Thương hiệu quốc gia: Đưa hàng Việt vươn ra thế giới

Việc có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia (THQG) được xem là động lực quan trọng để doanh nghiệp định vị thị trường. Đây là chia sẻ của ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh với phóng viên Báo Công Thương.

Thưa ông, việc đạt THQG sẽ có tác động như thế nào với một doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như hiện nay?

Hiện nay, việc có sản phẩm đạt THQG là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp. Bởi tất cả các sản phẩm của doanh nghiệp phải xây dựng trên thương hiệu của chính sản phẩm ấy, từ đó định vị ở thị trường nội địa và quốc tế. THQG không chỉ là một thương hiệu, mà còn là nền tảng để những nhà nhập khẩu nước ngoài lựa chọn. THQG sẽ trở thành cầu nối để doanh nghiệp bước qua, đi ra thế giới rất nhanh, giúp họ không phải đi đường vòng, không phải đi qua một đơn vị gia công nào nữa mà có thể đi trực tiếp bằng chính THQG đã có giá trị và được khẳng định.

Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh

Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh

Trong bối cảnh bình thường mới, theo ông việc xây dựng và giữ gìn THQG cần được các doanh nghiệp thực hiện như thế nào?

Tôi cho rằng trong bối cảnh cả thế giới cũng như Việt Nam đang tiếp tục phải chống chọi với đại dịch Covod-19 thì việc xây dựng THQG rất quan trọng, mang tính sống còn với tất cả các doanh nghiệp.

Điều này xuất phát từ hai lý do. Thứ nhất, hiện tại sức mua và sức cầu của thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào thương hiệu. Theo đó, người tiêu dùng sẽ nhìn vào thương hiệu để lựa chọn. Thứ hai, THQG sẽ hướng đến mục tiêu tạo ra thương hiệu gắn liền với bảo vệ sức khỏe. Vì thế, hiện tại các doanh nghiệp đã hướng rất nhiều đến việc xây dựng THQG gắn với bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn dịch Covod-19 rất nhiều các ngành hàng đang phải đóng cửa, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên họ sẽ không lựa chọn theo nhu cầu mà có thể lựa chọn theo thương hiệu và THQG sẽ là lựa chọn đầu tiên mà người tiêu dùng hướng tới.

Qua 17 năm triển khai chương trình xây dựng THQG đã có rất nhiều doanh nghiệp đạt được danh hiệu này. Tuy vậy vẫn có những doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, nguyên nhân vì sao, thưa ông?

Đầu tiên việc xây dựng THQG phải do doanh nghiệp tự làm và được sự lựa chọn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, quá trình xây dựng THGQ sẽ có những thủ tục mang tính chất hành chính để hoàn thiện hồ sơ. Những thủ tục này, theo chúng tôi còn khá nhiêu khê đối với doanh nghiệp. Vì thế, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn đang âm thầm bán hàng và họ không muốn làm hồ sơ công nhận nữa. Và những thương hiệu này đã tự hình thành trong lòng người tiêu dùng nhưng họ lại không được chứng nhận THQG.

Do đó, các cấp chính quyền, nhà nước, trong đó có Bộ Công Thương cần trực tiếp làm việc với các hiệp hội, ngành hàng để lựa chọn những thương hiệu mà người tiêu dùng đã tin tưởng nhưng chưa được làm THQG để công nhận THQG cho những doanh nghiệp này. Như vậy, mục tiêu xây dựng THQG lớn mạnh sẽ đạt nhanh hơn, thay vì để họ tự làm đơn trong khi họ đã có chỗ đứng hàng chục năm trong lòng người tiêu dùng Việt.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tập trung xây dựng nhiều hơn cũng như phát triển thêm những THQG mang tính nội địa để hạn chế nhập khẩu.

Xin cảm ơn ông!

Chương trình THQG Việt Nam từ khi chỉ có 30 doanh nghiệp năm 2008, đến năm 2020 đã có 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm được công nhận, trong đó đã có nhiều thương hiệu gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới.

Mai Ca - Minh Khuê (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-hieu-quoc-gia-dua-hang-viet-vuon-ra-the-gioi-155684.html