Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Cuộc gặp lịch sử, rồi sao nữa...

Ba đời tổng thống Mỹ gần đây đã tham gia ký kết các thỏa thuận với Triều Tiên nhưng thỏa thuận nào cũng sụp đổ, lời hứa nào cũng thành vô nghĩa

Liên tục nở nụ cười, không ngừng bắt tay và dành cho nhau những lời có cánh, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã làm nên lịch sử ở Singapore trong ngày 12-6: Lần đầu tiên người đứng đầu 2 quốc gia này gặp nhau mặt đối mặt.

Tuy nhiên, liệu hội nghị thượng đỉnh giữa họ có thực sự trở thành sự kiện lịch sử hay không còn tùy thuộc những gì diễn ra sau đó.

Ba đời tổng thống Mỹ gần đây đã tham gia ký kết các thỏa thuận mà trong đó Triều Tiên cam kết dừng hoạt động hạt nhân. Thỏa thuận nào cũng sụp đổ, lời hứa nào cũng thành vô nghĩa và Triều Tiên tiếp tục hành trình hướng tới các đầu đạn hạt nhân cũng như loại tên lửa có thể phóng chúng băng qua Thái Bình Dương.

Người dân ở Seoul - Hàn Quốc mải mê theo dõi tin tức về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12-6. Ảnh: REUTERS

Hai ông Trump và Kim đã chọn một cách tiếp cận hoàn toàn khác, thay vì đi từ cấp thấp lên cao như trong quá khứ, họ đồng ý gặp nhau một cách đầy đột ngột và bất ngờ. Nhưng thượng đỉnh ở Singapore chỉ mới là khởi đầu, là bước đi thứ nhất của quá trình đàm phán có thể dài dằng dặc và chất đầy khó khăn giữa hai nước.

Tổng thống Mỹ dựa vào kỹ năng cá nhân để thuyết phục ông Kim rằng việc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, cộng với cam kết bảo đảm an ninh từ phía Mỹ, là những lợi ích hàng đầu cho cả Triều Tiên và thế giới.

Muốn lời thuyết phục trên hiệu quả, cần phải có tinh thần kỷ luật và khả năng giữ cam kết - vốn không phải là những kỹ năng đối ngoại mà ông Trump có. Ông cũng phải kiềm chế tính khí bốc đồng mà ông thể hiện ngay trên đường đến Singapore: Đột ngột hủy tham gia tuyên bố chung của các nước nhóm G7 sau hội nghị thượng đỉnh ở Canada. Cơn giận của ông Trump nhằm vào những phát biểu của Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong cuộc họp báo hậu hội nghị đã gây rạn nứt quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh thân thiết nhất.

Các cuộc họp thượng đỉnh là sự kết hợp giữa tính biểu tượng và thực chất. Chỉ riêng việc tổng thống Mỹ bay nửa vòng trái đất đến gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên đã mang tính biểu tượng rất cao. Ngược lại, việc ông Kim từ bỏ những cuộc thử nghiệm tên lửa đầy căng thẳng để bước vào con đường ngoại giao cũng biểu tượng không kém. Sự biểu tượng này thăng hoa cùng giây phút họ gặp nhau.

Khi hai ông Trump và Kim chào hỏi nhau trên tấm thảm đỏ, với quốc kỳ của họ sau lưng, cả thế giới theo dõi trong kỳ vọng. Sau những sỉ nhục và kích động trước đó, chẳng ai nghĩ tới chuyện có ngày hai nhà lãnh đạo họp bàn riêng với nhau trong một căn phòng (chỉ có phiên dịch đi theo).

Không ai trong số họ tỏ ra ngần ngừ khi bước về phía nhau, tay chìa ra phía trước sẵn sàng cho cái bắt tay đầu tiên. Họ không cười trong tấm hình chính thức đầu tiên nhưng ngay lập tức sau đó, khi sánh bước cùng nhau, họ thả lỏng trông thấy và cười cởi mở hơn hẳn.

Singapore sẽ trở thành khởi đầu của thành công hay một thất bại nữa trong công cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên? Điều này phải mất nhiều tháng để biết được, nếu không muốn nói là nhiều năm. Rủi ro vẫn chực chờ với cả ông Trump và ông Kim, dù nhà lãnh đạo Triều Tiên đã có điều mà những người tiền nhiệm (cũng là ông nội và cha mình) chưa đạt được - một cuộc gặp với tổng thống đương nhiệm của Mỹ. Nhưng mong muốn của ông Kim Jong-un không dừng lại ở đó.

Ông Bill Richardson, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, đánh giá chỉ riêng việc diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh đã là thắng lợi cho Triều Tiên bởi qua đó, ông Kim được khắc họa thành một nhân vật tầm quốc tế và củng cố quyền lực trong nước. Nhưng quyết định nhận lời gặp ông Kim của ông Trump là chuyện "đáng để thử". "Đàm phán với Triều Tiên từ cấp thấp lên cấp cao đã không có tác dụng. Biết đâu nói chuyện từ cấp cao nhất trước lại hiệu quả" - ông Richardson nhận định.

Cuộc gặp thượng đỉnh thất bại không phải là điều mà cả hai nhà lãnh đạo mong muốn. Ông Trump muốn chứng tỏ ông có thể thành công trong lĩnh vực mà các tổng thống Mỹ trước đó, đặc biệt là người tiền nhiệm ngay trước mình Barack Obama, đã thất bại. Ông cũng muốn có một thành công lớn về mặt đối ngoại để làm bàn đạp cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống vào năm 2020.

Về phần nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un, ông muốn duy trì quyền lực lâu dài, theo cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman. Thế nhưng, ông Kim đang chịu sức ép phải phát triển kinh tế và mở cửa đất nước với thế giới bên ngoài mà không ảnh hưởng đến chính quyền của mình. "Lợi ích của họ có vẻ cùng chiến tuyến nhưng mọi việc vẫn rất, rất khó khăn" - bà Sherman kết luận.

Truyền thông Triều Tiên phá lệ

Truyền thông thế giới đưa tin dày đặc về cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore nhưng người dân Triều Tiên hầu như không hay biết gì cho tới hôm 11-6.

Theo đài CNBC (Mỹ), truyền thông nhà nước Triều Tiên lần đầu đề cập hội nghị thượng đỉnh một ngày sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đặt chân đến Singapore để gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Dù vậy, ông Rodger Baker, phó chủ tịch về phân tích chiến lược tại Công ty Stratfor (Mỹ), nhận định đưa tin thế cũng còn là sớm bởi thông thường các hoạt động của ông Kim Jong-un chỉ được truyền thông Triều Tiên công bố sau khi đã... kết thúc. "Việc Triều Tiên đưa tin từ trước khi cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra chắc chắn là phá lệ" - ông Baker nói.

Trang bìa báo Rodong Sinmun (Triều Tiên) ngày12-6 tràn ngập hình ảnh chuyến tham quan Singapore tối trước đó của ông Kim Jong-un. Ảnh: REUTERS

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 11-6 đưa tin ông Kim Jong-un lên "một chiếc máy bay Trung Quốc dành riêng cho ông" vào sáng 10-6 để đến Singapore và gọi đây là "một chuyến công du nước ngoài lịch sử".

Cũng trong ngày 11-6, báo Rodong Sinmun (Triều Tiên) đăng loạt bài và ảnh lớn về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều với 16 bức ảnh màu, trong đó có ảnh ông Kim lên chiếc máy bay Air China 747 ở Bình Nhưỡng và ảnh ông gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Ông Trump khoe "Quái thú"

Trong lúc đi dạo sau khi dùng bữa trưa trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh, ông chủ Nhà Trắng giới thiệu với nhà lãnh đạo Triều Tiên chiếc xe dành riêng cho tổng thống Mỹ - The Beast (biệt danh "Quái thú"). Chiếc limousine bọc thép khi đó được cắm sẵn một lá cờ Mỹ.

Khi ông Trump ra hiệu, một nhân viên mật vụ Mỹ liền mở cánh cửa bên phải dành cho khách của chiếc "Quái thú". Ông Kim mỉm cười khi trò chuyện với ông Trump và đưa mắt nhìn vào bên trong chiếc xe.

Tổng thống Mỹ Donald Trump giới thiệu "Quái thú" với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: NBC

Ông Kim dùng bút của em gái

Có một chuyện bên lề gây được nhiều chú ý khi hai nhà lãnh đạo đặt bút ký tuyên bố chung sau đàm phán. Ban tổ chức chuẩn bị sẵn 2 cây bút nhưng vào phút cuối, cô Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un, đã lấy bút từ túi của mình đưa cho anh trai và ông sử dụng cây bút này ký vào văn kiện.

Theo báo Telegraph (Anh), dường như nhà lãnh đạo Triều Tiên không muốn sử dụng cây bút Mỹ để ký thỏa thuận lịch sử với ông Donald Trump. Một nguyên nhân khác có thể đến từ lo ngại về an ninh - thể hiện qua việc một nhân viên an ninh Triều Tiên đeo găng tay trắng lau chùi cây bút trước đó.

Ông Kim Jong-un sử dụng cây bút của em gái đưa để ký văn kiện vào phút cuối. Ảnh: STRAITS TIMES

Xuân Mai

HẢI NGỌC (lược dịch theo báo Washington Post)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/cuoc-gap-lich-su-roi-sao-nua-20180612231419273.htm