Thượng đỉnh Nga – Mỹ: Một cuộc gặp, bốn vấn đề 'nóng'

Thượng đỉnh Nga – Mỹ vào đầu tuần tới tại Helsinki, Phần Lan sẽ là cuộc gặp thu hút sự chú ý toàn cầu sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi đầu tháng 6 tại Singapore, bởi ông Trump và ông Putin có rất ít dịp gặp gỡ để thể hiện mối quan hệ vốn đã nhiều 'lời ong tiếng ve' của họ.

Nhưng cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật quyền lực nhất thế giới lần này sẽ chỉ được coi là thành công nếu Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga V. Putin tìm ra được cách tiếp cận mới cho 4 vấn đề đang bao trùm quan hệ hai nước, đó là: Vụ “Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ” năm 2016; Việc kiểm soát vũ khí hạt nhân; vấn đề Ukraine và cuộc chiến ở Syria.

Đây là các hồ sơ nổi cộm trong quan hệ Nga - Mỹ, đặc biệt từ khi ông Donald Trump bước chân vào Nhà trắng. Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực từ cả hai phía nhưng hầu như không đạt được thỏa thuận nào đáng kể để giải quyết các điểm nóng này. Bởi thế, tại Thượng đỉnh Helsinki ngày 16/7 tới, giới phân tích đang rất hy vọng, “cặp bài trùng” Trump – Putin sẽ tìm được cách tiếp cận mới, để giải quyết cả bốn vấn đề này, hay chí ít là một trong số đó.

Vụ can thiệp bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2016

Trước cáo buộc về hồ sơ này, thì trong tất cả các dịp ông Trump và ông Putin gặp nhau, cũng như trong rất nhiều các tuyên bố công khai, thì cả hai nhà lãnh đạo hàng đầu này đều bác bỏ các cáo buộc về vấn đề này. Mặc dù vậy, các tuyên bố không dính líu gì đến vụ việc của cả hai vị Tổng thống có thể đã có những ảnh hưởng nhất định đến hình ảnh của chính họ, đưa họ vào thế lấp lửng, không thể phản đối, mà cũng không thể công nhận.

Bởi thế, có thể hiểu được lý do tại sao Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, hôm 13/7 đã hứa hẹn với Quốc hội nước này rằng, Tổng thống Donald Trump sẽ có quan điểm rõ ràng về vấn đề này khi gặp ông Putintại Thượng đỉnh Helsinki.

Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin gặp nhau lần 1 tại Đức hồi tháng 7 năm ngoái. (Nguồn: Reuters)

Nhưng cũng trong ngày hôm đó, chỉ trước ngày Thượng đỉnh diễn ra ba hôm, một Ủy ban điều tra của Quốc hội Mỹ đã tung ra bằng chứng cáo buộc 12 nhân viên tình báo Nga đã xâm nhập vào hệ thống email của Ủy an bầu cử đảng Dân chủ và ứng viên Hiraly Clinton.

Trong khi đó, phía bên kia, Tổng thống Putin cũng luôn lấp lửng bằng cách cho rằng, những người tham gia can thiệp vào cuộc bầu cử, có thể đã hành động độc lập với nhà nước Nga.

Do đó, hy vọng có được một thỏa thuận thực sự về hồ sơ này tại Thượng đỉnh Helsinki là rất mong manh, vì nó sẽ dẫn đến các rủi ro về mặt chính trị đối với Tổng thống Trump. Mà cả hai ông Putin và Trump đều không muốn điều đó xảy ra. Nhưng với tính cách mạnh mẽ, khó đoán cũng như vị thế của Tổng thống Trump và Tổng thống Putin, thì dư luận vẫn có thể hy vọng vào một cách tiếp cận mới để có thể đạt được một tiến triển nào đó cho vấn đề này.

Vấn đề Ukraine: Cấm vận và cứu trợ

Hồ sơ Ukraine cũng là một trong các vấn đề nóng, thường được Nhà trắng và Điện Kremlin đưa lên bàn nghị sự. Đặc biệt, kể từ năm 2015 sau khi có thỏa thuận Minsk II với điều khoản yêu cầu quân đội nước ngoài rút khỏi miền đông Ukraine và quân đội Ukraina được phép kiểm soát biên giới vùng ly khai cùng với Nga.

Bên cạnh đó, Hiệp ước Minsk II cũng tăng quyền tự chủ cho các khu vực ly khai. Ngoài ra, các đề xuất gần đây của Nga để lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc (LHQ) tham gia vào giữ gìn hòa bình ở Ukraine đã thu hút sự chú ý, mặc dù các nhà đàm phán phương Tây cho rằng, đến nay, nhiệm vụ này ở Ukraine là không đáng lo ngại.

Vì thế, việc đạt được một thỏa thuận tạm thời tại Thượng đỉnh Helsinki về lực lượng giữ gìn hòa bình LQH tại Ukraine sẽ là bước đột phá và dẫn tới một cuộc tranh luận mới về những biện pháp trừng phạt hạn chế.

Chiến trường Syria và sự can dự của Iran

Sự phối hợp quân sự giữa Mỹ và Nga để tránh đụng độ trên chiến trường Syria cũng như quyết định của mỗi bên về cách thức giải quyết cuộc nội chiến của Syria được cho là đã thành công. Nhưng hiện tại, một lý do khác lại buộc phía Mỹ phải đưa vấn đề Syria lên bàn nghị sự tại Thượng đỉnh lần này là yếu tố Iran. Nhà trắng lo ngại, về nguy cơ xung đột mới sẽ leo thang ở Syria giữa Israel và Iran hoặc các lực được Iran hậu thuẫn.

Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng đang tìm cách thuyết phục Nga tăng sản lượng dầu mỏ - một động thái mà Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đồng ý - để hạn chế thu nhập từ nguồn dầu xuất khẩu của Iran. Do đó, tại Thượng đỉnh lần này, việc Nhà trắng sẽ đưa ra những biện pháp cấm vận mới đối với Iran có thể sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông Trump và các cố vấn của ông.

Kiểm soát vũ khí: Một hồ sơ dễ dàng?

Cả Nga và Mỹ gần đây đều gián tiếp công nhận rằng, cuộc chạy đua vũ trang giữa hai nước là có thật và vấn đề này đang nhận được sự quan tâm của cả hai bên. Do đó, một giải pháp tương đối dễ dàng để các bên thực hiện việc kiểm soát vũ khí là mở rộng hiệp ước START Mới sẽ hết hạn vào năm 2021, kéo dài thêm 5 năm nữa.

Tuy nhiên, thực hiện việc mở rộng Hiệp ước này lại có thể vấp phải một loạt các trở ngại. Thứ nhất là bởi Hiệp ước đã được đàm phán và ký kết theo cách thức dưới thời Tổng thống Barack Obama (có thể lại không được Tổng thống Trump ưng ý); Thứ hai, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton hiện tại lại không mấy mặn mà với các loại thỏa thuận vũ khí hạt nhân kiểu này.

Thứ ba, việc mở rộng Hiệp ước Start Mới sẽ làm dấy lên các câu hỏi trong Quốc hội Hoa Kỳ về các vi phạm của Nga về thực thi các thỏa thuận vũ khí khác như Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) được hai bên ký kết tháng 12/1987. Và cuối cùng, nếu đưa hồ sơ này ra, Nga cũng sẽ có lý do để đưa việc Mỹ đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa đã được Lầu năm góc triển khai ở Đông Âu lên bàn nghị sự.

Do đó, một mô hình đàm phán kiểu thời Chiến tranh Lạnh, gồm nhiều vấn đề giải quyết trong nhiều giai đoạn cho hồ sơ kiểm soát vũ khí hạt nhân có thể sẽ được áp dụng tại Thượng đỉnh lần này.

Bước khởi động mới

Tóm lại, nếu không đạt được kết quả nào, về một hoặc trong cả 4 vấn đề nêu trên tại Thượng đỉnh Nga – Mỹ đầu tuần tới tại Helsinki, thì bầu không khí thân thiện và những cái ghé tai thì thầm của hai người quyền lực nhất Thế giới sẽ chỉ được xem như là một cuộc gặp “có tiếng nhưng không có miếng”. Nó cũng sẽ là chủ đề để giới bình luận có dịp mổ xẻ thêm về mối quan hệ vốn đã “điều ong tiếng ve” giữa ông Putin và ông Trump.

Nhưng để đạt được một trong bất cứ thỏa thuận nào cho 4 vấn đề trên, thực sự sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn cho cả ông Putin và ông Trunp, một phần là bởi những vấn đề này luôn có ảnh hưởng và tác động lớn đến lợi ích của nhiều bên khác nhau.

Do đó, Thượng đỉnh Helsinki lần này có nhiều khả năng sẽ chỉ là một bước khởi động mới, mang tính biểu tượng hơn là thực chất của cả hai vị Tổng thống. Nhưng nó sẽ là tiền đề để giải quyết các hồ sơ hóc búa này trong các cuộc thảo luận cấp Bộ trưởng tiếp theo giữa hai bên.

Đức Trí

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/thuong-dinh-nga-my-mot-cuoc-gap-bon-van-de-nong-74332.html