Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Cái bắt tay có tạo đột phá hòa bình?

Các chuyên gia cho rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sẽ khó có kết quả đột phá, tuy nhiên đây là dịp tốt để hai bên tiếp tục có những bước xây dựng lòng tin.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra tại Việt Nam kể từ ngày mai. Sau hơn nửa năm sau thượng đỉnh lịch sử diễn ra ở Singapore, các cuộc đàm phán sau đó đã rơi vào bế tắc khi các bên không thể thống nhất được lộ trình cụ thể của việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trao đổi với Zing.vn, các chuyên gia đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về vai trò của cuộc gặp thượng đỉnh lần hai này.

Sau cuộc gặp đầu tiên tại Singapore, ông Trump bị chỉ trích vì đã ký một tuyên bố mơ hồ, nhưng mặt khác, các chuyên gia cho rằng quá trình phi hạt nhân hóa phải diễn ra song song với sự nhượng bộ từ Mỹ. Ảnh: AFP.

Sau cuộc gặp đầu tiên tại Singapore, ông Trump bị chỉ trích vì đã ký một tuyên bố mơ hồ, nhưng mặt khác, các chuyên gia cho rằng quá trình phi hạt nhân hóa phải diễn ra song song với sự nhượng bộ từ Mỹ. Ảnh: AFP.

Áp lực đối nội

- Cuộc gặp này có vai trò quan trọng như thế nào?

- Tiến sĩ Lim Tai Wei, Viện nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS): Tổng thống Donald Trump đứng trước thách thức phải chứng minh những người chỉ trích rằng ông có thể đạt được kết quả lâu dài từ cuộc gặp này. Ở trong nước, ông đối mặt với một quốc hội do đảng Dân chủ kiểm soát và cần ghi điểm trước cử tri cho chiến dịch tranh cử sắp tới.

Về phía ông Kim, đây là cơ hội cđể vận động Mỹ dỡ bỏ bớt các trừng phạt kinh tế, và ông phải có một vài động thái phi hạt nhân hóa.

- Giáo sư Zhu Feng, Đại học Nam Kinh (Trung Quốc): Tôi nghĩ vấn đề là liệu các thành tựu của hội nghị có làm hài lòng cộng đồng quốc tế hay không. Cách tiếp cận của TT Trump đối với vấn đề Triều Tiên đã thay đổi một cách đáng kể từ cuộc gặp lần trước, chẳng hạn Nhà Trắng không còn đòi hỏi thời hạn cho phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Zhu Feng hiện là Giám đốc Điều hành Trung tâm Trung Quốc về Nghiên cứu Hợp tác Biển Đông, Đại học Nam Kinh (Trung Quốc). Ông viết về an ninh khu vực tại Đông Á, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, quan hệ ngoại giao và quân sự Mỹ - Trung.

Mối quan tâm chính của cộng đồng quốc tế là có một hội nghị thượng đỉnh có thể biến thành hành động thực tế của Triều Tiên trong việc giải trừ hạt nhân.

- Nhà phân tích Jenny Town, Trung tâm Stimson (Mỹ) và là Thư ký Tòa soạn của 38 North, trang web chuyên về Triều Tiên: Tôi nghĩ tính được mất của hội thảo này khá cao. Ở mặt nào đó, đây chính là phép thử cho cách tiếp cận của Trump với Triều Tiên. Phương thức ngoại giao dựa trên các hội nghị thượng đỉnh đã tỏ ra hiệu quả trong bối cảnh liên Triều, nhưng nó chỉ có thể được chứng minh trong bối cảnh Mỹ - Triều nếu các hội nghị thượng đỉnh đạt được tiến triển.

Những tháng vừa qua mọi thứ tiến triển khá chậm chạp, đôi bên đều ôm lấy lập trường họ muốn và bác bỏ mong muốn của bên kia. Câu hỏi ở đây là liệu họ đã có đủ bài học về những ảo tưởng đó chưa, và xem thử bây giờ họ nên làm gì để mọi thứ có tiến triển.

- Giáo sư Alexander L. Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ: Nhiều người Mỹ mong kỳ vọng phải có tiến triển nhất định, kết quả cụ thể, tôi thì nghĩ cách tiếp cận đó không hẳn là phù hợp với chuyện của Triều Tiên. Ở tầm chiến lược hơn, quan trọng là Mỹ và Triều Tiên phải tạo được một mối quan hệ. Sau nhiều thập niên thù địch, chiến tranh về lý thuyết vẫn còn, thế thì làm sao xây dựng quan hệ bình thường một chút, nói chuyện bình thường, thỏa thuận, bắt tay, chuyến thăm.

Phải xây dựng qua những cách như họ đang làm, rồi đi đến những thỏa thuận có thể chỉ là chung chung thôi, rồi đi đến bình thường hóa quan hệ, tôi thấy như thế không có gì ngạc nhiên với những gì họ đạt được. Cả hai bên cũng không làm gì gây thù địch hơn, cái này có thể coi là thành tựu rồi.

Theo dự kiến, hội nghị Mỹ - Triều lần 2 sẽ diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 - 28/2. Ảnh: Phạm Thắng.

- Điều gì sẽ diễn ra sau hội nghị lần này nếu kỳ vọng phải đột phá không được như mong muốn?

- Tiến sĩ Cheon Seong Whun, Viện Chính sách Asan (Hàn Quốc): Nếu Triều Tiên không tỏ cam kết mạnh mẽ cho việc giải trừ hạt nhân, Trump có thể bước khỏi cuộc họp và gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng. Ông ấy sẽ không muốn lặp lại sai lầm tại Singapore là ký kết một văn bản mơ hồ mà phải ép được Triều Tiên có những bước phi hạt nhân hóa cụ thể. Tôi nghi rằng ông ấy gây sức ép lớn và có 50% ông ấy rời bàn đàm phán để tuyên bố cuộc gặp sụp đổ.

- Giáo sư Zhu Feng: Vì Trump luôn có thể tự hào với một cuộc gặp Kim Jong Un, tôi không nghĩ chính sách của Mỹ có thể biến chuyển xấu đi sau cuộc gặp.

- Tiến sĩ Lim Tai Wei: Tôi không nghĩ mọi việc có thể chuyển xấu sau rất nhiều công tác tiền trạm và các cuộc đàm phán chuyển bị trước đó cho hội nghị thượng đỉnh được diễn ra. Chỉ riêng việc cuộc gặp diễn ra đã cho thấy hai chính quyền đều tin tưởng nhau ở một mức độ nào đó, và tin tưởng vào một thỏa thuận. Cũng chính những đội ngũ đó sẽ làm việc tiếp sau cuộc gặp để cụ thể hóa các thỏa thuận.

- Giáo sư Alexander L. Vuving: Tôi cho rằng cuộc gặp vẫn có thể mang tính trình diễn, vì nó nằm trong logic của hai bên. Cả hai người đều cần gặp nhau để xây dựng lòng tin, tôi không kỳ vọng phải có ký kết gì cụ thể mang tính bước ngoặc, chuyện hai người ngồi nói chuyện với nhau vốn đã rất quan trọng.

- Nhà phân tíchJenny Town: Nếu hội thảo này không cho ra kết quả lâu dài, nó không chỉ khiến quan hệ Mỹ - Triều xấu đi, việc cách tiếp cận hiện tại bị chứng minh thiếu hiệu quả sẽ định hình chính sách Triều Tiên của chính quyền tiếp theo tại Mỹ. Các ứng viên cho cuộc đua 2020 đã bắt đầu xây dựng nền tảng tranh cử của họ. Một thành công tại Hà Nội của Trump có thể khiến cả những người chống Trump bắt đầu tiếp cận Triều Tiên theo hướng tích cực hơn, còn không thì nó sẽ trở thành một bài học để tránh cho các chính quyền sau này nữa.

Jenny Town là nhà phân tích tại Trung tâm Stimson (Mỹ) và là Thư ký Tòa soạn trang 38 North, chuyên sang về phân tích chính sách của Triều Tiên.

Mỹ phải cần uyển chuyển hơn?

- Liệu có khả năng Triều Tiên có thể công bố danh sách chi tiết các chương trình và cơ sở hạt nhân của họ hay không, như điều Mỹ đã yêu cầu nhiều tháng qua?

- Giáo sư Zhu Feng: Ông Kim Jong Un dùng chiến lược "lát cắt salami". Mỗi lần ông ấy có những động thái như tạm ngưng hoặc từ bỏ một vài cơ sở hạt nhân, ông ấy cũng muốn có lại một thứ gì đó. Trong khi đó, định nghĩa về phi hạt nhân hóa (từ phía Mỹ) là Triều Tiên phải nộp danh sách toàn bộ các vũ khí của họ, giao lại các cơ sở và kho hạt nhân.

Với việc được chuyển từ yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn sang phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn, Triều Tiên sẽ tiếp tục có những bước tiến nhỏ. Rất có khả năng ông sẽ đồng ý cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thanh sát một phần, tiếp tục dỡ bỏ khu thử hạt nhân Nyonpeon.

Với những thỏa thuận đó, ông Trump có thể tiếp tục nói về "thành tựu" mới của ông.

- Nhà phân tíchJenny Town: Nếu có một thỏa thuận liên quan đến việc giải giáp bãi thử Yongbyon, ví dụ, chuyện Triều Tiên cho phép thanh sát Yongbyon sẽ là một yêu cầu vừa phải và chính đáng.

Tiến sĩ Alexander L. Vuving gia nhập Trung tâm Daniel K. Inouye về Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 7/2008 từ Đại học Tulane (Mỹ), nơi ông dạy các môn về quan hệ quốc tế, an ninh quốc tế, chính trị quốc tế, Trung Quốc và thế giới.

- Giáo sư Alexander L. Vuving: Tôi nghĩ việc Mỹ yêu cầu Triều Tiên phải chứng minh họ đang phi hạt nhân hóa là không thực tế, phải có sự uyển chuyển từ Mỹ. Hai bên nếu tư duy kiểu "ông phải đi trước thì tôi mới đi" thì sẽ không ai có động thái trước cả, nên tôi hy vọng có hai nhà lãnh đạo phải uyển chuyển hơn, có thể họ sẽ đi những sự nhượng bộ nhất định và đi trước gì đó. Cả hai đều có cùng lợi và mọi thứ quay trở về vấn đề niềm tin.

Thật ra Trump cho thấy ông đủ khả năng làm chuyện đó như việc từng ngưng tập trận với Hàn Quốc. Sự uyển chuyển không thiết phải thể hiện bằng lời nói, các tuyên bố của báo chí Triều Tiên trong nước cũng rất ghê gớm; tương tự, Trump cũng cần những lời lẽ mạnh mẽ trước cử tri của ông. Nhưng khi đi những bước cụ thể thì cả hai ông đều thể hiện là có bước xuống thang uyển chuyển, có thể có văn phòng liên lạc, có quan hệ ngoại giao không chính thức, mở cửa quan hệ kinh tế, cho Hàn Quốc đầu tư vào Triều Tiên.

- Tiến sĩ Lim Tai Wei: Họ có thể cho đóng băng hoặc dừng lại chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Họ cũng có thể cho phép một vài hình thức kiểm chứng, nhưng tất cả sẽ dựa trên sự nhượng bộ (dù chỉ mang tính biểu tượng, nhỏ hoặc lâu dài) từ phía Mỹ.

- Liệu có triển vọng nào cho một tuyên bố hòa bình không?

- Giáo sư Zhu Feng: Khả năng đang nhiều dần lên, nhưng một tuyên bố như vậy sẽ mang tính chất chính trị nhiều hơn là có giá trị pháp lý và thực tiễn. Trên thực tế, việc kết thúc một cuộc chiến cần nhiều thỏa thuận thực tế và pháp lý.

- Tiến sĩ Lim Tai Wei: Có, nhưng phải có sự đồng thuận từ các bên liên quan như Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ và Triều phải nhượng bộ lẫn nhau như việc Triều Tiên có vài động thái nhỏ tiến đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể bị đảo ngược (dù động thái đó có thể nhỏ).

- Nhà phân tíchJenny Town: Rất có thể sẽ có một tuyên bố chính trị nằm trong tuyên bố chung của hội thảo, rằng đôi bên cho rằng Chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc. Tuy nhiên, họ sẽ cần một cuộc thảo luận đa phương để đạt được một hiệp định hòa bình, thay cho hiệp định đình chiến đang có.

Về mặt lý thuyết, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Ảnh: Reuters.

Quan hệ cá nhân quan trọng

- Trong lần trước Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un khá có thiện cảm về nhau. Việc này có giúp ích gì cho quá trình đàm phán không?

- Tiến sĩ Lim Tai Wei: Cảm tình cá nhân là thứ khiến cho cuộc gặp thứ hai diễn ra, nhưng khi đã đến cuộc gặp rồi thì nó thôi là không đủ.

- Nhà phân tíchJenny Town: Quan hệ cá nhân của hai nhà lãnh đạo đương nhiên có quan trọng, nhưng cuối cùng thì đôi bên đều chịu áp lực rất lớn để chứng tỏ tiến trình này không chỉ gồm các cảm giác cá nhân. Các cuộc đàm phán sẽ phải đi vào chi tiết ở nhiều điểm để đẩy chương trình nghị sự tiến triển.

- Giáo sư Zhu Feng: Họ có thể có cảm tình về nhau, nhưng cảm tình đó lớn và bền vững đến mức nào? Tôi khá là nghi ngờ chuyện đó. Trump muốn chứng tỏ khả năng thuyết phục Kim trong khi Kim lại muốn chứng tỏ cho thế giới ông ấy không sợ Trump. Đó mới là động lực chính để họ gặp nhau.

- Tiến sĩ Cheon Seong Whun: Tôi không nghĩ họ có thể xây dựng mối quan hệ tốt chỉ trong một thời gian ngắn ngủi gặp gỡ vậy. Cảm tình cá nhân của họ còn dựa trên hai mục tiêu trái ngược nhau: Triều Tiên muốn giữ lại hạt nhân trong khi nhận lợi ích kinh tế từ Mỹ, còn Mỹ muốn giải giáp hạt nhân rồi mới dỡ bỏ cấm vận. Đó là một vòng tròn luẩn quẩn.

- Giáo sư Alexander L. Vuving: Tôi nghĩ ông Trump hiểu mong muốn sâu xa của ông Kim là cần một thành tích ngoại giao cho đối nội. Ông ấy muốn được tổng thống Mỹ cư xử như một người ngang hàng, được đối đãi như một nguyên thủ quốc gia, được ông Trump trọng thị...

Cái ông Kim cần thật sự là sự tôn trọng và ông Trump làm được điều đó.

Cả Trump và Kim đều có những tư duy mới mà những người theo chủ nghĩa truyền thống sẽ không hiểu được, đó là những người vẫn phải theo những cái thông lệ ngoại giao mà họ thừa hưởng. Trong khi đó, ông Trump sẵn sàng đi ngược chính sách ngoại giao từ trước đến nay, những người cũ nói ông khó đoán, từ phía trung lập hơn thì cá nhân tôi thấy đó là xu hướng rất quan trọng vì để đi khỏi cái chuẩn cũ trong quan hệ Mỹ - Triều, ông phải thổi vào đó tư duy mới, đưa vào những người thật sự sẵn sàng phá bỏ ràng buộc vô hình, vòng kim cô của thế hệ xưa.

Tôi nghĩ đây là hai cá nhân có thể làm chuyện đấy.

- Cuối cùng thì liệu ông Kim có phải là nhà cải cách và thật sự mong muốn mở cửa đất nước hay không?

- Nhà phân tíchJenny Town: Tôi nghĩ ông ta thật sự muốn đem lại sự thịnh vượng cho đất nước mình, nhưng theo một cách mà mọi thứ phải được kiểm soát. Vấn đề của ông là phải phát triển kinh tế nhưng vẫn duy trì chế độ.

- Giáo sư Zhu Feng: Ông Kim Jong Un ít nhiều khác biệt so với cha ông ấy, Kim Jong Il. Ông Kim Jong Un chú ý nhiều hơn đến nền kinh tế, muốn thay đổi đất nước khi họ ngày càng khó khăn. Tôi hy vọng ông ấy có thể tham khảo các thành tựu đổi mới của Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống chính trị của Triều Tiên khác với Việt Nam.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã khởi hành bằng tàu để lên đường sang Việt Nam. Ảnh: KCNA.

- Giáo sư Alexander L. Vuving: Tôi sẽ không dùng từ đó, tôi cho rằng ông ấy là một nhà lãnh đạo thôi. Mà một nhà lãnh đạo thì sau thành tích quân sự, ngoại giao, giờ ông cần thành tích kinh tế. Hơn nữa, cải cách kinh tế cũng là vấn đề sống còn cho Triều Tiên. Chính vì vậy, ông ấy phải có những bước đi nhất định để mở cửa, phải có công nghệ, vốn đầu tư rót vào. Nếu người Mỹ đủ thông minh họ nên hiểu đây là thời điểm nên bắt tay với Triều Tiên hoặc "bật đèn xanh" cho Hàn Quốc nhảy vào Triều Tiên.

Phương Thảo (thực hiện)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thuong-dinh-my-trieu-cai-bat-tay-co-tao-dot-pha-hoa-binh-post919036.html