Thượng đỉnh Nhật - Trung - Hàn: Tiêu điểm Triều Tiên

Trọng tâm cuộc gặp tại Tokyo giữa Thủ tướng nước chủ Nhà Shinzo Abe, người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ bàn về các diễn biến mới nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Hội nghị thượng đỉnh ba bên lần thứ 8 giữa Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc được tổ chức vào ngày 9/5 tại Tokyo. Đáng chú ý, cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên đang chuyển biến nhanh chóng, khiến vị thế và lợi ích các bên có nhiều thay đổi mang tính chiến lược. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang có khúc mắc nhất định trong hợp tác kinh tế, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và đang cố gắng định hình lại các quan hệ kinh tế song phương, làm tiền đề thiết lập một trật tự kinh tế đa phương trong thời gian tới.

Quan trọng hơn, nằm trong chuỗi một loạt các cuộc gặp cấp cao và thượng đỉnh giữa các bên liên quan bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên, do đó cuộc gặp lần này có tác động nhất định tới thượng đỉnh Mỹ - Hàn vào ngày 22/5 và Mỹ - Triều sắp tới.

Nhật Bản và hòn đá tảng Triều Tiên

Ngay trước cuộc gặp liên Triều ngày 27/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã sang Mỹ gặp Tổng thống Donald Trump, đồng thời liên lạc với lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc. Với vị thế chủ nhà thượng đỉnh lần này, Tokyo tiếp tục khẳng định lập trường rằng vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên cần được giải quyết triệt để, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Triều Tiên sẽ là trọng tâm của Thượng đỉnh Nhật - Trung - Hàn diễn ra tại Tokyo, ngày 9/5. (Nguồn: AFP)

Trong chiến lược của mình, Nhật Bản luôn coi chương trình hạt nhân, cùng tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia của Tokyo. Ngoài ra, vấn đề công dân Nhật Bản mất tích nghi do phía Triều Tiên giam giữ, giải quyết khúc mắc với Trung Quốc và Hàn Quốc về chủ quyền biển đảo, củng cố liên minh Mỹ – Nhật – Hàn cũng là một trong những chủ đề được Thủ tướng Abe quan tâm và thúc đẩy hợp tác.

Giải quyết thành công vấn đề Triều Tiên sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia và vị thế của Nhật Bản trong khu vực. Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump thực hiện chính sách cân bằng từ xa, với việc yêu cầu các đồng minh tham gia đóng góp nhiều hơn vào các nỗ lực của Washington trong khu vực, việc Tokyo tích cực tham gia vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là phù hợp với tình hình thực tế. Về mặt đối nội, ông Abe nhiều khả năng sẽ kêu gọi thành công cộng đồng quốc tế và khu vực tiếp tục duy trì thái độ cứng rắn với Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng có cam kết sâu sắc hơn. Nếu thành công, động thái này sẽ giúp Thủ tướng Nhật Bản cải thiện tỷ lệ ủng hộ của công chúng với Chính phủ sau những bê bối chính trị và trước thềm kế hoạch cải cách Hiến pháp Nhật Bản sắp tới.

Cơ hội của Bắc Kinh

Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu tuyên bố vấn đề hợp tác, đặc biệt là hợp tác kinh tế chứ không phải giải quyết hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên sẽ là trọng tâm của Trung Quốc trong Hội nghị lần này. Tuyên bố của Trung Quốc cho thấy nước này đang tìm cách giải tỏa sức ép từ các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ, trong khi quá trình chuyển dịch động lực tăng trưởng từ xuất khẩu sang tiêu thụ trong nước của nền kinh tế vẫn mới chỉ manh nha. Từ khi Mỹ bắt đầu thực hiện chính sách thương mại bảo hộ, Trung Quốc nổi lên là một trong những bên ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với việc đẩy mạnh giao lưu kinh tế. Điều này được thể hiện bởi những tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức Trung Quốc khác tại diễn đàn khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhận thức rõ ràng rằng cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang tìm các biện pháp ứng phó với chính sách thương mại của chính quyền Trump và không muốn mắc kẹt trong thương mại Mỹ – Trung. Do đó, ba nước cần tham khảo ý kiến của nhau để xây dựng các kịch bản ứng phó với mọi kịch bản tổi tệ nhất. Bởi vậy, việc Trung Quốc nhấn mạnh hợp tác kinh tế, chủ đề truyền thống của Hội nghị ba bên, là hoàn toàn có thể hiểu được trong tình hình và nhu cầu của các bên tham gia.

Tuy nhiên, việc Bắc Kinh tập trung vào chủ đề thương mại không đồng nghĩa rằng nước này sẽ lơ là trong vấn đề Bình Nhưỡng. Chỉ hai ngày trước thềm thượng đỉnh Trung – Nhật - Hàn, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bất ngờ bay tới Đại Liên để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Không loại trừ, đây là cách ông Kim “đánh tiếng” với ông Tập, truyền đạt nguyện vọng tới các bên liên quan về “hủy bỏ chính sách thù địch, đe dọa an ninh quốc gia với Triều Tiên”, dọn đường cho tiến trình phi hạt nhân hóa.

Ngay sau đó, ông Tập cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên. Cả hai nhà lãnh đạo đều nhất trí về việc duy trì cấm vận Bình Nhưỡng cho đến khi quốc gia này chính thức giải trừ vũ khí hạt nhân. Chủ tịch Tập Cận Bình tỏ rõ kỳ vọng vào thượng đỉnh Mỹ - Triều, mong rằng hai bên có thể xây dựng lòng tin, hóa giải khúc mắc còn tồn tại, nhằm mang tới hòa bình, ổn định phát triển trên bán đảo Triều Tiên.

Có thể nói, việc cả ông Trump và ông Kim “tham khảo” ý kiến Bắc Kinh cho thấy vị thế của Trung Quốc trong vấn đề Bình Nhưỡng, nhất là khi tiến trình phi hạt nhân hóa và tiến tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên ảnh hưởng lớn tới lợi ích an ninh và kinh tế của Trung Quốc. Do đó, cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Trung – Nhật – Hàn lần này là cơ hội tốt để chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định vị thế trong vấn đề Triều Tiên.

Thêm vào đó, Bắc Kinh nhận thức rõ cả Seoul và Tokyo đều muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế và giải quyết vấn đề Bình Nhưỡng. Do đó, Trung Quốc sẽ tận dụng quan hệ với Triều Tiên để khiến hai nước còn lại nhượng bộ trong hợp tác về kinh tế, thậm chí là gián tiếp tác động tới chính quyền Mỹ, tránh nguy cơ xung đột thương mại Mỹ - Trung. Động thái mới đây của Thứ trưởng Khổng Huyễn Hựu, chuyến thăm chính thức tới Triều Tiên vừa qua của Ngoại trưởng Vương Nghị, kết quả không mong đợi từ đàm phán thương mại Mỹ – Trung kết thúc ngày 4/5 đã cho thấy ý đồ của Bắc Kinh trong thượng đỉnh lần này.

Seoul: Thế lên, vận có lên?

Thành công của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vừa qua đã cho phép Hàn Quốc bước vào các cuộc thảo luận với vị thế cao hơn, có thể chủ động nhiều hơn đối với chính quyền Bình Nhưỡng so với những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Tuy nhiên, tuyên bố mới đây của chính quyền Washington và Bình Nhưỡng về nội dung hội đàm sắp tới giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cũng như các yêu sách trong giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cho thấy giữa hai bên vẫn còn thiếu lòng tin, thừa bất đồng liên quan đến nhiều vấn đề như: Cách thức, nội dung, phạm vi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; Dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế và lệnh cấm vận của Mỹ; các cáo buộc của Nhà Trắng về tình hình nhân quyền của Triều Tiên; quy chế lực lượng quân sự và Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Đây đều là những vấn đề gai góc, ảnh hưởng trực tiếp tới Hàn Quốc nhưng nước này lại không thể tự mình giải quyết được tất cả.

Do đó, Hàn Quốc cần sự tham gia của Trung Quốc và Nhật Bản để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, nhằm tiến tới xây dựng Hiệp ước Hòa bình liên Triều , với những nội dung có lợi cho mình, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Moon Jae-in sẽ thăm Mỹ vào ngày 22/5, trước thềm thượng đỉnh Mỹ – Triều. Theo đó, Hàn Quốc cần chính quyền Bắc Kinh tác động để Triều Tiên có những nhượng bộ nhất định đối với Mỹ trong khi chính quyền Bắc Kinh cũng muốn Hàn Quốc tác động để Mỹ rút THAAD khỏi Hàn Quốc.

Hơn nữa, một mặt, Seoul cần Tokyo tác động để Mỹ có nhượng bộ nhất định đối với Triều Tiên, mặt khác sẽ cùng Nhật Bản tạo ra sức ép nếu Triều Tiên đưa ra yêu sách quá khó để đáp ứng. Về phần mình, ông Abe cũng cần ông Moon trong việc kêu gọi Mỹ tiếp tục đồn trú quân đội tại Đông Bắc Á, nhằm giữ vững thế cân bằng trong khu vực với Trung Quốc, song song với việc tác động tới chương trình tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên.

Về mặt đối nội, Tổng thống Moon Jae-in cũng cần có những thành công tại Hội nghị ba bên lần này và tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều sắp tới để tạo tiếng vang cho Đảng Dân chủ, trước thềm bầu cử địa phương Hàn Quốc dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 13/6. Đồng thời, thành công về mặt đối ngoại sẽ giúp Tổng thống Moon đẩy lùi ý kiến phản đối tiến trình thúc đẩy quan hệ với Triều Tiên từ phe đối lập, nâng cao sự ủng hộ của công chúng và Quốc hội đối với cải cách Hiến pháp do Đảng Dân chủ cầm quyền đề xuất.

Có thể nói, với diễn biến hiện nay tại Đông Bắc Á, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên rõ ràng là ưu tiên hàng đầu, chi phối hoạt động của các bên tham gia thượng đỉnh ba bên. Tuy nhiên, những song trùng lợi ích và điểm thống nhất trong lập trường của các nước đã tiếp tục tạo ra cơ sở về một Đông Bắc Á hòa bình và hợp tác.

Ân Đặng

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/thuong-dinh-nhat-trung-han-tieu-diem-trieu-tien-70994.html