Thương hiệu hạt gạo Việt

Nhiều ngày qua, giá gạo xuất khẩu luôn ổn định ở mức cao. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA đã rộng cửa cho gạo Việt vào châu Âu. Tuy nhiên để tạo uy tín và chỗ đứng lâu dài, giới chuyên gia cho rằng, cùng với chất lượng hạt gạo, cần phải tăng tốc xây dựng thương hiệu sao cho người tiêu dùng trên thế giới dễ nhận diện gạo Việt.

Nhiều tín hiệu vui từ xuất khẩu gạo.

Nhiều tín hiệu vui từ xuất khẩu gạo.

Vươn lên vị trí số 1

Thực tế, từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp đã đưa hạt gạo Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU. Nhưng do mức thuế mà EU áp lên gạo Việt Nam quá cao, nên lượng gạo xuất khẩu sang khu vực này còn khá khiêm tốn. Trong khi đó, gạo từ Campuchia, Lào, Myanmar nhập vào EU được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch vì được xếp vào nhóm những nước kém phát triển. Bên cạnh đó, gạo từ Thái Lan, Mỹ, Úc được áp dụng hạn ngạch (ưu đãi thuế) với số lượng lớn.

Do bất lợi lớn về thuế, nên gạo Việt Nam rất khó cạnh tranh được với gạo từ các nước nói trên tại thị trường EU. Bởi thế, Việt Nam luôn nằm trong Top 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới từ nhiều năm nay, song lại không nằm trong Top 5 nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào EU.

Vì lẽ đó, Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực kể từ 1/8/2020, trong đó dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 80 ngàn tấn gạo (thuế suất 0%), sẽ mở ra cơ hội lớn cho gạo Việt Nam thâm nhập vào thị trường quan trọng này. So với lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam, 80 ngàn tấn chỉ là con số nhỏ, nhưng điều quan trọng nhất là nếu tận dụng được tốt hạn ngạch này, gạo Việt Nam sẽ dần tạo được uy tín và có chỗ đứng tại EU. Từ đó, hạn ngạch này có thể sẽ được phía EU xem xét, mở rộng dần thêm trong những năm tới.

Cũng từ đầu tháng 8 tới nay, giá gạo của Việt Nam đang cạnh tranh từng ngày rồi cao hơn Thái Lan từ 10 USD, sau đó lên gần 20 USD/tấn. Có được kết quả này là nhờ tác động không nhỏ của Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua. Việc được giảm thuế cộng với thị trường gạo đang sôi động đã đẩy giá gạo tăng cao.

Nói về sự kiện gạo Việt sang EU, ông Nguyễn Như Cường- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: Thực tế việc chuẩn bị hành trang để hạt gạo Việt sang EU đã được Bộ NNPTNT triển khai trong một thời gian dài. Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, đồng thời EU dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu gạo 80.000 tấn/năm, ngày 4/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu. Ngay sau đó, ngày 7/9, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định hướng dẫn các doanh nghiệp thủ tục làm chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU, tạo nền tảng cho doanh nghiệp sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu theo đúng quy định.

Cũng theo ông Cường, quy định này bảo đảm được độ thuần và tính đúng giống của gạo thơm xuất khẩu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu xuất gạo thơm sang EU để được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch; phù hợp với định hướng phát triển vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng ngành lúa gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo các chuyên gia lúa gạo, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đều tăng trưởng, Việt Nam sẽ vượt Thái Lan vươn lên vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới trong năm 2020. Vấn đề hiện nay là xác lập, khẳng định thương hiệu gạo Việt trên thương trường.

Làm gì để nhận diện gạo Việt?

Như vậy, đi đôi với cơ hội là những thách thức với gạo Việt Nam. Thị trường EU đòi hỏi cao về nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm… nên chất lượng vẫn là yếu tố then chốt cho xuất khẩu gạo. Do đó, việc chớp thời cơ đưa gạo Việt lên ngôi đầu cũng là lúc chúng ta cần bàn lại chuyện xây dựng thương hiệu gạo Việt. Bởi xây dựng thương hiệu gạo Việt được bảo hộ chính thức toàn cầu là nền tảng vững chắc để giúp gạo Việt Nam vươn ra thế giới, nhưng việc này thực sự không đơn giản.

Như trường hợp cá nhân ông Hồ Quang Cua, tác giả của giống lúa ST25, trăn trở lớn nhất trong nhiều năm qua là làm thế nào bảo vệ thương hiệu cho những sản phẩm lúa gạo chất lượng. Gạo ST25 dù đã có nhãn mác nhưng lại thiếu cơ chế để bảo vệ khi bản thân tỉnh Sóc Trăng cũng đang ngoài cuộc.Trước đó, ngày 18/12/2018, Bộ NNPTNT chính thức công bố logo thương hiệu gạo quốc gia. Nhiều nông dân và doanh nghiệp sản xuất lúa gạo kỳ vọng sẽ tạo ra một thị trường minh bạch và tạo cơ hội cho gạo Việt được nhận diện rõ hơn trên toàn thế giới sau 30 năm xuất khẩu. Nhưng câu chuyện khẳng định thương hiệu thực sự không dễ dàng.

Trong khi đó, nhìn sang Campuchia, nhiều năm qua gạo Campuchia có thương hiệu, chất lượng đạt sự đồng nhất nhờ xây dựng được những vùng nguyên liệu tập trung, bao bì đạt chuẩn nên dù giá bán rất cao vẫn có người mua. Không chỉ vậy, các công ty xuất khẩu gạo Campuchia còn ký kết trực tiếp với hệ thống siêu thị, cửa hàng.

Sau khi chinh phục thị trường châu Âu, Mỹ…, gạo Campuchia dễ dàng tấn công sang thị trường Trung Quốc với những bước đi bài bản do xuất khẩu gạo chất lượng cao. Bên cạnh đó, một đối thủ tiềm năng khác được dự báo sẽ cạnh tranh với gạo Việt ngay tại thị trường Trung Quốc đó là Lào. Số lượng không nhiều nhưng cách làm của Lào cũng giống Campuchia nên trước mắt đã hơn gạo Việt về cái tiếng.

Theo GS Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp, DN xuất khẩu gạo nước ta vẫn thụ động, chờ người mua và chưa chủ động mang ra thị trường thế giới để bán, chưa biết cách tiếp thị ra bên ngoài. Gạo Việt đang bán qua trung gian là chính chứ chưa bán cho nhà phân phối trực tiếp và các hệ thống siêu thị ở các nước.

“Thái Lan là ông trùm về bán hàng xuất khẩu thì Campuchia cũng không kém cạnh. Họ làm tốt thương hiệu để khai thác thị trường nhà giàu châu Âu. Hãy nhìn cách DN Campuchia đưa gạo sang Mỹ giới thiệu, mời khách hàng ăn thử cho đến cách quảng bá tại hội chợ gạo quốc tế”- GS Xuân quan ngại

GS Võ Tòng Xuân cho rằng, xây dựng thương hiệu gạo không phải là chỉ tập trung vào gạo cấp cao, bỏ gạo giá rẻ mà tập trung thế mạnh của nước mình và theo nhu cầu thị trường. Ngoài ra Campuchia, Lào làm thương hiệu được không chỉ nhờ làm vùng nguyên liệu, giống chất lượng mà họ biết cách bán hàng, tiếp thị.

“Thương hiệu gạo Việt nên chia làm ba loại gạo thơm cao cấp, gạo trắng giá rẻ và gạo đặc sản. Kèm theo đó phải hỗ trợ về thuế, hải quan cho những DN làm tốt chuỗi giá trị và thương hiệu”, GS Xuân gợi mở.Thực tế là đến thời điểm này, việc xây dựng giá trị cho thương hiệu gạo Việt, xét ở góc độ xuất khẩu còn rất hạn chế và thua các nước. Do đó nhằm định vị giá trị, hình ảnh, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh các sản phẩm gạo Việt là cần thiết. Nhưng thương hiệu tự thân nó không thể giải bài toán kinh tế của ngành.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group đề xuất: Thực tế, các DN sản xuất, xuất khẩu gạo lợi nhuận không nhiều nên không đủ chi phí làm việc này thường xuyên. Do đó Nhà nước, DN và hiệp hội phải cùng tham gia, đồng thời cũng cần các nhà khoa học xác định để trên cơ sở đó nhà nước công nhận về tiêu chuẩn, tiêu chí, quy chuẩn của từng loại gạo.

Còn với góc nhìn của người hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) lo lắng: Tới các nước, chúng ta thấy hàng loạt thương hiệu của DN được xây dựng trên nền tảng thương hiệu quốc gia, chúng ta thì chưa có. Đó là thiệt thòi và cần hành động ngay để khắc phục.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh.

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, hàng năm Việt Nam xuất khẩu gạo từ 6,0-6,5 triệu tấn gạo, trong đó lượng gạo xuất khẩu tập trung chủ yếu tại vùng ĐBSCL. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đánh giá: Gạo của Việt Nam có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi mở rộng được hạn ngạch. Năm 2019 lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu vào EU là 50.000 tấn, trị giá 28,5 triệu Euro.

Trong khi đó, tổng nhập khẩu gạo của EU 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch là 1,4 tỷ Euro; so với các nước ASEAN khác xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, 1/10 Myamnar, 1/4 Campuchia.

TS Lê Văn Bảnh.

TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL khẳng định: Cần làm thương hiệu cho gạo, bao gồm cả thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, thương hiệu DN. Khi có thương hiệu thì phải biết giữ gìn nó. Gạo ngon của Việt Nam muốn có chỗ đứng trên thị trường thế giới, có khách hàng lâu dài thì bên cạnh thương hiệu phải chiếm được sự tin cậy của khách hàng.

Hải Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thuong-hieu-hat-gao-viet-507209.html