Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai: hình ảnh 'sánh vai' kết quả, trở thành tâm điểm

Với hai nhà lãnh đạo vốn rất coi trọng hình ảnh, những bức ảnh trên truyền thông cũng quan trọng như một tuyên bố chung.

Trang tin chuyên về Triều Tiên NK News nhận định, bên cạnh cuộc đối thoại về dỡ bỏ trừng phạt, phi hạt nhân hóa, kết thúc chiến tranh… giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, phần hình ảnh tại thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai sắp diễn ra tại Hà Nội – cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đó chính là loạt ảnh chính thức, hoạt động tham quan thành phố, họp báo sau hội nghị (nếu có) và tất nhiên, cả cái bắt tay gặp mặt đầu tiên của hai nhân vật chính.

Điều này đặc biệt đúng với hai nhà lãnh đạo vốn rất coi trọng hình ảnh như ông Trump và ông Kim.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên tại thượng đỉnh Singapore

Hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên tại thượng đỉnh Singapore

Trước khi trở thành người đứng đầu nước Mỹ, Tổng thống Trump từng là một doanh nhân và một ngôi sao trong giới giải trí. Còn Chủ tịch Kim đang củng cố hình ảnh mình như một nhà lãnh đạo thân thiện với nhân dân và hướng tới cộng đồng quốc tế.

"Tổng thống Trump không phải là người dễ dàng bỏ qua các cơ hội thể hiện và kịch tính", Soo Kim, một nhà phân tích về Triều Tiên từng làm việc cho CIA nói. "Ông Kim cũng có lợi ích với hình ảnh một chính trị gia 'bình thường' và yêu hòa bình trong cuộc gặp gỡ lần thứ hai với ông Trump".

Nhiều thời gian chụp ảnh chung hơn?

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai dự kiến diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28/2, "sẽ dành ra nhiều hơn gian hơn cho việc khuấy động không khí và giảm bớt căng thẳng trong các cuộc đối thoại thực sự", ông Kim dự đoán. Ba cuộc thượng đỉnh liên Triều trong năm ngoái có thể sẽ tạo cảm hứng cho đội ngũ PR của cả Mỹ và Triều Tiên, để có thêm nhiều khoảnh khắc ảnh ấn tượng và đáng nhớ giữa hai nhà lãnh đạo.

Thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng năm ngoái có rất nhiều khoảnh khác "ăn ảnh" đáng nhớ (ảnh: PPC)

"Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều sự kiện chào mừng và phù hợp để lên TV hơn, giống như những gì chúng ta đã nhìn thấy tại các thượng đỉnh liên Triều năm 2018", Mintaro Oba, cựu nhân viên phụ trách Đông Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ nhận xét.

"Hai bên sẽ phải thống nhất kế hoạch gặp mặt một – một và theo nhóm, các bữa trưa, bữa tối, truyền thông cũng như các giá trị của hoạt động và sự kiện bên lề", Oba cho biết thêm. "Có thể bao gồm các chuyến thăm thú nêu bật hiện đại hóa kinh tế và tăng trưởng Việt Nam thông qua đầu tư nước ngoài".

Một trong những khả năng là cuộc gặp giữa hai Đệ nhất phu nhân Melania Trump và Ri Sol Ju. Hay giống như năm ngoái, khi ông Kim Jong-un bất ngờ có chuyến đi bộ dạo phố tối muộn và đi xe ô tô qua một số khu công nghiệp trong thời gian diễn ra thượng đỉnh tại Singapore.

Chủ tịch Kim Jong-un bất ngờ đi dạo phố đêm tại Singapore (ảnh: Twitter của Vivian Balakrishnan)

Bình Nhưỡng nghĩ gì?

Đối với giới quan sát, sự chú ý sẽ tập trung vào cách Bình Nhưỡng chọn để khắc họa các hoạt động bên lề tại hội nghị sắp tới.

Năm ngoái, nhiều người đã ngạc nhiên khi Triều Tiên công bố bộ phim tài liệu chính thức về thượng đỉnh Singapore, trong đó thể hiện rõ sự thịnh vượng và giàu có của thành phố Đông Nam Á.

Nói về thượng đỉnh Hà Nội, Martyn Williams, một cây bút chuyên viết về Triều Tiên nhận định: "Tôi nghĩ truyền thông sẽ đưa tin theo cách mà họ vẫn làm, tập trung vào những gì ông Kim làm và gặp gỡ".

Theo ông, Bình Nhưỡng tỏ ra khá nhạy cảm với những cuộc gặp gỡ như vậy. "Họ sẽ không để mối quan hệ tỏ ra quá thân thiết", ông nói.

Có tin đồn Đệ nhất phu nhân Mỹ (ngoài cùng bên trái) sẽ gặp gỡ Đệ nhất phu nhân Triều Tiên tại Hà Nội (ảnh: getty)

Ấn tượng đầu tiên

Kevin Lim làm việc cho tờ báo Singapore Straits Times, là phóng viên ảnh duy nhất không mang quốc tịch Mỹ và quốc tịch Triều Tiên, được phép hiện diện tại thượng đỉnh Singapore hồi tháng 6/2018. Các bức ảnh do Lim chụp được đăng tải rộng rãi trên truyền thông quốc tế.

Một bức ảnh ấn tượng của Kevin Lim chụp hai nhà lãnh đạo Triều Tiên, Mỹ (ảnh: Straight Times)

"Cảm nhận được định hình theo nhiều cách, ảnh hưởng bởi các thành kiến cá nhân và thay đổi theo những gì mà cơ quan báo chí đăng tải câu chuyện của họ", Lim trả lời NK News khi được hỏi về những ảnh hưởng mà các tác phẩm của ông đem lại. "Là một phóng viên ảnh… Tôi ghi lại hội nghị như những gì vốn có và tất nhiên, cố gắng hết sức để đem lại một góc nhìn độc nhất vô nhị trong các góc máy".

Chia sẻ trên hoàn toàn hợp lý: một tấm hình của Chủ tịch Kim Jong-un đang cười có thể hiểu là dự định lạc quan hoặc thái độ chưa rõ ràng – tất cả tùy thuộc vào tít của bài báo đăng tải.

Cũng theo ông Lim, bản thân các nhà lãnh đạo cũng muốn tạo ra những bức ảnh mang ý nghĩa tích cực cho truyền thông quốc tế.

"Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim tỏ ra thân mật với nhau thông qua rất nhiều các cử chỉ thân thể như bắt tay và vỗ nhẹ lưng", nhiếp ảnh gia cho biết. "Về mặt hình ảnh, nó rất tốt cho việc chụp ảnh và tôi chắc chắn, điều đó còn có một ảnh hưởng mong đợi cho cả hai bên, và tôi truyền tải/ghi lại nó như một show diễn cho cả thế giới cùng xem".

Đề cập tới cuộc gặp mặt sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều, ông Lim bày tỏ hy vọng, "thượng đỉnh tại Việt Nam có thể làm sáng tỏ và cụ thể hơn" về những cam kết của mỗi nước hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thuong-dinh-my-trieu-lan-hai-hinh-anh-sanh-vai-ket-qua-tro-thanh-tam-diem-20190222170054153.htm