên thảo luận tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi nên thay đổi chương trình theo chiều rộng hay theo chiều sâu. Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng: Trong thời gian tới, chương trình sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp chọn ra đại sứ thương hiệu. Đại sứ thương hiệu có thể là 1 sản phẩm, doanh nghiệp, ngành công nghiệp để hỗ trợ sâu hơn nhằm định vị chắc chắn thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - phát biểu tại diễn đàn

Đồng tình với quan điểm trên, ông Tony Pigott - Chuyên gia thương hiệu đến từ Canada - lưu ý: Bên cạnh việc điều chỉnh nội dung Chương trình THQG sao cho phù hợp với bối cảnh kinh tế mới của Việt Nam và thế giới còn cần thực hiện tốt hơn nữa công tác truyền thông về THQG. Ngoài ra, cần lựa chọn ngành hàng, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như thực phẩm, may mặc để xây dựng chiến lược cụ thể cho từng ngành. Kết hợp nhiều thương hiệu ngành tạo thành THQG dùng những đặc trưng riêng, xuyên suốt để tạo sự khác biệt. Đặc biệt chú ý tới nhu cầu của thị trường, từ đó tìm ra định hướng thích hợp cho thương hiệu.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại: Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đóng góp xây dựng và hoàn thiện dự thảo Quy chế THQG để trình Chính phủ cuối năm 2018.

Việt Nga - Tuấn Vũ

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/thuong-hieu-voi-hoi-nhap-va-phat-trien-ben-vung-102392.html