Thượng đỉnh Sáng kiến Ba Biển thúc đẩy thực thi dự án kết nối hạ tầng

Ngày 6/6 tại Slovenia, Hội nghị thượng đỉnh Sáng kiến Ba Biển gồm Biển Baltic, Biển Đen và Biển Adriatic.

Sự kiện có sự tham dự của các nhà lãnh đạo tới từ 12 nước Trung và Đông Âu đã thông qua tuyên bố chung, cam kết tiếp tục giảm chênh lệch phát triển với Tây Âu, đồng thời tăng cường mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Tuyên bố tái khẳng định các trụ cột và mục tiêu cơ bản của Sáng kiến Ba Biển bao gồm thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường sự gắn kết của Liên minh châu Âu, và làm phong phú thêm các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Tuyên bố nêu rõ Sáng kiến Ba Biển hoàn toàn phù hợp với nỗ lực của EU trong việc tăng cường sự gắn kết và khắc phục sự chênh lệch giữa các khu vực trong liên minh, đồng thời khẳng định, diễn đàn này bổ sung cho các chiến lược và chương trình hiện có của EU.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến Ba Biển năm 2018 ở Romania. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến Ba Biển năm 2018 ở Romania. Ảnh: Reuters

Tại hội nghị, các cuộc thảo luận tập trung vào cách thức cải thiện kết nối hạ tầng giao thông và năng lượng thông qua các dự án liên quốc gia, nhưng trở ngại nhất vẫn là vấn đề huy động nguồn vốn để thực hiện những dự án này. Theo tính toán của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), các nước trong khu vực phải cần tối thiểu 500 tỉ euro chỉ riêng cho các dự án hạ tầng từ nay tới năm 2030 để đuổi kịp mức độ phát triển của các nước Tây Âu.

Theo các chuyên gia, nếu ngân sách EU chỉ dành cho khu vực khoảng 40 tỉ euro trong giai đoạn 2021-2027 để thực hiện các dự án hạ tầng, thì khu vực này sẽ phải mất hàng trăm năm mới đuổi kịp được các nước Tây Âu. Vì vậy, để có đủ nguồn vốn cho các dự án hạ tầng, bên cạnh nguồn vốn công không thể thiếu, các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải thu hút mạnh mẽ nguồn vốn tư nhân. Các nhà lãnh đạo ủng hộ thành lập một quĩ tài chính đặc biệt để tài trợ các dự án, nhưng chưa thống nhất cách thức hoạt động của quĩ.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo cho rằng, sự hiện diện về mặt kinh tế của Mỹ trong khu vực sẽ góp phần vào việc tăng cường mối liên kết xuyên Đại Tây Dương, cung cấp thêm chất xúc tác cho quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, mở ra cơ hội kinh doanh mới, bao gồm đầu tư cùng có lợi cho cơ sở hạ tầng.

Cựu tướng Mỹ James Jones gợi ý Sáng kiến Ba Biển nên tập trung vào việc củng cố biên giới của khu vực Biển Baltic và Biển Đen nhằm bảo vệ châu Âu. Ông nói rằng, đây là một sáng kiến chiến lược quan trọng mà chính quyền Mỹ luôn ủng hộ mạnh mẽ. Đồng quan điểm trên, Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz nhấn mạnh với nhu cầu đảm bảo an ninh trong khu vực, Mỹ cần phải có mặt tại Trung Âu để đối phó với mối đe dọa mà theo ông luôn rình rập từ phía Đông.

Cũng tại đây, Tổng thống Kersti Kaljulaid của Estonia tuyên bố, Estonia sẵn sàng là nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh Sáng kiến Ba Biển vào năm tới nhằm kết nối châu Âu dựa trên hai trục Nam-Bắc và Đông-Tây, cũng như đảm bảo an ninh cho châu lục./.

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/thuong-dinh-sang-kien-ba-bien-thuc-day-thuc-thi-du-an-ket-noi-ha-tang-918303.vov