Thượng đỉnh Mỹ - Triều và truyền thuyết trả gươm

Hồ Gươm với truyền thuyết trả gươm, giã từ vũ khí để chấm dứt hẳn binh đao, trở về với cuộc sống hòa bình yên vui là khát vọng mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Đó hẳn cũng là khát vọng bây giờ của lãnh đạo và nhân dân Triều Tiên, Hàn Quốc và cả Mỹ cũng như tất cả những nước có liên quan.

1.Tại một cuộc gặp mặt đầu Xuân được tổ chức mới đây ở báo Tiền Phong, ông Nguyễn Dy Niên - nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước ta nêu một giả thiết bất ngờ về lý do Hà Nội của Việt Nam được lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên lựa chọn làm nơi gặp thượng đỉnh lần thứ hai để giải quyết triệt để hơn nữa những vấn đề quan trọng không chỉ với hai nước, với bán đảo phía Đông Á mà với cả thế giới, những vấn đề liên quan chiến tranh và hòa bình, xung đột hạt nhân… Ông Niên cho biết có nhà bình luận quốc tế cho rằng có chuyện này lý do ngoài Việt Nam là đối tác quan trọng và tin cậy với cả hai phía, ngoài việc Việt Nam ổn định và phát triển cũng như có đủ năng lực tổ chức và đảm bảo an ninh một cuộc họp thượng đỉnh quan trọng đến như vậy thì còn do Hà Nội có… Hồ Gươm.

Thật là một giả thiết độc! Hồ Gươm với truyền thuyết trả gươm, giã từ vũ khí để chấm dứt hẳn binh đao, trở về với cuộc sống hòa bình yên vui là khát vọng mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Đó hẳn cũng là khát vọng bây giờ của lãnh đạo và nhân dân Triều Tiên, Hàn Quốc và cả Mỹ cũng như tất cả những nước có liên quan.

Sẽ không gì đẹp hơn nếu tại Hà Nội - thành phố trả gươm, thành phố vì hòa bình, lãnh đạo Mỹ - Triều sẽ đồng thuận rời bỏ hẳn thanh gươm chiến tranh, tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên và rời bỏ cả thanh gươm hạt nhân để thực sự phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ổn định hẳn khu vực Đông Á.

Tôi nghĩ cây bút quốc tế mà cựu Bộ trưởng Niên nhắc không phải là không có lý với bình luận của mình, bởi các nhà lãnh đạo trên thế giới thường sâu sắc trong lựa chọn và rất chú ý tới những chi tiết mang tính biểu tượng.

2. Thật thú vị và đắc ý khi nghĩ đến việc Hà Nội mà Mỹ định san phẳng trong những ngày tháng Chạp năm Nhâm Tý 1972 giờ đây lại là thành phố đang tạo mọi điều kiện tốt nhất để Tổng thống Mỹ đàm phán với một đối thủ về hòa bình, trong đó có sự yên ổn cho chính nước Mỹ. 47 năm qua đi từ những trận bom B52 hủy diệt ngày ấy, bất chấp những cuộc chiến tranh bào mòn sinh lực, bất chấp sự bao vây cấm vận một thời gian dài, đất nước Việt Nam và Hà Nội giờ đây đã đạt cái tầm mà như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có lần nói là chúng ta “chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay trên trường quốc tế”, cái tầm của một địa điểm đáng tin cậy các nước, kể cả các cường quốc, nhờ đến để dàn xếp với nhau các khúc mắc. Nghĩ về những khúc quanh, những biến thiên của lịch sử với chiều hướng từ cái mà thế giới gọi là “Vietnam War” (Chiến tranh Việt Nam) đến “The Hanoi US - North Korea Summit” (Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội) cứ bất giác bật ra trong đầu cái câu cảm khoái của nhà phê bình Trung Hoa thế kỷ 17 Kim Thánh Thán: “Há cũng chẳng khoái (sướng) sao?”.

3. Năm ngoái, đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam đến làm việc tại thành phố Thụy Sĩ Genève được người ta đưa đến trụ ở LHQ tại đây và vào cái phòng họp mà tại đó đã diễn ra toàn bộ cuộc đàm phán để ký kết Hiệp định Genève về Việt Nam năm 1954. Cái hội trường không phải là lớn giờ kê ghế của tất cả các nước thành viên LHQ đó là nơi mà ngót 70 năm trước, cùng thời điểm với lúc cuộc chiến tranh Triều Tiên đã ngừng các chiến dịch lớn, trong khi tại Điện Biên Phủ lại đang diễn ra trận đại chiến, phái đoàn Việt Nam đứng đầu là ông Phạm Văn Đồng ngồi vào bàn đàm phán với phái đoàn Pháp và một số nước lớn để chấm dứt cuộc chiến tranh Pháp - Việt.

Văn bản mà các bên ký được ở Genève năm 1954 chấm dứt sự có mặt của Pháp và đánh dấu sự sụp đổ của “hệ thống thuộc địa kiểu cũ” nhưng không dập tắt được ngọn lửa chiến tranh ở Việt Nam và bán đảo Đông Dương chắc chắn là một trong những văn kiện quan trọng trong lịch sử chiến tranh và lịch sử ngoại giao thế kỷ 20 để đến mãi về sau người ta còn và sẽ còn nhắc đến cái tên “Hiệp định Genève” mỗi khi nói về những biến cố lớn của thế kỷ. Giờ đây, với tất cả những dấu hiệu tốt lành, chúng ta và cả thế giới đang hy vọng và tin thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ ra được một trong những văn kiện tầm cỡ của thế kỷ 21 để hậu thế có thể gọi tên chẳng hạn như “Tuyên bố Hà Nội” hoặc “Thỏa thuận Hà Nội” về chiến tranh Triều Tiên hoặc về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Nếu điều mà ai cũng hy vọng và tin đó trở thành sự thật thì ắt hẳn ta lại nhớ đến cảm thán của Thánh Thán tiên sinh: “Há cũng chẳng khoái sao?”.

L.X.S

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/thuong-dinh-my-trieu-va-truyen-thuyet-tra-guom-1382263.tpo