Thương hiệu đồng hồ lâu đời tại Thụy Sĩ tôn vinh vẻ đẹp Việt Nam

Thương hiệu đồng hồ cao cấp lâu đời bậc nhất Thụy Sỹ vừa cho ra mắt độc bản 'Floating Market' có bức tiểu họa lấy cảm hứng từ nét văn hóa sông nước đặc trưng của miền Tây Nam bộ Việt Nam.

Tiểu họa chợ nổi Việt Nam trên độc bản của thương hiệu đồng hồ lâu đời nhất Thụy Sỹ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tiểu họa chợ nổi Việt Nam trên độc bản của thương hiệu đồng hồ lâu đời nhất Thụy Sỹ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Sau độc bản có bức tiểu họa lấy cảm hứng từ thiên nhiên thơ mộng, kỳ vỹ của Vịnh Hạ Long ra mắt năm 2019, nay thương hiệu đồng hồ cao cấp lâu đời của Thụy Sĩ - Jaquet Droz - tiếp tục chinh phục giới sưu tầm Việt Nam bằng tác phẩm Petite Heure Minute Floating Market lấy cảm hứng từ nét văn hóa sông nước đặc trưng của miền Tây Việt Nam.

Hình ảnh chợ nổi độc đáo được tái hiện đầy sống động và giàu tính nghệ thuật qua bức tiểu họa bao quanh bằng vàng đỏ 18k với kích thước 39mm.

Câu chuyện độc bản thăng hoa cùng kỹ nghệ bậc thầy

Tại xưởng chế tác thủ công của một trong những thương hiệu đồng hồ lâu đời nhất Thụy Sĩ, những đôi tay điêu luyện của các nghệ nhân liên tục thực hiện các công đoạn chế tác một cách tỉ mỉ, khéo léo và tinh tế nhất nhằm tạo ra các tác phẩm nghệ thuật độc bản, trong đó bao gồm cả Petite Heure Minute dành riêng cho giới sưu tầm Việt Nam.

Ở đó, các nghệ nhân dù là họa sỹ, thợ chạm khắc hay thợ tráng men đều làm chủ được nghệ thuật của tương phản mà ít đâu có: tương phản giữa những kỹ thuật truyền thống và ngôn ngữ thẩm mỹ hiện đại, giữa kỹ thuật tráng men Grand Feu của thiết kế cổ điển và bức tranh tiểu họa sống động.

Tráng men Grand Feu là kỹ thuật đặc trưng của thương hiệu đồng hồ này từ thế kỷ 18, kết hợp phương pháp sản xuất truyền thống với công nghệ thế hệ mới nhất. Bản chất của tráng men là nung chảy một dạng thủy tinh bột gồm các tinh thể kim loại oxi hóa, khi được nghiền và pha trộn cùng nhau tạo thành những lớp màu gần như trong suốt có ánh sáng xanh nhẹ, gọi là flux. Độ cứng của lớp flux phụ thuộc vào thành phần mà mỗi nghệ nhân thường có bí quyết riêng.

Họa sỹ phác thảo bức tiểu họa chợ nổi miền Tây cho chiếc đồng hồ độc bản dành riêng cho Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Nung tráng men cần ngọn lửa rất lớn, nhiệt độ càng cao thì lớp men càng bám chắc nhưng cũng có độ rủi ro cao vì dễ dàng có các vết nứt vỡ trên bề mặt, chỉ một hạt bụi có thể tạo ra bong bóng, phá vỡ toàn bộ nỗ lực. Thế nên tỉ lệ hỏng bỏ để thu được một lớp tranh hoàn hảo cuối cùng thường là làm 10 lấy được 1.

Kỹ thuật tráng men Grand Feu gần đây được ứng dụng trên mặt số của nhiều thương hiệu với ánh sáng bóng bẩy đặc trưng của nó. Trong độc bản Petite Heure Minute dành cho Việt Nam, hình ảnh con người, trái cây, con thuyền và phong cảnh được vẽ thủ công vô vùng kỳ công, tỉ mỉ dưới ngòi bút của nghệ nhân đã làm sống dậy các chi tiết phức tạp và đầy màu sắc mà mắt thường dường như khó cảm nhận được chỉ trong kích thước vỏn vẹn 39mm.

Người họa sỹ đã làm mọi thứ bằng tay với sự hỗ trợ của kính hiển vi và những dụng cụ chọn lọc cầu kỳ. Chẳng hạn như bút lông phải vừa vặn với bàn tay, vừa vặn cho chi tiết vẽ nên phải mất đến vài tháng mới làm ra một chiếc mới đáp ứng được yêu cầu của họa sỹ như kích thước phù hợp để vẽ những chi tiết như trái cây, con thuyền, sợi tóc hay những đặc điểm tinh tế khác.

Mỗi bức tiểu họa tráng men là tổng hòa của nhiều lớp màu, mỗi màu lại là cả quy trình pha chế các kim loại ôxi hóa khác nhau và nung ở những mức nhiệt nhất định.

Đặc biệt, để lên được các tông màu khác nhau, nghệ nhân phải thử nhiều phương pháp, không chỉ tăng giảm các kim loại ôxi hóa mà còn tăng giảm cả lượng flux. Tác phẩm hoàn thiện, lớp men sẽ giữ được vẻ đẹp và độ bóng trong nhiều thế kỷ, hơn hết là chịu được sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian.

Mỗi lớp màu là một lần nung và một chiếc bút vẽ được chế tác riêng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Cho dù là phương thức tráng men hiếm thấy hay những bức tiểu họa tinh xảo thì khả năng tạo ra các thiết kế mặt số độc bản cho những khách hàng thân thiết từ đôi tay tài hoa của các nghệ nhân mới là điều làm nên giá trị và sự khác biệt.

Và, mỗi độc bản là một câu chuyện riêng dành cho khách hàng mà thông qua đó, những nhà tạo tác muốn gửi tới thông điệp rằng trị giá chân thực của chiếc đồng hồ không chỉ được đúc kết qua yếu tố lịch sử, kỹ thuật chế tác mà quan trọng là tính nghệ thuật và cảm xúc mà chiếc đồng hồ đem lại.

Mỗi chiếc đồng hồ đều là công sức của những đôi bàn tay khéo léo và quy trình thủ công kéo dài hàng tuần, hàng tháng trời, nhưng cần được tích lũy kinh nghiệm tới cả đời người.

Giá trị Việt trong dòng chảy tinh hoa thế giới

Cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ và những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam đã trở thành một trong những nguồn cảm hứng cho các nghệ nhân của Jaquet Droz thăng hoa trong tác phẩm độc bản Petite Heure Minute.

Với dự án dành riêng cho Việt Nam lần này, toàn bộ quá trình lên ý tưởng bắt nguồn từ người Việt, và đặc biệt hơn khi ý tưởng này do một nghệ nhân cũng có dòng máu Việt Nam – Lê Ngọc Thanh, nghệ nhân trưởng bộ phận trang trí tiểu họa của thương hiệu đồng hồ lâu đời bậc nhất Thụy Sỹ sáng tạo.

Vàng đỏ 18k bao quanh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tác phẩm "Floating Market" ngay khi hoàn thiện đã thuộc sở hữu của người Việt Nam, một người yêu nghệ thuật đỉnh cao trên những sản phẩm kinh điển. Giá chiếc đồng hồ được tiết lộ giá 888.800.000 đồng.

Trước đó, năm 2019, giới sưu tập Việt Nam cũng từng trầm trồ với độc bản Petite Heure Minute Ha Long Bay – tác phẩm đánh dấu vị trí đặc biệt của Việt Nam trong thế giới sản xuất đồng hồ tinh hoa.

Mặt đồng hồ sau đó được nung trong lò để ươm màu và quá trình này được lặp lại tỉ mỉ khoảng hai mươi lần. Mỗi lần lò nung nổi lửa là một lần bức tiểu họa dần hiện lên chân thật hơn. Từng bước đều được thực hiện vô cùng kỹ lưỡng bằng kết tinh từ yếu tố con người, nghệ thuật và tinh hoa truyền thống thủ công gần 300 năm, ấp ủ mỗi mặt đồng hồ tới hơn 1 tuần để hoàn thiện.

Vẽ trên mặt số diện tích nhỏ vốn đã rất khó, để bức họa đi sâu vào chi tiết chiếc đồng hồ lại càng kỳ công. Bởi người nghệ nhân phải điều chỉnh bàn tay so với tầm nhìn khuếch đại trên kính lúp khiến độ phức tạp càng tăng, đòi hỏi người nghệ nhân cần đôi tay chắc chắn, chậm rãi và kiên nhẫn tập trung cao độ. Do vậy, mỗi chiếc đồng hồ đều chứa đựng giá trị cảm xúc và yếu tố con người./.

Tác phẩm đã có chủ nhân từ trước khi về đến Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong số ít ỏi những cây đại thụ của thế giới đồng hồ cao cấp thì Jaquet Droz là cái tên sở hữu nhiều kiệt tác kinh điển mà giới sưu tầm tinh hoa chưa bao giờ ngừng tìm kiếm.

Cha đẻ của thương hiệu, ngài Pierre Jaquet-Droz (1721-1790) là một trong những tượng đài thú vị trong buổi sơ khai của ngành đồng hồ. Vốn là nhà soạn nhạc tài ba đồng thời là thiên tài chế tác cơ khí, di sản nghệ thuật mà Pierre Jaquet-Droz để lại thực sự khiến giới mộ điệu đương thời nghiêng mình kính phục.

Ông đi tiên phong trong ứng dụng động cơ pit-ton và hệ thống còi để tái hiện những giả âm hoàn hảo nhất của tiếng chim hót, với kích thước siêu nhỏ và sau đó được làm tinh xảo trên hộp thuốc lá, chai rượu, ly cho đến cả súng ngắn.

Thiết kế trường tồn và nổi bật nhất trong lịch sử Jaquet-Droz phải kể đến ba kiệt tác có một không hai, khẳng định vị thế thống trị của thương hiệu này tại châu Âu vào nửa sau thế kỷ 18.

Ngày nay, ba cỗ máy 240 năm tuổi: The Writer, The Musician và The Draughtsman vẫn không ngừng làm thế hệ hiện đại phải kinh ngạc bởi tầm nhìn vượt thời gian và kiến thức cơ học siêu phức tạp.

Mai Mai (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thuong-hieu-dong-ho-lau-doi-tai-thuy-si-ton-vinh-ve-dep-viet-nam/676504.vnp