Thượng đỉnh G20 khó có tuyên bố chung

Tại Buenos Aires ngày 30-11, Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã tuyên bố chính thức khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) với sự có mặt của lãnh đạo của các cường quốc hàng đầu thế giới, cũng như nhiều đại diện tổ chức quốc tế và khu vực.

Các nhà lãnh đạo G20 chụp hình lưu niệm. Ảnh: AFP

Với chủ đề chính “Xây dựng đồng thuận vì sự phát triển công bằng và bền vững”, nước chủ nhà Argentina hy vọng đây là cơ hội để các nền kinh tế thành viên thảo luận và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề nóng của thế giới, hướng tới việc đạt được một tuyên bố chung chú trọng tới phát triển cân bằng và bền vững.

Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 sẽ tập trung thảo luận một loạt các vấn đề lớn như thương mại, biến đổi khí hậu, tương lai việc làm, hạ tầng phục vụ phát triển, tương lai của lương thực bền vững… Các nhà lãnh đạo G20 hy vọng sẽ đạt đồng thuận trong các vấn đề cơ bản từ những thỏa thuận đã đạt được trong hơn 80 cuộc họp trong suốt quá trình chuẩn bị từ đầu năm đến nay.

G20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu (EU) đại diện cho 2/3 dân số thế giới, tạo ra 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, chiếm 75% thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, với những bất đồng liên quan đến thương mại, biến đổi khí hậu, hay cuộc đối đầu mới đây giữa Nga và Ukraine, cái chết của nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi, hội nghị kéo dài 2 ngày lần này đang phải đối mặt với những rạn nứt nghiêm trọng nhất kể từ khi G20 tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên cách đây 10 năm. Trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở thành tâm điểm của sự công kích, theo đó, đa phần các ý kiến chỉ trích cho rằng ông chính là người phá đi tính thống nhất trước đây của G20 về thương mại và biến đổi khí hậu. Với một loạt vấn đề đang “phủ bóng” hội nghị, không ai có thể dám chắc liệu G20 có thể ra tuyên bố chung hay không, nhất là khi Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2018 vừa diễn ra hồi tháng trước tại Papua New Guinea lần đầu tiên không thể đưa ra tuyên bố chung trong lịch sử. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã “gỡ được thế bí” khi ký kết Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cũng như đưa ra “các tín hiệu tốt” trước bữa ăn tối 30-11 (giờ địa phương) với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo các nhà lãnh đạo G20 về việc gia tăng các nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh trong việc cải cách kinh tế, theo đó gia tăng nỗ lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nhập khẩu nhiều hơn. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 “theo đuổi sự mở cửa” cũng như “chèo lái kinh tế thế giới một cách có trách nhiệm”.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin thì chỉ trích việc áp đặt “sai trái” các biện pháp trừng phạt và chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Tổng thống Putin nêu rõ: “Hành động xấu xa trở lại với các biện pháp trừng phạt đơn phương, bất hợp pháp cũng như các biện pháp bảo hộ đang được lan truyền, bỏ qua Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tiêu chuẩn pháp lý được quốc tế công nhận”. Theo ông, điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần hợp tác quốc tế, cản trở hoạt động thương mại quốc tế.

Bài phát biểu được chờ đợi của Tổng thống Donald Trump ngày 1-12 (giờ địa phương) sẽ báo hiệu rõ hội nghị có đưa ra được tuyên bố chung hay không và tương lai quan hệ giữa các cường quốc thế giới sẽ thế nào.

V.P (Theo TTXVN)

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/thuong-dinh-g20-kho-co-tuyen-bo-chung-a104344.html