Thượng đỉnh G20: Mọi ánh mắt dồn vào ông Trump, nhưng còn ông Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có một lịch trình bận rộn trong dịp đến dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản lần này. Nếu làm theo sách chuẩn, nhà lãnh đạo Nga phần lớn sẽ im lặng trước các vấn đề kinh tế toàn cầu để tập trung củng cố vị thế địa chính trị của mình trên thế giới hoặc ở châu Á.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thượng đỉnh G20 ở Argentina năm 2018. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thượng đỉnh G20 ở Argentina năm 2018. (Ảnh: Reuters)

Trước tiên, Tổng thống Nga Putin sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cơ hội duy trì đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo là điều rất quan trọng, vì họ chưa nói chuyện trực tiếp lần nào kể từ tháng 7 năm ngoái, và những điều kiện để diễn ra một sự kiện thượng đỉnh Nga – Mỹ vẫn chưa đủ.

Quan hệ hai nước chưa thể hưởng lợi nhiều từ cách tiếp cận tự phát và bốc đồng của ông Trump trong chính sách đối ngoại. Dù chậm nhưng chắc, quan hệ cạnh tranh Nga – Mỹ, giống như Mỹ - Trung, sẽ trở thành một mối đe dọa lâu dài đối với ổn định chính trị toàn cầu.

Tại Osaka, trong số những vấn đề quan trọng nhất, ông Putin và ông Trump có thể sẽ nói với nhau về: Iran, Syria, Trung Đông, kiểm soát vũ khí, bán đảo Triều Tiên, Ukraine và quan hệ song phương.

Iran, Syria và vũ khí

Trong số chủ đề đó, Iran, Syria và kiểm soát vũ khí là những vấn đề cấp thiết hơn cả.

Tình hình Iran đang có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát, nếu căng thẳng giữa Washington và Tehran không được quản lý tốt. Tại Syria, chưa có giải pháp nào xuất hiện, trong lúc tình hình đang có vẻ xấu đi khi tỉnh Idlib ở đông bắc Syria đã rơi vào tay các nhóm phiến quân có quan hệ với al-Qaeda.

Về kiểm soát vũ khí, hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới – thỏa thuận song phương duy nhất còn có hiệu lực, sẽ hết hạn vào năm 2021, và hai bên vẫn chưa bàn với nhau sẽ làm gì tiếp theo. Cuộc gặp ở Osaka khó mang lại kết quả bất ngờ nào, nhưng 2 tổng thống có thể sẽ cố gắng tìm ra những lĩnh vực mà Mỹ và Nga có thể hợp tác. Thực tế là đã có những tiến triển nhỏ trong quan hệ song phương.

Đầu tháng 5 vừa qua, ông Putin và ông Trump nói chuyện qua điện thoại suốt một tiếng rưỡi đồng hồ. Ông Trump sau đó viết trên Twitter rằng Mỹ có thể có quan hệ tốt với Nga. Giữa tháng 5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gặp ông Putin ở thành phố nghỉ dưỡng Sochi.

Theo ông Yuri Ushakov, trợ lý của ông Putin, cách tiếp cận của phía Mỹ trong các vấn đề “giống như chuyện làm ăn”. Và mới cách đây vài ngày, cuộc họp tham vấn 3 bên Nga – Mỹ - Israel được tổ chức ở Jerusalem - dấu hiệu cho thấy Mátxcơva và Washington đang cởi mở về những cách thức tiếp xúc với nhau.

Anh – Nhật

Cuộc gặp của ông Putin với Thủ tướng Anh Theresa May, người không lâu nữa sẽ thôi nhiệm vụ, có bị coi là kỳ quặc. Nhiều cuộc thảo luận về những vấn đề nhạy cảm được kỳ vọng sẽ diễn ra khi quan hệ của Mátxcơva với London xấu đi nhanh hơn cả với Washington. Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên KGB Sergei Skripal vào năm ngoái ở Salisbury – cáo buộc Nga cho là không có cơ sở và khiêu khích. Cuộc gặp ở Osaka là cơ hội để hai bên bắt đầu hàn gắn quan hệ.

Ông Putin cũng sẽ gặp Thủ tướng chủ nhà Shinzo Abe. Trong nỗ lực giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với quần dảo Nam Kuril và hoàn tất Hiệp định hòa bình với Mátxcơva, ông Abe sẽ gặp ông Putin nhiều hơn lãnh đạo của bất kỳ quốc gia nào trong dịp này. Tại Osaka, hai bên có thể sẽ ký các thỏa thuận hợp tác mới.

Về tranh chấp chủ quyền, Nga đang có quan điểm cứng rắn hơn, và các điều kiện của họ sẽ khó chấp nhận với Tokyo. Tuy nhiên, ông Abe có thể muốn tạo dựng di sản của mình và dẫn dắt đất nước giải quyết tranh chấp kéo dài này.

Ông Putin cũng sẽ gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và cuộc nói chuyện của họ dự kiến sẽ tập trung vào Iran, Syria và Ukraine.

Hàn Quốc

Quan hệ kinh tế và tình hình bán đảo Triều Tiên dự kiến sẽ là chủ đề chính của cuộc gặp giữa ông Putin với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Năm sau, Mátxcơva và Seoul sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ, nên lần này là cơ hội tốt cho họ tiến tới mốc kỷ niệm đó.

Dù chính quyền của ông Moon vẫn là một đồng minh chiến lược của Washington, nhưng quan điểm của Hàn Quốc hiện nay đối với các giải pháp cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên tương đồng với Mátxcơva và Bắc Kinh.

BRICS

Nga cũng sẽ tận dụng G20 lần này để thúc đẩy quan hệ với các nước mới nổi lớn trên thế giới. Đáng chú ý nhất là cuộc gặp 3 bên không chính thức của lãnh đạo Nga, Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến diễn ra trong ngày 28/6. Từ nay trở đi, khuôn khổ gặp gỡ đó sẽ được duy trì định kỳ.

Nước Mỹ dưới thời chính quyền Trump quay lại chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ đã thúc đẩy các nước mới nổi lớn của thế giới hợp sức với nhau để tránh bão. Nga dự định sẽ đóng vai trò chính trong tiến trình này, và cuộc gặp của ông Putin với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ là một bước đi tiến tới lộ trình đó.

Bình Giang

theo SCMP

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/thuong-dinh-g20-moi-anh-mat-don-vao-ong-trump-nhung-con-ong-putin-1433871.tpo