Thượng đỉnh Mỹ - Nga: Chông chênh giữa tâm bão

Quan hệ Mỹ - Nga, tiền thân là quan hệ Mỹ - Liên Xô đã có lịch sử đầy thăng trầm kể từ khi bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai và tiếp theo đó là Chiến tranh Lạnh. Nhiều cuộc gặp có sự góp mặt của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô đã là một nhân tố quan trọng góp phần thay đổi thế giới.

Tháng 8/2017

TT Trump thông qua đạo luật “Chống lại những đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt” (gọi tắt là CAATSA) – chủ yếu nhắm vào Nga.

Mỹ đã đóng cửa Tổng lãnh sự quán Nga tại San Francisco để đáp trả việc Moscow yêu cầu Mỹ cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán và lãnh sự quán ở Nga.

Tháng 3/2018

Vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal tại Anh đã làm dấy lên làn sóng trục xuất ngoại giao trên khắp thế giới nhằm vào Nga. Mỹ tiếp tục đóng cửa lãnh sự quán Nga tại Seattle và trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga.

Tháng 4/2018

Mỹ thông qua lệnh trừng phạt nhằm vào 38 cá nhân và thực thể của Nga với cáo buộc tham gia vào “các cuộc tấn công mà nước này cho là của Nga nhằm phá hoại các nền dân chủ phương Tây”. Đây được xem là loạt biện pháp trừng phạt nặng nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Nga.

Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/7 đã diễn ra tại Helsinki trong kì vọng rằng sẽ phần nào tháo gỡ căng thẳng cũng như thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Khởi đầu thượng đỉnh diễn ra nổi bật với việc hai nhà lãnh đạo đều sử dụng “chiến thuật ngoại giao”. Máy bay của ông Putin đã đến thủ đô Helsinki chậm hơn khoảng một tiếng đồng hồ so với thời gian bắt đầu thượng đỉnh; trong khi ông Trump cũng trì hoãn việc đến Phủ Tổng thống Phần Lan - nơi diễn ra cuộc gặp.

Clip: Hai nhà lãnh đạo bắt tay tại Helsinki ngày 16/7/2018

Đáng chú ý, giới báo chí cho biết, thời gian họp kín của hai nhà lãnh đạo đã kéo dài khoảng hơn hai tiếng – vượt quá thời gian 90 phút theo lịch trình ban đầu.

Các nội dung hội đàm cũng tương đồng như những gì mà báo chí dự đoán trước đó, tập trung vào các vấn đề song phương trong quan hệ Mỹ-Nga như nỗ lực cải thiện quan hệ hai nước, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và cách giải quyết một số vấn đề quốc tế như Ukraine, Syria, kiểm soát vũ trang, tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và cuộc chiến chống khủng bố.

Trả lời báo chí sau khi bước khỏi phòng họp kín với Tổng thống Putin tại Helsinki, ông Trump nói hai bên "đã có một khởi đầu tốt".

Trong cuộc họp báo sau hội đàm, cả ông Trump và ông Putin đều đưa ra hàng loạt cam kết đối với cả quan hệ song phương và các vấn đề toàn cầu.

Phát biểu trước, Tổng thống Putin nói rằng quan hệ song phương đang trải qua giai đoạn khó khăn, hai nước đều phải đối mặt với các thách thức hoàn toàn khác biệt và chỉ có thể đối phó bằng cách gắn kết nỗ lực của cả hai bên.

Tổng thống Trump cho biết, mặc dù bất đồng giữa Nga và Mỹ là điều rõ ràng nhưng nếu tiếp tục giải quyết các vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt thì hai nước sẽ phải tìm ra cách thức hợp tác theo đuổi lợi ích chung. Theo ông Trump, quan hệ hai nước chưa bao giờ tồi tệ như hiện nay nhưng đã thay đổi chỉ trong vài giờ trước.

Trong khi hai nhà lãnh đạo đưa ra tuyên bố hết sức tích cực về quan hệ song phương thì đối với nhiều vấn đề nóng khác trên toàn cầu thì cả ông Trump và ông Putin mới chỉ có các cam kết chung, tuy nhiên, chưa có giải pháp cụ thể và khả thi.

Kết thúc thượng đỉnh với những tuyên bố hết sức tích cực về nhau nhưng Tổng thống Trump lại phải đối mặt với những phản ứng dữ dội từ nội bộ nước Mỹ.

Hàng loạt nghị sỹ Mỹ, thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, cùng nhiều chính trị gia đã lên tiếng chỉ trích thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Putin với những ngôn từ mạnh mẽ nhất như xấu hổ, yếu kém, đáng hổ thẹn, Nga không phải là đồng minh...

Các lãnh đạo đảng Dân chủ đã tổ chức họp báo chỉ trích cuộc gặp và cộng đồng tình báo Mỹ cũng ra thông cáo đáp trả tuyên bố của ông Trump về nội dung cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 trong thượng đỉnh.

Thậm chí, có ít nhất hai thượng nghị sĩ, ông Pat Toomey từ Đảng Cộng hòa và Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer đã nói tới khả năng áp đặt những trừng phạt mới nhằm vào Nga.

Trong khi đó, theo cựu Ngoại trưởng Phần Lan Pertti Torstila, đang có những quan ngại, đặc biệt ở châu Âu, về những thỏa thuận mà hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ có thể đạt được và tác động của các thỏa thuận đó với những quốc gia không góp mặt trên bàn đàm phán ở Helsinki.

Có thể nói, với tình hình quan hệ căng thẳng và phức tạp như hiện nay, việc hai ông Trump và Putin có thể ngồi lại với nhau đã là tiến bộ lớn nhất mà hai bên đạt được. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Nga sau một thượng đỉnh đầy khó khăn vẫn chưa thể có một xu hướng phát triển hoàn toàn cụ thể và tích cực.

Nội dung và hình ảnh: An Bình

Đồ họa: Minh Trang

Video: Quốc tế

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/longform-thuong-dinh-my-nga-chong-chenh-giua-tam-bao-351278.html