Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Trung Quốc nhập cuộc

Trong suốt cuộc hội nghị thượng đỉnh liên Triều cuối tuần trước, Trung Quốc giữ thái độ im lặng. Sau đó, Bộ Ngoại giao nước này chỉ ra thông cáo ngắn 'hoan nghênh' kết quả đàm phán và Trung Quốc 'sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò tích cực'.

Phải đến ngày 30-4, Bắc Kinh mới thông báo Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị sẽ sang thăm Bình Nhưỡng từ ngày 2-5. Theo đài BBC, Trung Quốc cho hay chuyến thăm của ông Vương - quan chức cao cấp nhất Bắc Kinh tới Triều Tiên trong nhiều năm qua - là theo lời mời từ Bình Nhưỡng.

Trong các cuộc đàm phán đang diễn ra, Trung Quốc bị đẩy về phía sau. Đây là điều không thể tránh khỏi khi lập trường lâu nay của Bắc Kinh là "cuộc khủng hoảng hạt nhân không phải chuyện của Trung Quốc, nên Triều Tiên và Mỹ cứ trao đổi trực tiếp" - theo ông Zhang Liangui, chuyên gia về Triều Tiên tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc.

Dù chính Trung Quốc đã "chọn ngồi bên lề" - như nhận xét của chuyên gia Weiqi Zhang của Trường ĐH Suffolk (Mỹ), nước này vẫn lo ngại "mối quan hệ hâm nóng quá nhanh giữa Bình Nhưỡng - Washington, khả năng phi hạt nhân hóa và tái thống nhất bán đảo Triều Tiên có thể thay đổi cán cân quyền lực khu vực, từ đó ảnh hưởng lâu dài tới chính sách đối ngoại của Bắc Kinh".

Áp-phích hình ông Kim tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Trung Quốc có thể càng lo lắng hơn khi biết một nhà ngoại giao cấp cao ở Seoul tiết lộ với báo South China Morning Post (Hồng Kông) rằng cả hai miền Triều Tiên đều muốn giảm nhẹ ảnh hưởng của Bắc Kinh lên bán đảo.

Nhà sử học nổi tiếng Shen Zhihua của Trung Quốc cũng cảnh báo nước này không nên "quá lạc quan về diễn biến hiện nay" bởi trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân để đổi lấy việc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Dù vậy, theo cố vấn cấp cao Michael Kovrig của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (Bỉ), Trung Quốc vẫn sẽ là một bên đàm phán quan trọng nếu Triều Tiên và Hàn Quốc muốn tiến tới một hiệp định hòa bình chính thức. Năm 1953, chính Trung Quốc cùng Mỹ và Triều Tiên đã ký thỏa thuận đình chiến.

"Về mặt chính trị, Trung Quốc sẽ thận trọng nhường không gian cho Triều Tiên và Hàn Quốc tạo tiến triển ngoại giao vì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có lợi cho Bắc Kinh. Họ sẽ theo dõi sát sao và tạo chỗ đứng sau hậu trường" - ông Kovrig nêu ý kiến.

Theo chuyên gia này, một hội nghị 3 bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vào tháng 5 tới sẽ là cơ hội để Bắc Kinh xen vào các cuộc đàm phán sắp tới.

Hải Ngọc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/thuong-dinh-my-trieu-trung-quoc-nhap-cuoc-20180430232223679.htm