Thương hiệu của một doanh nghiệp chiếm khoảng 30% chuỗi giá trị

Sáng 29/12/2020 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Hà Nội đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm 'Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập'.

 Các diễn giả trong phần giao lưu tại diễn đàn mở về định vị và nâng tầm thương hiệu Việt

Các diễn giả trong phần giao lưu tại diễn đàn mở về định vị và nâng tầm thương hiệu Việt

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại - cho biết, từ năm 2003 Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp với các bộ ngành triển khai chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Sau 17 năm, đến nay đã có 124 doanh nghiệp được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia với những kết quả kinh doanh ấn tượng. Các doanh nghiệp này đạt tổng doanh thu khoảng 1.430 nghìn tỷ đồng và xuất khẩu đạt 137 nghìn tỷ đồng năm 2019.

Ông cũng cho biết, cho đến nay đã có 80 nước triển khai xây dựng chương trình thương hiệu quốc gia để phát triển thị trường ngoài nước. Do vậy, việc Việt Nam triển khai xây dựng Chiến lược Thương hiệu Quốc gia phù hợp với xu hướng phát triển mới là hết sức cần thiết. Xây dựng thương hiệu quốc gia chính là tạo dựng hình ảnh Việt Nam thông qua hình ảnh sản phẩm và dịch vụ trong con mắt người tiêu dùng trong nước cũng như các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng quốc tế.

Ngay sau đó, một diễn đàn mở đã được tổ chức. Ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại - cho biết, để được công nhận là thương hiệu quốc gia thì đó phải là doanh nghiệp Việt Nam và sản xuất ra sản phẩm tại Việt Nam với ít nhất 51% cấu thành sản phẩm là từ các yếu tố trong nước.

Ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse - nêu quan điểm: Bản chất các doanh nghiệp đều vận hành theo một chuỗi giá trị. Từ nguyên liệu đầu vào, quá trình nghiên cứu phát triển, gia công sản xuất, quảng cáo và marketing, phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng… Thông thường, việc phát triển thương hiệu chiếm khoảng 30% trong tổng chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Thương hiệu chính là một hệ thống quản lý chất lượng và quốc gia nào sở hữu nhiều thương hiệu lớn sẽ là một quốc gia thịnh vượng.

Là một doanh nghiệp về lĩnh vực vật liệu xây dựng hiện xuất khẩu sản phẩm đến khoảng 60 nước, ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch Công ty Secoin - cho biết, quốc tế đánh giá thương hiệu một doanh nghiệp là tiêu chí 2 chữ D. Đó là Develop (phát triển) và Design (thiết kế). Trong đó, yếu tố thiết kế phải phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại thị trường mà hàng hóa của doanh nghiệp đó được tiêu thụ.

Để làm được việc này, các sản phẩm vật liệu xây dựng của Secoin phải được thiết kế không theo ý thức chủ quan mà phải dựa trên thực tiễn của thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm xuất khẩu của Secoin đều mang thương hiệu của mình. Song để khẳng định vị thế thì Secoin đã phải thuyết phục các đối tác nước ngoài phải cho phép ghi vào dòng chữ “made by Secoin Vietnam”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Học viện Doanh nhân MVV – khẳng định, thương hiệu phải gắn với tầm nhìn. Toàn cầu hóa với mọi doanh nghiệp không thể có ngay lập tức và quan trọng là phải thích nghi với hệ sinh thái toàn cầu hóa. Ông cũng cho biết là nếu doanh nghiệp muốn học hỏi các thương hiệu đã thành công thì về cơ bản sẽ không học được gì. Nguyên nhân vì mỗi quốc gia và doanh nghiệp đều có những đặc thù, bản sắc riêng. Vì thế, học hỏi kinh nghiệm tuy là điều cần thiết những mỗi doanh nghiệp đều phải xây dựng thương hiệu mang đặc thù, bản sắc riêng của mình.

Là một doanh nghiệp mới được công nhận đạt thương hiệu quốc gia năm 2020, bà Phạm Thị Kim Loan – Chủ tịch Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Ngân Hà – cho rằng, khi vươn ra thị trường nước ngoài, việc đầu tiên của các doanh nghiệp Việt Nam là phải đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp cho sản phẩm của mình ở nước sở tại. Giá trị thương hiệu quốc gia với các doanh nghiệp không phải là một giải thưởng mà chính là chứng nhận quy trình quản lý chất lượng sản phẩm.

Ông Richard Moore – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sáng tạo Công ty Richard Moore Associates - đã gửi lời phát biểu tới buổi tọa đàm với thông điệp khẳng định, chính yếu tố thiết kế đã tạo nên thương hiệu cho các doanh nghiệp và sản phẩm của họ. Tuy nhiên, biểu trương (logo) và bộ nhận diện thương hiệu cùng tạo dáng công nghiệp cho sản phẩm không phải là tất cả mà còn cả chuỗi giá trị về quản trị, sản xuất, phân phối, marketing…

Logo, bộ nhận diện thương hiệu... tuy rất quan trọng với thương hiệu nhưng vẫn còn nhiều yếu tố khác

Để các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu, ông Hoàng Minh Chiến cho biết – rất cần một chính sách rõ ràng để định nghĩa rõ ràng về sản phẩm của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam…

Vì thế, Bộ Công Thương đang xây dựng một Nghị định để làm rõ vấn đề này. Trong Nghị định này, tất cả các khái niệm made in Vietnam, made by Vietnam và make in Vietnam sẽ được làm rõ.

Cảm ơn Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Hà Nội đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm, ông Vũ Bá Phú cho biết, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ tiếp tục làm rất nhiều việc trong thời gian tới nhằm có thêm các doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn thương hiệu quốc gia. Cùng với việc đó là phải nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa mà trong đó không thể thiếu yếu tố thiết kế. Cục Xúc tiến Thương mại đã hợp tác với Viện Xúc tiến Thiết kế Hàn Quốc để triển khai hoạt động này.

Đức Hoàng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/thuong-hieu-cua-mot-doanh-nghiep-chiem-khoang-30-chuoi-gia-tri-post141590.html