Thương hiệu Việt chinh phục người tiêu dùng

Trước việc hàng ngoại lấn át, thậm chí 'đội lốt' hàng Việt nhằm đánh lừa người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đã chủ động không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nhằm khẳng định thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.

Thời gian gần đây, nhãn hàng Gosto của Công ty TNHH sản xuất tiêu dùng Bình Tiên (Biti's) được nhiều người tiêu dùng biết đến với các mặt hàng giày dép, quần áo, túi xách... chất lượng cao. Phần lớn các sản phẩm nhãn hiệu Gosto đều được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống nên mỗi ngày một người thợ chỉ hoàn tất được hai đôi giày, trong khi sản xuất trên dây chuyền công nghiệp năng suất bình quân của công nhân sản xuất các sản phẩm Biti's là 20 đôi. Nhằm tạo sự độc đáo, các mẫu túi xách, giày dép được thiết kế với số lượng có hạn, mỗi năm nhà sản xuất chỉ đưa ra thị trường hai đến ba bộ sưu tập trọn bộ. Công ty cổ phần may thêu Minh Hưng Long chuyên sản xuất quần áo trẻ em, tập trung vào chất lượng, an toàn, mẫu mã độc đáo. Tổng Giám đốc Công ty Minh Hưng Long Lý Thành Sinh chia sẻ: Ngành may mặc, hàng ngoại chiếm đến 70% thị phần, nếu chúng tôi chỉ quanh quẩn với những mẫu cũ thì coi như "thua" ngay trên sân nhà. Do đó, chúng tôi đoán trước các xu hướng để tung ra những sản phẩm thời trang trẻ em vừa mát, đẹp mắt, giá cả phải chăng. Ðặc biệt, tiêu chí chất lượng luôn đặt lên hàng đầu.

Một hướng đi khác được nhiều DN áp dụng hiện nay là dùng chính chất lượng sản phẩm cùng với giá cạnh tranh để làm thương hiệu. Ðiển hình là Công ty cổ phần Saigon Food. Ðơn vị này đã mở hơn mười cửa hàng bán lẻ sản phẩm tại thành phố. Saigon Food chọn cách dùng chính chất lượng sản phẩm để tiếp cận người tiêu dùng thay vì quảng bá trên các kênh truyền thông. Ngoài sản phẩm cháo ăn liền đã quen thuộc với đông đảo người dân, công ty cung cấp thêm các sản phẩm như xôi, trứng vịt lộn, bắp xào tôm. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Saigon Food Lê Thị Thanh Lâm cho rằng: Chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định chinh phục người tiêu dùng. Chất lượng sản phẩm không chỉ được tạo ra và duy trì trong thời gian ngắn mà phải lâu dài, ổn định. Ðây cũng chính là bảo chứng để DN có thể phát triển bền vững, có chỗ đứng trên thị trường. Muốn làm được điều này, đòi hỏi lãnh đạo DN phải có chữ tâm và chữ tín trong sản xuất. Ðó là trách nhiệm, đạo đức của chủ DN với những gì mình sản xuất, cung ứng cho cộng đồng. Ðồng thời DN kiến tạo vị thế trên thị trường, trong mắt đối tác từ đó tạo cơ sở để phát triển bền vững, lâu dài.

Nói về thương hiệu Việt, TS Trần Sĩ Chương - chuyên gia kinh tế cho rằng, đó không đơn thuần là dấu hiệu để nhận biết, phân biệt sản phẩm của DN này với DN khác, mà còn là tài sản rất có giá trị, là uy tín của DN và thể hiện niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của DN. Xây dựng thương hiệu hoàn toàn không chỉ là đặt một cái tên, đăng ký sở hữu cái tên đó, mà là cả chặng đường đầy gian nan để tạo được "hình ảnh rõ ràng và khác biệt", để người tiêu dùng khi ưu tiên dùng hàng Việt sẽ lựa chọn hàng hóa và dịch vụ của DN trong vô số hàng hóa cùng loại trên thị trường. Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Nguyễn Thành Nhân chia sẻ: Với vai trò là hệ thống phân phối mang thương hiệu thuần Việt lớn nhất Việt Nam, Saigon Co.op đã xây dựng, thực hiện và phát triển chiến lược "nội địa hóa", nhằm hỗ trợ mạnh mẽ các DN Việt trong công tác quảng bá và phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng trong nước. DN được tham gia vào chuỗi cung ứng của siêu thị phải trải qua quá trình đánh giá năng lực, chất lượng sản phẩm... Ðến nay, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã chiếm tỷ trọng 90 - 95% tại hệ thống Co.op mart. Ðiều này cho thấy, chất lượng hàng Việt không thua kém hàng ngoại nhập. Vấn đề còn lại là người tiêu dùng cần tỉnh táo khi lựa chọn kênh phân phối sản phẩm uy tín. Có như vậy mới vừa giảm rủi ro khi sử dụng hàng hóa vừa triệt tiêu cơ hội đối với những DN làm ăn gian dối.

Lãnh đạo các DN trong nước cũng cho biết: Ðể gây dựng được thương hiệu Việt đã khó, giữ được thương hiệu đó với cam kết uy tín, chất lượng còn khó hơn. DN chân chính khẳng định chất lượng, vị thế của mình với người tiêu dùng là cả một quá trình dài, gian nan. Chúng tôi rất cần sự vào cuộc của Nhà nước về một cuộc cách mạng hàng tiêu dùng, bảo vệ DN nội, không để tình trạng làm ăn chụp giựt, chạy theo lợi nhuận tồn tại. Những vụ việc phát hiện hàng gian, hàng giả bị cơ quan chức năng phát hiện thời gian gần đây là hồi chuông cảnh báo DN Việt phải làm ăn chân chính, trung thực với chính mình và với khách hàng. Bởi nếu không, sớm muộn gì cũng sẽ bị loại ra khỏi thị trường.

PHƯƠNG VY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/34702902-thuong-hieu-viet-chinh-phuc-nguoi-tieu-dung.html