Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Nhiều cam kết chung, ít giải pháp cụ thể

Thượng đỉnh Nga-Mỹ dường như chỉ là động thái phá băng trong quan hệ hai nước với nhiều cam kết chung chung và thiếu biện pháp cụ thể.

Diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga được đánh giá là đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 16/7 tại thủ đô Helsinki, Phần Lan, được kỳ vọng sẽ mở ra một hướng đi mới, tháo gỡ căng thẳng cũng như thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Các nội dung hội đàm tương tự như những gì mà báo chí dự đoán trước đó, tập trung vào các vấn đề song phương trong quan hệ Mỹ-Nga như nỗ lực cải thiện quan hệ hai nước, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và cách thức giải quyết một số vấn đề quốc tế như Ukraine, Syria, kiểm soát vũ trang, tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và cuộc chiến chống khủng bố.

Hội nghị Thượng đỉnh chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump (Ảnh: Reuters).

Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Trump cho biết hai bên vừa có cuộc thảo luận thẳng thắn, cởi mở và hiệu quả về hàng loạt các vấn đề quan trọng đối với cả hai nước. Mặc dù bất đồng giữa Nga và Mỹ là điều rõ ràng nhưng nếu tiếp tục giải quyết các vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt thì hai nước sẽ phải tìm ra cách thức hợp tác theo đuổi lợi ích chung. Theo ông Trump, quan hệ hai nước chưa bao giờ tồi tệ như hiện nay nhưng đã thay đổi chỉ 4 giờ trước đây.

“Cuộc gặp ngày hôm nay chỉ là sự bắt đầu của một tiến trình dài. Nhưng chúng tôi đã thực hiện những bước đi đầu tiên hướng tới một tương lai sáng hơn với cuộc thảo luận mạnh mẽ và nhiều ý nghĩa. Kỳ vọng của chúng tôi dựa trên thực tế nhưng hy vọng của chúng tôi thì dựa trên mong muốn về tình hữu nghị, hợp tác và hòa bình”- ông Trump cho biết.

Đổi lại, Tổng thống Putin cho rằng quan hệ song phương đang trải qua giai đoạn khó khăn, hai nước đều phải đối mặt với các thách thức hoàn toàn khác biệt và chỉ có thể đối phó bằng cách gắn kết nỗ lực của cả hai bên.

“Cuộc thảo luận ngày hôm nay đã phản ánh mong muốn chung của tôi với Tổng thống Trump, chỉ ra mặt tiêu cực trong quan hệ song phương, định hình những bước đi đầu tiên nhằm cải thiện quan hệ và khôi phục lòng tin ở cấp độ chấp nhận được, quay trở lại mức độ hợp tác như trước đây về tất cả các vấn đề có lợi ích chung”- Tổng thống Nga Putin nêu rõ.

Về tương lai quan hệ song phương, lãnh đạo hai nước đã đưa ra những tuyên bố hết sức tích cực nhưng với các vấn đề gai góc khác thì mới chỉ có các cam kết chung chung mà không đưa ra được giải pháp cụ thể mang tính khả thi. Đối với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, ông Putin thẳng thừng phủ nhận trong khi ông Trump dường như không đứng về phía nước Mỹ khi cho rằng mặc dù tin tưởng vào cộng đồng tình báo nước này nhưng các tuyên bố của lãnh đạo Nga là rất mạnh mẽ và cứng rắn.

Về khủng hoảng Syria và cuộc chiến chống khủng bố, cả hai lãnh đạo khẳng định Mỹ và Nga có thể đóng vai trò tiên phong trong sứ mệnh này. Nga cũng đề xuất thành lập lại nhóm chuyên viên chung về chống khủng bố cũng như cung cấp hậu cần cho sứ mệnh nhân đạo tại Syria.

Về kiểm soát vũ trang và vũ khí hạt nhân, trong khi ông Putin cho rằng hai nước phải chịu trách nhiệm duy trì an ninh toàn cầu, thúc đẩy chương trình giải trừ vũ trang, hợp tác về quân sự và công nghệ thì ông Trump thông báo kết quả hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên. Mặc dù đánh giá cao vai trò cá nhân của lãnh đạo Mỹ và cam kết ủng hộ nhưng ông Putin đơn giản cho rằng các vấn đề này mới bắt đầu được giải quyết.

Cuộc họp báo chung của 2 vị Tổng thống Nga-Mỹ (Ảnh: Reuters).

Về khủng hoảng Ukraine, lãnh đạo hai nước đã không nhắc đến trong phần họp báo chung cũng như tránh trả lời trực tiếp các câu hỏi của phóng viên.

Kết thúc thượng đỉnh với các tuyên bố thành công, nhưng sóng gió lớn nhất đang chờ đợi Tổng thống Trump lại nằm ở chính nước Mỹ. Ngay sau khi thượng đỉnh kết thúc, hàng loạt nghị sỹ cả Dân chủ lẫn cộng hòa và nhiều chính trị gia đã lên tiếng chỉ trích với những ngôn từ mạnh mẽ nhất như xấu hổ, yếu kém, đáng hổ thẹn, tồi tệ, Nga không phải là đồng minh...

Các lãnh đạo đảng Dân chủ đã tổ chức họp báo chỉ trích cuộc gặp thượng đỉnh trong khi cộng đồng tình báo Mỹ cũng ra thông cáo đáp trả tuyên bố của Trump khi khẳng định về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 cũng như các nỗ lực phá hoại nền dân chủ nước này./.

Phạm Huân-Vũ Hợp/VOV-Washington

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/thuong-dinh-ngamy-nhieu-cam-ket-chung-it-giai-phap-cu-the-788263.vov