Thượng đỉnh Triều Tiên-Hoa Kỳ: Không dễ dàng

Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ không gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nếu không thấy một số hành động cụ thể của Bình Nhưỡng.

Tuyên bố của ông Trump đã cho thấy chấm dứt thế bế tắc giữa 2 nước liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên không phải là chuyện sắp xảy ra, trong bối cảnh dư luận đang râm ran về cuộc gặp thượng đỉnh Triều Tiên-Hoa Kỳ.

Bước ngoặt lịch sử

Trước đó, cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong sau cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ tại Nhà Trắng, đã long trọng thông báo ông Trump chấp nhận lời mời gặp của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Chung Eui-yong tuyên bố: “Tổng thống Trump đánh giá cao báo cáo và cho biết, từ nay đến cuối tháng 5, sẽ gặp ông Kim Jong-un, để tiến tới việc giải trừ hạt nhân lâu dài.

Hàn Quốc và Hoa Kỳ cũng như đông đảo các đối tác của chúng tôi trên thế giới luôn quyết tâm hướng tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Cùng với Tổng thống D. Trump, chúng tôi lạc quan tin tưởng vào tiến trình ngoại giao để có thể tìm được một cách giải quyết hòa bình”.

Ngay lập tức thông báo trên được các nước liên quan trực tiếp hoặc ít nhiều đến hồ sơ Triều Tiên lên tiếng đón nhận tích cực. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố, cuộc gặp thượng đỉnh sẽ là bước ngoặt lịch sử, giúp có được hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng kêu gọi Hoa Kỳ và Triều Tiên hãy chứng tỏ “can đảm chính trị” sau tiến triển ngoạn mục này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đánh giá, đây là bước đi đúng hướng và hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ diễn ra.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh, đánh giá cao sự thay đổi của Bình Nhưỡng nhưng vẫn tỏ ra nghi ngờ ý định của Triều Tiên trong việc thảo luận về kho vũ khí hạt nhân. Có rất nhiều ý kiến tương đồng với Thủ tướng Nhật Bản.

Theo quan điểm của một cựu quan chức Hội đồng An ninh, phụ trách về châu Á, dưới thời Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Bình Nhưỡng trên thực tế đang tìm cách gieo mối bất hòa giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ, đồng thời dùng chiêu bài thương lượng để kéo dài thêm thời gian.

Bình Nhưỡng biết được rằng Seoul và Washington bất đồng trong cách tiếp cận hồ sơ hạt nhân Triều Tiên. Một bên chọn củ cà rốt, còn bên kia thích cây gậy. Nếu Hoa Kỳ kiên quyết “đóng sập cửa” với Triều Tiên, điều đó có nguy cơ đè nặng hơn nữa lên mối quan hệ Hoa Kỳ-Hàn Quốc cũng như việc áp dụng nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt.

Chiến thắng cho cả 2 bên
Đề nghị đối thoại của Bình Nhưỡng có thể còn làm cho sự chia rẽ trong nội bộ Hoa Kỳ thêm sâu sắc, giữa một bên là Cố vấn An ninh quốc gia H.R.McMaster, chủ trương đường lối cứng rắn và bên kia là Bộ trưởng Quốc phòng, James Mattis, ủng hộ chính sách ôn hòa hơn.

Trong khi đó, ông Jeffrey Lewis, thuộc viện nghiên cứu chiến lược Middlebury, nhận định ông Kim Jong-un không mời gặp ông Trump để giao nộp vũ khí hạt nhân của Triều Tiên mà nhằm để chứng minh rằng đầu tư vào khả năng hạt nhân và tên lửa đạn đạo đã buộc Hoa Kỳ đối xử với Triều Tiên bình đẳng.

Chuyên gia Antoine Bondaz, giảng viên Trường Khoa học Chính trị Pháp, cho rằng một cuộc gặp thượng đỉnh như vậy có lợi cho cả 2 bên. Theo đó, Triều Tiên đã đạt được mục tiêu chính trị của mình. Ngay từ tháng 11-2016, ông Kim Jong-un đã tuyên bố hoàn thiện sức mạnh quân sự và hạt nhân. Giờ đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên triển khai sáng kiến ngoại giao. Trong khi đó, ông Trump cũng cho thấy mình là người thắng bởi sau ông là cộng đồng quốc tế gây áp lực tối đa với Triều Tiên, vì ông không phải là người đầu tiên nhượng bộ, Triều Tiên đã thông báo ngừng tạm thời các cuộc thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Lời mời của Triều Tiên được Tổng thống Hoa Kỳ đón nhận nhanh chóng, không theo các thể thức ngoại giao thông thường để chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh. Vì thế, dư luận vẫn rất thận trọng, nhất là khi tính tới những khả năng nhượng bộ. Chuyên gia Bondaz khẳng định: “Phía Hoa Kỳ sẽ không nhượng bộ về các trừng phạt quốc tế chừng nào chưa có các biện pháp cụ thể hướng tới giải trừ hạt nhân. Vì thế, vẫn phải tôn trọng trừng phạt của Liên hiệp quốc. Vấn đề đặt ra giờ đây không còn là chuyện có đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng nữa mà là các nhượng bộ 2 phía Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên sẵn sàng chấp nhận”.

Cốt lõi của mọi cuộc đàm phán trong hồ sơ Bắc Triều Tiên vẫn là giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng. Liệu mục tiêu này có đạt được trong cuộc đối thoại tay đôi giữa 2 nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hoa Kỳ hay không? Về điểm này, chuyên gia Bondaz nhận định: “Vấn đề giải trừ hạt nhân trong ngắn hạn không phải là kịch bản khả thi hiện nay.

Nhưng điều Triều Tiên có thể làm, ngoài việc ngưng các vụ thử, là ngừng cả chương trình hạt nhân. Tức không chế tạo vũ khí hạt nhân, làm giàu thêm urnium. Ngừng cả chương trình nhất thiết phải có các cuộc thị sát và thanh sát quốc tế, nhất là của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Đây là điều Triều Tiên đã từng thay đổi ý kiến nhiều lần trong quá khứ”.

Những cử chỉ thiện chí của 2 bên đang củng cố bầu không khí hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên. Sau các nỗ lực ngoại giao làm cầu nối cho đối thoại, chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dường như đã được Washington và Bình Nhưỡng lắng nghe thấu hiểu hơn. Seoul trở thành nhân tố tích cực tìm kiếm cơ hội giải quyết hồ sơ hạt nhân Triều Tiên, một trong những hồ sơ gai góc nhất thế giới hiện nay. Vẫn còn quá sớm để nói đến nội dung hay kết quả được đặt lên bàn cuộc gặp thượng đỉnh Triều Tiên-Hoa Kỳ. Có điều chắc chắn cuộc đối thoại, nếu diễn ra, sẽ không hề dễ dàng chút nào.

Tuệ Minh

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/khong-de-dang-55113.html