Thương hiệu quốc gia: Tăng vị thế doanh nghiệp trên bản đồ thế giới

Ba năm gần đây, Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 8 bậc trên đánh giá của 100 Thương hiệu quốc gia có giá trị lớn nhất thế giới và cũng được xếp vào nhóm thương hiệu có giá trị lớn trên thế giới.

Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2018. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2018. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế thế giới trong thời gian vừa qua khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn.

Tuy nhiên, trong gian khó, thách thức, doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia vẫn khẳng định tính tiên phong góp phần vào việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội.

Nhân ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có một số trao đổi với phóng viên về Chương trình Thương hiệu quốc gia, qua đó đánh giá cụ thể hơn về những cống hiến của doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19.

- Nhìn lại những kết quả đóng góp của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Chương trình Thương hiệu quốc gia trong suốt giai đoạn từ khi Chính phủ ra quyết định thực hiện đến nay (năm 2003) đã đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực.

Đánh giá từ tổ chức Brand Finance của Vương Quốc Anh công bố mới đây cho thấy, trong năm 2019, Thương hiệu quốc gia Việt Nam xếp thứ 42 trong số 100 thương hiệu quốc gia có giá trị lớn nhất thế giới và trị giá 247 tỷ USD.

Đây là kết quả đáng khích lệ vì so với năm 2018 thì Thương hiệu quốc gia Việt Nam mới có giá trị 235 tỷ USD, nhưng sau đó một năm đã tăng 12 tỷ tương ứng tăng 5,4%.

Còn trong 3 năm gần đây, Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 8 bậc trên đánh giá của 100 Thương hiệu quốc gia có giá trị lớn nhất thế giới...

Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh hiện nay khi phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, so với các nước thì Việt Nam mới bước đầu trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia.

Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương phối hợp với các doanh nghiệp đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tiến hành các hoạt động đổi mới phù hợp với tình hình hiện nay.

Cụ thể, Bộ Công Thương đang tập trung vào việc quảng bá các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên phương tiện truyền thông số, báo điện tử, phát thanh… đồng thời phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông... các tổ chức quốc tế để quảng bá tới các thị trường mà hiện nay Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phối hợp với tổ chức Xúc tiến thương mại, doanh nghiệp để tổ chức các buổi giao thương trực tuyến tại thị trường Trung Quốc, châu Âu hay Mỹ La tinh… Điều này vừa phù hợp với bối cảnh khi có dịch COVID-19 nhưng cũng phù hợp với xu hướng xúc tiến thương mại trong bối cảnh hội nhập và đang đạt được kết quả tích cực.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành để đi vào các biện pháp phát triển doanh nghiệp cũng như thương hiệu của mình một cách bền vững. Đó là việc nâng cao chất lượng sản phẩm và Thương hiệu quốc gia Việt Nam, có biện pháp để truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm mà hiện đang xuất khẩu, giúp doanh nghiệp phát triển mẫu mã, bao bì về sản phẩm, phát triển và bảo vệ thương hiệu.

Nhưng quan trọng hơn, chúng ta phải quảng bá ra các địa bàn được nhắm tới, nhất là trong bối cảnh sau khi đã khống chế được dịch COVID-19 sẽ phải phát triển kinh tế để bù đắp lại cho quãng thời gian dừng hoạt động để tập trung vào việc khống chế dịch.

Đối với các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định và giữ được vai trò hàng đầu, tiên phong trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tham gia tích cực vào công tác cộng đồng, công tác xã hội, phải kể đến các doanh nghiệp như: VietinBank, Tập đoàn Hòa Phát, Vinamilk, Thaco…

- Trong năm 2019 kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam, vậy ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Trong thời gian vừa qua doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có sự phát triển đáng khích lệ.

Từ cột mốc năm 2008 mới có 30 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhưng 10 năm sau (năm 2018) đã có 97 doanh nghiệp đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Đáng lưu ý, tổ chức Brand Finance của Vương Quốc đã đánh giá, trong các doanh nghiệp hàng đầu thế giới thì các doanh nghiệp Việt đã có chỗ đứng của mình, trong đó hầu hết là các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Tiếp đến, các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đóng góp to lớn về xuất khẩu, thị trường trong nước và tạo công ăn việc làm ở các địa phương trên toàn quốc, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường trong nước, miền núi, biên giới, hải đảo.

- Số lượng doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia từ 2008 đến 2018:

- Năm 2020 Việt Nam thực thi nhiều FTA, nhất là EVFTA, vậy theo ông các Thương hiệu quốc gia Việt Nam cần sự chuẩn bị thế nào về chiến lược để đón đầu các hiệp định này?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Năm 2020 được đánh giá hết sức quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay thì chắc chắn sẽ phải cố gắng gấp 2-3 lần so với những năm trước.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đã có bước chuẩn bị để sau khi kết thúc dịch COVID-19 có thể chuyển ngay sang sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, trong các lĩnh vực mà các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đang hoạt động.

Trong đó, để phát triển xuất khẩu thì doanh nghiệp phải hướng tới các thị trường Việt Nam đã ký kết, thậm chí hiện có nhiều FTA đã, đang và sắp có hiệu lực, như: EVTA, CPTPP… và để triển khai có hiệu quả thì từ năm 2020 trở đi. Chúng tôi cho rằng đây sẽ là những thời điểm hết sức quan trọng với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam nói riêng.

Ngoài ra, đây cũng là bước mà Bộ đã cùng với các doanh nghiệp bàn thảo các chương trình giúp phát triển kinh doanh, xây dựng, quảng bá nâng cao được năng lực cạnh tranh cũng như thương hiệu của sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp. Qua đó, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia để có bước phát triển bền vững và bước tiến mạnh mẽ từ năm 2020 trở đi.

- Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, theo ông các doanh nghiệp nên có chiến lược như thế nào để phát triển bền vững?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Bất kỳ dịch bệnh nào xảy ra cũng là điều không mong đợi nhưng theo tôi các doanh nghiệp cũng phải chấp nhận đối đầu với các thử thách này.

Bộ Công Thương cũng đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia nói riêng đã khẳng định được vị thế của mình, sẵn sàng đối đầu với khó khăn. Một số doanh nghiệp đã tận dụng được khó khăn trong thách thức để ổn định sản xuất, tăng thị phần trên thị trường nội địa…

- Xin cảm ơn Thứ trưởng./.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, Ngành triển khai thực hiện.

Chương trình nhằm mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hóa hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước, con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đức Duy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thuong-hieu-quoc-gia-tang-vi-the-doanh-nghiep-tren-ban-do-the-gioi/635680.vnp