Thương hiệu Việt khác Made in Vietnam

'Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập' là chủ đề chương trình tọa đàm do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) kết hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) tổ chức ngày 29/12, tại Hà Nội.

Sự kiện được tổ chức với mục đích cung cấp những kiến thức, kinh nghiệp thực tiễn về phát triển thương hiệu hướng tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế… đã thu hút được sự tham gia của trên 150 đại diện đến từ các cơ quan quản lý, chuyên gia, tổ chức và doanh nghiệp liên quan tới phát triển thương hiệu và xuất nhập khẩu.

Theo đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và sắp có hiệu lực, cùng với việc đổi mới chính sách của Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam sẽ tạo ra những bước phát triển mới cho chương trình, qua đó hình ảnh THQG Việt Nam ngày càng vững mạnh, chiếm lĩnh vị trí cao trên trường quốc tế.

Tại buổi tọa đàm, những câu hỏi mang tính thời sự được đặt ra như: Tầm quan trọng của THQG? Vị thế thực sự của THQG Việt Nam? Mối quan hệ giữa THQG với thương hiệu của sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp là gì? Những thách thức mà doanh nghiệp Việt phải đối diện ngay trên “sân nhà”?. Học hỏi được gì từ chiến lược phát triển thương hiệu của các quốc gia khác?...

Phó Chủ tịch Hanoisme, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn SUNHOUSE Nguyễn Xuân Phú chia sẻ nhiều kinh nghiệm để xây dựng Thương hiệu Việt. Ảnh: Khắc Kiên

Phó Chủ tịch Hanoisme, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn SUNHOUSE Nguyễn Xuân Phú chia sẻ nhiều kinh nghiệm để xây dựng Thương hiệu Việt. Ảnh: Khắc Kiên

Làm rõ vấn đề này, các phiên thảo luận, đối thoại mở và đa chiều được Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Phó Trưởng ban Thường trực, Ban thư ký Chương trình THQG Việt NamHoàng Minh Chiến; Phó Chủ tịch Hanoisme, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn SUNHOUSENguyễn Xuân Phú; Chủ tịch, Giám đốc điều hành kiêm Tổng Giám đốc sáng tạo Richard Moore AssociateRichard Moore;Chủ tịch Học viện Doanh nhân MVVNguyễn Thanh Sơn; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin Đinh Hồng Kỳ;Chủ tịch HĐQT DN KH&CN Ngân HàPhạm Thị Kim Loan giải đáp, chia sẻ.

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Phó Trưởng ban Thường trực, Ban thư ký Chương trình THQG Việt NamHoàng Minh Chiến thông tin, thông qua Chương trình THQG, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị trí trên thị trường trong và ngoài nước.

“Khi một doanh nghiệp có sản phẩm với thương hiệu uy tín thì thương hiệu của doanh nghiệp đó cũng sẽ được nâng cao, và khi một quốc gia có nhiều doanh nghiệp với thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia và THQG Việt Nam cũng không ngoại lệ. Khi các con số doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG tăng cao qua các thời kỳ cũng có nghĩa là số lượng các thương hiệu mạnh của Việt Nam đang dần tăng cao, THQG Việt Nam sẽ càng có cơ hội vươn mình cùng sánh vai với các nước khác trong khu vực và trên thế giới” – ông Hoàng Minh Chiến nói.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú - Trưởng ban Ban Thư ký Chương trình THQG Việt Nam cho rằng: Doanh nghiệp cần nỗ lực, quyết tâm, có khát vọng, đam mê, sang tạo để nhanh chóng xây dựng và phát triển mạnh mẽ THQG Việt Nam. Ảnh: Khắc Kiên

Đại diện cho các doanh nghiệp có sản phẩm THQG Việt Nam năm 2020, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú nêu quan điểm: Bản chất các doanh nghiệp đều vận hành theo một chuỗi giá trị, từ nguyên vật liệu đầu vào, quá trình nghiên cứu phát triển, gia công sản xuất, quảng cáo marketing, phân phối sản phẩm cho tới tay người tiêu dùng… Do đó, tầm quan trọng của việc phát triển và bảo vệ thương hiệu của sản phẩm, doanh nghiệp, địa phương và quốc gia càng phải được chú trọng.

“Thương hiệu Việt không phải là doanh nghiệp muốn cái gì, quan trọng là ở người tiêu dùng cần gì ở sản phẩm doanh nghiệp tạo ra. Đặc biệt, không nên đánh đồng Thương hiệu Việt với Made in Vietnam với. Bởi Thương hiệu Việt không chỉ lành hình ảnh của doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là tự hào của quốc gia” – vị này nêu quan điểm.

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú - Trưởng ban Ban Thư ký Chương trình THQG Việt Nam, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (như CPTPP, RVEP, EVFTA…) đang mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới, là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì động lực nền kinh tế của mình trong bối cảnh suy giảm chung của kinh tế khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nỗ lực, quyết tâm, có khát vọng, đam mê, sang tạo để nhanh chóng xây dựng và phát triển mạnh mẽ THQG Việt Nam.

“Trong xu thế hội nhập, tọa đàm được tổ chức kịp thời, nội dung mang tính thời sự và thiết thực cho các doanh nghiệp Việt đang xây dựng thương sản phẩm, ngành hàng. Từ đó góp phần vào nâng cao giá trị thương hiệu địa phương và THQG” – vị này nhấn mạnh.

Chương trình THQG Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, giao Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai.

Mục đích: Xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao. Nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập. Khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô. Tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thuong-hieu-viet-khac-made-in-vietnam-405620.html