Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Lựa chọn VN vượt trên ý nghĩa biểu tượng

Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu lâu năm về Việt Nam, giải thích một số câu hỏi xung quanh việc Việt Nam được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.

Dân Triều Tiên reo hò tiễn ông Kim Jong Un lên tàu đi Việt Nam Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã duyệt đội danh dự trước khi lên tàu rời ga Bình Nhưỡng giữa những tràng pháo tay của nhiều quan chức, tướng lĩnh và người dân hôm 23/2.

Giới quan sát chính trị quốc tế đang hướng mắt về Việt Nam sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố địa điểm tổ chức cuộc gặp lần hai giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Cuộc gặp dự kiến diễn ra trong hai ngày 27-28/2 tại Hà Nội.

Bình luận về sự kiện, ông Carl Thayer, giáo sư Đại học New South Wales, nhà nghiên cứu lâu năm về đối ngoại Việt Nam, cho rằng Việt Nam được tất cả các bên liên quan coi trọng vì khả năng cung cấp môi trường an ninh chất lượng cao cho cuộc gặp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau lần đầu tại Singapore tháng 6/2018. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau lần đầu tại Singapore tháng 6/2018. Ảnh: New York Times.

Tại sao chọn Việt Nam?

Một số nhà quan sát cho rằng việc chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức cuộc gặp mang tính biểu tượng cao. Với Mỹ, điều này phù hợp với kỳ vọng của họ về việc Triều Tiên đi theo con đường Việt Nam trong cải cách kinh tế. Còn với Triều Tiên, Việt Nam là biểu tượng cho nỗ lực thống nhất dân tộc.

Tuy nhiên, giáo sư Thayer cho rằng việc chọn Việt Nam còn mang nhiều ý nghĩa hơn chỉ là tính biểu tượng.

"Việt Nam được chọn vì những lý do thực tế khi tất cả các bên có lợi ích đều coi trọng khả năng của Việt Nam trong việc cung cấp một môi trường an ninh chất lượng cao cho hội nghị", ông nói. "Tất cả các bên đều tin tưởng Việt Nam là một chủ nhà trung lập".

Ông cũng cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un muốn thăm chính thức Việt Nam để cho thấy Triều Tiên không bị cô lập. Triều Tiên đã học tập công cuộc "Đổi mới" của Việt Nam, đồng thời việc Việt Nam bình thường hóa quan hệ hay đàm phán hiệp định thương mại tự do với Mỹ đều là mối quan tâm của Bình Nhưỡng.

"Triều Tiên sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của Việt Nam cho việc duy trì đối thoại với Mỹ cũng như sự có qua có lại giữa Mỹ và Triều Tiên", ông cho biết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 11/2017. Ảnh: Hoàng Hà.

Còn về phía Mỹ, giáo sư Thayer cho rằng "Việt Nam nằm trong vùng an toàn" của Tổng thống Trump, người đã đến cả Đà Nẵng và Hà Nội ngay trong năm đầu nhiệm kỳ. Mỹ cũng nhận thức được sự ủng hộ lâu nay của Việt Nam đối với việc chống phổ biến vũ khí và thực thi các lệnh trừng phạt của LHQ nhằm vào Bình Nhưỡng.

Việt Nam cùng với Thái Lan, Hawaii và cả Singapore được cho là những nơi nằm trong danh sách lựa chọn. Theo ông Thayer, các bên ưu tiên chọn thủ đô của nước chủ tịch ASEAN năm nay, tức Thái Lan, song Bangkok sau đó bị loại vì nguy cơ an ninh trong bối cảnh có thể có biểu tình trước thềm cuộc bầu cử ngày 24/3.

Lợi ích lớn nhất của Việt Nam?

Lợi ích lớn nhất của Việt Nam khi trở thành chủ nhà cho cuộc gặp này, theo giáo sư Thayer, là việc giúp tái khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại "đa dạng hóa, đa phương hóa" và "làm bạn với tất cả".

Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: AFP.

Với việc tổ chức hội nghị, Việt Nam sẽ có thể nâng cao uy tín trong việc đóng góp cho an ninh khu vực và toàn cầu. Tất cả các nước lớn đều có lợi ích ở việc Việt Nam đóng vai trò độc lập và mang tính xây dựng tại khu vực.

"Việt Nam sẽ có được đòn bẩy trong quan hệ song phương với tất cả các bên có lợi ích liên quan, để họ không thực thi các chính sách gây tổn hại đến lợi ích của Việt Nam, từ đó làm suy yếu vai trò độc lập và mang tính xây dựng của Việt Nam trong việc thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", nhà nghiên cứu nhận định.

Trông đợi điều gì từ cuộc gặp?

Giới phân tích cho rằng cuộc gặp Trump - Kim năm ngoái tại Singapore đã không mang lại gì nhiều hơn vài cam kết mơ hồ, đồng thời bày tỏ nghi ngờ rằng cuộc gặp năm nay sẽ tạo ra những kết quả thực chất. Theo giáo sư Thayer, hai bên nhiều khả năng sẽ tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cũng như đồng ý tiến thêm một vài bước nhỏ, chẳng hạn như cho phép thanh sát viên quốc tế đến Triều Tiên.

"Triều Tiên và Mỹ cũng có thể đạt được đồng thuận về việc tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho đất nước Đông Bắc Á cũng như ủng hộ nỗ lực của Bình Nhưỡng trong việc mở cửa nền kinh tế bằng cách hồi sinh các khu kinh tế đặc biệt", vị chuyên gia nói.

Ông Thayer nói việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ là quá trình hai chiều lâu dài. Bình Nhưỡng muốn tuyên bố chính thức về việc kết thúc cuộc chiến 1950-1953, sự công nhận ngoại giao và đảm bảo an ninh của Mỹ cũng như việc Mỹ chấm dứt hiện diện quân sự tại Hàn và rút vũ khí khỏi Nhật.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đến thăm các tướng lĩnh và binh sĩ nhân kỷ niệm 71 năm ngày thành lập quân đội Triều Tiên hôm 8/2. Ảnh: KCNA/Reuters.

Mỹ muốn Triều Tiên hoàn thành phi hạt nhân hóa trước khi đáp ứng các yêu cầu của họ nhưng điều này khó có thể xảy ra. Triều Tiên cũng sẽ không cung cấp danh mục vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo như Mỹ yêu cầu.

Báo DongA Ilbo của Hàn Quốc hôm 11/2 dẫn nguồn tin ngoại giao nói rằng Mỹ và Triều Tiên đã đồng ý đưa tuyên bố kết thúc chiến tranh và báo cáo sơ bộ về cơ sở hạt nhân Yongbyon vào tuyên bố chung tại Hà Nội. Điều này có nghĩa là hai bên đã thống nhất các biện pháp mà Bình Nhưỡng cần thực hiện trong giai đoạn đầu của tiến trình phi hạt nhân hóa.

Ảnh hưởng của Bắc Kinh?

Hôm 11/2, gần một tuần sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un ở Việt Nam, Bắc Kinh mới lần đầu lên tiếng. Trong một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói Bắc Kinh "tiếp tục ủng hộ Triều Tiên và Mỹ đối thoại và tham vấn để tìm ra các giải pháp".

"Hai bên đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh thứ hai. Trung Quốc ủng hộ và hy vọng về một hội nghị thượng đỉnh suôn sẻ với các kết quả tích cực, đóng góp vào quá trình phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên", bà Hoa nói.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón ông Kim Jong Un và phu nhân tại Bắc Kinh hôm 10/1. Ảnh: KCNA/Reuters.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã tiếp đón ông Kim tại Bắc Kinh, cho thấy Bắc Kinh đã tiến hành tạo áp lực và ảnh hưởng ngoại giao rồi, theo giáo sư Thayer. Việc Bắc Kinh ủng hộ đối thoại cấp cao giữa Washington và Bình Nhưỡng, cũng như sự có qua có lại trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, không phải là chuyện mới.

"Trung Quốc sẽ ủng hộ hội nghị bởi vì họ đánh gia cao sự ổn định và giảm thiểu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc không muốn bị gạt qua một bên trong quá trình này", vị giáo sư đánh giá.

Tướng lĩnh Triều Tiên vỗ tay reo hò đón ông Kim Jong Un tới thăm Nhà lãnh đạo thăm các tướng lĩnh và binh sĩ nhân dịp kỷ niệm 71 năm thành lập quân đội Triều Tiên, chỉ vài tuần trước thềm cuộc gặp lần hai với tổng thống Mỹ.

Đông Phong

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thuong-dinh-my-trieu-lua-chon-vn-vuot-tren-y-nghia-bieu-tuong-post915591.html