Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội: Từ 'Why Vietnam?' đến 'Yes, Vietnam'

Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã dành riêng cho Báo Thế giới & Việt Nam cuộc phỏng vấn về triển vọng của Hội nghị lần này cũng như vị thế Việt Nam với vai trò là chủ nhà của sự kiện này.

Kỳ vọng sẽ có những bước tiến ý nghĩa

Sau cuộc gặp lần đầu tiên tại Singapore tháng 6/2018, hai bên hầu như chưa đạt được một thỏa thuận cụ thể nào mà chỉ có một bản tuyên bố chung với không nhiều nội dung. Theo ông, liệu có bước đột phá tại Hội nghị lần này?

Hội nghị lần 1 tại Singapore tháng 6/2018 có thể xem như một khởi đầu lịch sử. Sau 7 thập kỷ, một vấn đề vốn chứa đựng nhiều sự phức tạp, khó khăn, hai bên đối nghịch nhau đã có được một cuộc gặp cấp cao. Theo tôi, Hội nghị lần 1 không hẳn là không có nội dung. Hội nghị đã đưa ra một số định hướng giải quyết nhiều vấn đề, từ phi hạt nhân hóa, tái lập hòa bình đến đảm bảo cam kết an ninh, định hướng hợp tác cùng phát triển, không chỉ có ý nghĩa trong quan hệ giữa Mỹ - Triều mà còn đối với cả Bán đảo Triều Tiên.

Đối với Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này tại Hà Nội, kỳ vọng không chỉ từ phía 2 bên liên quan Mỹ-Triều mà cả khu vực và thế giới đều trông đợi kết quả tốt từ cuộc gặp.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh trả lời Thế giới & Việt Nam. (Ảnh: Trung Hiếu)

Cá nhân tôi trông đợi sẽ có những bước tiến ý nghĩa trong kỳ họp Hội nghị lần này. Chúng ta cần biết, vấn đề Triều Tiên gồm nhiều khía cạnh khác nhau, cùng với nỗ lực phi hạt nhân hóa cần có giải pháp tổng thể cho Bán đảo Triều Tiên, từ bình thường hóa quan hệ, nới lỏng cấm vận cho tới cùng hợp tác để phát triển. Mỗi một bước đi nhỏ trong từng khía cạnh này sẽ tạo đà hướng tới giải pháp lâu dài cho Bán đảo Triều Tiên.

Kể từ cuộc gặp đầu tiên, 8 tháng qua, quan hệ hai bên đã có những bước phát triển thuận nghịch khác nhau nhưng rõ ràng cả phía Mỹ và Triều Tiên đều muốn nỗ lực cho tiến trình ngoại giao này. Các giải pháp cụ thể thì các bên sẽ tiếp tục thương lượng nhưng chắc chắn sẽ có những bước tiến, hướng đến một giải pháp tổng thể cho Bán đảo Triều Tiên, trong đó có vấn đề phi hạt nhân hóa.

Điều tôi trông đợi tiếp theo là sẽ có một Tuyên bố Hà Nội, theo đó phản ánh 2 điểm chính. Thứ nhất, phản ánh một số các kết quả ý nghĩa trên từng khía cạnh khác nhau về Bán đảo Triều Tiên, trong đó có vấn đề phi hạt nhân hóa, bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều, cùng hợp tác cùng phát triển, hướng tới nới lỏng cấm vận. Thứ hai, tiếp tục xây dựng lòng tin. Điều nàykhông chỉ quan trọng trong việc tạo đà cho nỗ lực của hai bên trong giải quyết mối quan hệ song phương mà còn trong vấn đề Bán đảo Triều Tiên.

Ông đánh giá như thế nào về sự sẵn sàng của Mỹ và Triều Tiên?

Vấn đề Bán đảo Triều Tiên là vấn đề phức tạp, là thách thức lớn đối với khu vực và các bên trực tiếp liên quan. Dù có những dự đoán thuận nghịch khác nhau đối với kết quả của Hội nghị lần này nhưng cá nhân tôi thấy rằng, 8 tháng qua, các bên đã có nhiều nỗ lực nhằm hướng tới một giải pháp chung trên nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề Bán đảo Triều Tiên.

Để có được cuộc gặp lần này, cả phía Mỹ và Triều Tiên đều đã “đánh tiếng” với nhau từ tháng 8 năm ngoái. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để ngỏ khả năng là sẽ có thêm một cuộc gặp cấp cao với Triều Tiên. Những thông điệp đầu năm 2019 thì cả 2 phía Mỹ và Triều Tiên ở cấp cao nhất đều nói rằng sẽ tiếp tục thúc đẩy kênh đối thoại ngoại giao này và mong muốn tìm giải pháp cho vấn đề Triều Tiên. Với những sự chuẩn bị như vậy, cùng với nỗ lực đàm phán giữa các bên để chuẩn bị cho Hội nghị lần này, tôi tin rằng Hội nghị sẽ có những tiến bộ có ý nghĩa.

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại hội nghị đầu tiên ở Singapore tháng 6/2018. (Nguồn: Getty Images)

Tuy nhiên, tôi cũng muốn lưu ý rằng, không thể nóng vội trong một vấn đề quá phức tạp khi hai bên còn nhiều khác biệt. Tôi hy vọng, Hà Nội sẽ tạo đà cho một cuộc đối thoại có những bước tiến ý nghĩa, hai bên cùng xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau để có thể dám bước tới những bước đi lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Nhận định của ông về vai trò của các bên liên quan, đặc biệt là vai trò của Hàn Quốc và Tổng thống Moon Jae-in?

Cá nhân Tổng thống Moon Jae-in cũng là một người rất quyết liệt trong vấn đề tìm kiếm hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Chính ông là người đã vượt qua rất nhiều trở ngại để thúc đẩy không chỉ đàm phán song phương Hàn – Triều mà cả mối quan hệ 3 bên Mỹ - Hàn – Triều, những vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên.

Nếu chúng ta nhìn lại trong hơn 1 năm qua, có thể thấy những nỗ lực của Mỹ - Triều, thông qua cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, những đối thoại con thoi giữa 2 miền Nam, Bắc Triều Tiên… đều được các nước trực tiếp liên quan trong khu vực ủng hộ, từ Trung Quốc, Nhật Bản cho đến Nga.

Về vai trò của Trung Quốc, tôi cho rằng, các bên trực tiếp đều có sự tham khảo rất nhiều từ Trung Quốc. Và Trung Quốc rất ủng hộ những nỗ lực ngoại giao của hai bên để hướng tới giải pháp tổng thể cho vấn đề Triều Tiên.

Tôi đánh giá, Trung Quốc luôn đóng vai trò quan trọng trong vấn đề hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, vấn đề hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên nói riêng, cũng như trong những nỗ lực thúc đẩy việc bảo đảm an ninh và quan hệ tốt đẹp hơn giữa các nước trong khu vực.

Về vai trò của Nhật Bản, là một nước thuộc khu vực Đông Bắc Á nên họ rất quan tâm đến sự hòa bình, ổn định trong khu vực. Tôi nghĩ rằng, Nhật Bản luôn có một vai trò quan trọng trong vấn đề hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Nếu nhắc đến đàm phán 6 bên thì Nga cũng là nước coi trọng vấn đề này. Nếu nhìn rộng ra, khu vực Đông Nam Á cũng rất quan tâm đến vấn đề hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Vấn đề hòa bình, ổn định của khu vực này cũnglà một trong những nội dung được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

Tổng thống Donald Trump vốn nổi tiếng với những tuyên bố và hành động khó đoán định. Nét tính cách này có thể ảnh hưởng như thế nào đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này?

Vào thời điểm chuyển giao chính quyền tại Mỹ thì tôi đang là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ. Theo dõi cả quá trình ông Trump ra tranh cử và chiến thắng trong cuộc Bầu cử Tổng thống Mỹ cho tới nay, tôi thấy rằng Tổng thống Donald Trump là người dám đưa ra những quyết định táo bạo, khác với thông lệ.

Theo nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh,Tổng thống Donald Trump là người dám đưa ra những quyết định táo bạo, khác với thông lệ. (Nguồn: Bloomberg)

Táo bạo ở chỗ, rất khó hình dung có thể diễn ra 2 cuộc gặp cấp cao liên tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ trong 2 năm trong khi như thông lệ trước đây, phải hội đủ nhiều yếu tố mới có thể có được những cuộc gặp cấp cao như vậy. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 và lần này sẽ tạo động lực mới cho các cuộc đối thoại trực tiếp để giải quyết vấn đề hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, cá nhân Chủ tịch Kim Jong-un cũng là người có những quyết định táo bạo, dũng cảm. Chắc chắn, ông Kim Jong-un đã phải vượt qua những tính toán về mặt lợi ích của quốc gia, những trao đổi trong nội bộ của Triều Tiên để có thể ngồi vào bàn đàm phán với ông Donald Trump.

Có thể có những đoán định khác nhau về từng cá nhân lãnh đạo, nhưng trong nỗ lực giải quyết vấn đề Bán đảo Triều Tiên, tôi đánh giá hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên hay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đều là những người đã dám vượt qua những rào cản thông thường để tạo đà cho những đột phá về ngoại giao. Có lẽ chúng ta thử nhìn nhận theo hướng đó, để có thể trông đợi sẽ có những bước phát triển tích cực tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội.

Thông điệp về sự tin cậy

Theo ông, với việc lựa chọn Hà Nội – thành phố vì hòa bình là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, Mỹ và Triều Tiên muốn gửi tới thông điệp gì?

Về việc lựa chọn Hà Nội – thành phố vì hòa bình, tôi muốn nhìn vấn đề này ở diện rộng hơn. Theo tôi, Mỹ và Triều Tiên chọn Hà Nội, trước hết chính là chọn Việt Nam. Hai tiếng “Việt Nam” có sức hấp dẫn và tính biểu tượng trong chính trị - đối ngoại rất lớn.

Trong suốt thời gian trước khi chọn Việt Nam và cho đến khi chọn Việt Nam, rất nhiều báo chí nước ngoài, dòng chữ “Why Vietnam?” (Tại sao Việt Nam?) xuất hiện dày đặc. Giờ đây, bất kỳ ai khi sử dụng từ khóa Vietnam để tìm kiếm thì thay vì những thông tin về cuộc chiến thì sẽ là những thông tin về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 được tổ chức tại Việt Nam. Giờ nếu được hỏi “Why Vietnam?”, chúng ta có thể tự hào trả lời rằng “Yes, Vietnam” (Vâng, chính là Việt Nam), và rất có thể sẽ còn có thêm “Yes, Vietnam again” (Vâng, chính là Việt Nam lần nữa).

Từng đăng cai nhiều hội nghị quốc tế lớn, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, từ công tác an ninh, vật chất… cho đến hậu cần, truyền thông.

Việc đăng cai các sự kiện quốc tế lớn như Diễn đàn Kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC) 2017 đã góp phần tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thêm một điều mà tôi muốn nhấn mạnh đó là sự tin cậy mà các nước dành cho Việt Nam. Từ một nước khó khăn, từng trải qua nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh, Việt Nam đã vươn mình đổi mới, phát triển ổn định, hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. Chính điều này đã tạo nên vị thế của Việt Nam hôm nay.

Cả Triều Tiên và Mỹ đều nhận thấy Việt Nam là một đối tác tin cậy. Sự tin cậy được Việt Nam thể hiện thông qua những chính sách đối ngoại cũng như những hành động trực tiếp trong việc đóng góp trong các vấn đề quốc tế nói chung, vấn đề Bán đảo Triều Tiên nói riêng. Không chỉ có mối quan hệ tốt với cả Mỹ và Triều Tiên, Việt Nam cũng luôn ủng hộ hòa bình, phi hạt nhân hóa, hợp tác phát triển vì thịnh vượng, hữu nghị trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời tôn trọng những Nghị quyết của Liên hợp quốc.

Việc Mỹ và Triều Tiên lựa chọn Việt Nam chắc chắn bởi họ tin cậy Việt Nam, vì họ thấy Việt Nam xứng đáng, có thể tổ chức tốt Hội nghị, đóng góp cho tiến trình ngoại giao, xây dựng lòng tin để hướng tới một giải pháp lâu dài cho Bán đảo Triều Tiên.

Lựa chọn Việt Nam, theo tôi, không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên mà có sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng của cả 2 bên Mỹ và Triều Tiên và được các nước ủng hộ.

Việc tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sẽ mở ra những cơ hội nào cho Việt Nam, thưa ông?

Thông qua Hội nghị lần này, chúng ta sẽ thu được những lợi ích vô cùng ý nghĩa mà không thể đo đếm bằng vật chất. Đó là vị thế, uy tín, hình ảnh của đất nước - một đất nước Việt Nam đổi mới, hội nhập, tham gia sâu rộng và đóng góp tích cực vào các vấn đề của khu vực, quốc tế, được bạn bè tin cậy.

Các phóng viên quốc tế đang tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí quốc tế của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. (Nguồn: Zing)

Với sự tham gia của hơn 3.000 phóng viên quốc tế đang có mặt tại Việt Nam, Hội nghị sẽ tạo nên một hiệu ứng truyền thông rất lớn. Trong những ngày này, có lẽ hai từ “Việt Nam” đang rất nổi bật trên các báo, các phương tiện truyền thông thế giới. Ngoài những nội dung chính củaHội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, chắc chắn những hình ảnh về một Việt Nam đổi mới hội nhập, người dân Việt Nam hiền hòa, hiếu khách, …chắc chắn sẽ được lan tỏa sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng các nước. Từ đó, tạo đà cho những cơ hội hợp tác kinh tế, đầu tư thương mại, trao đổi khoa học kỹ thuật, giáo dục, du lịch…trong tương lai.

Vậy Việt Nam có thể đóng vai trò như thế nào trong tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên?

Chính sách đối ngoại của chúng ta là chính sách đối ngoại ủng hộ giải quyết các vấn đề phức tạp, tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các bên trực tiếp liên quan, đồng thời đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới. Chủ trương này luôn song hành với chính sách làm bạn, đối tác tin cậy với các nước.

Thông qua Hội nghị thượng Mỹ - Triều lần 2, Việt Nam tiếp tục thể hiện chủ trương nhất quán trong chính sách đối ngoại của mình, đồng thời mong muốn và tiếp tục đóng góp một cách có trách nhiệm trong vấn đề hòa bình, ổn định, phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Với sự tin cậy từ các bên, chúng ta có thể đóng góp nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn nữa.

Tại Hội nghị lần này, những vấn đề chính sẽ do các bên trực tiếp liên quan bàn và quyết định. Nhưng nếu họ cần tham khảo Việt Nam về những kinh nghiệm khác nhau trong quá trình xử lý những vấn đề về hậu quả chiến tranh, xử lý những vấn đề về đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập… chúng ta sẵn sàng chia sẻ. Đó có thể là những bài học tham khảo hữu ích cho các bên liên quan.

Xin cảm ơn ông!

Ly Ly

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/thuong-dinh-my-trieu-lan-2-tai-ha-noi-tu-why-vietnam-den-yes-vietnam-88406.html