Thượng đỉnh 'Bộ Tứ kim cương' tập trung vào nhiều vấn đề nóng trong khu vực

Hôm nay (12/3), dự kiến các nhà lãnh đạo nhóm 'Bộ Tứ kim cương' gồm Australia, Mỹ, Nhật, Ấn Độ sẽ có phiên họp thượng đỉnh bốn bên đầu tiên nhằm thảo luận về một loạt vấn đề bên cạnh an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thời kỳ mới.

Cuộc họp của nhóm "Bộ Tứ kim cương" đặc biệt được cộng đồng quốc tế chú ý trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden chọn Bộ tứ là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên để tham dự sau khi nhậm chức.

Lãnh đạo các nước Bộ Tứ. (Nguồn: EPA-EFE, AFP, Reuters)

Lãnh đạo các nước Bộ Tứ. (Nguồn: EPA-EFE, AFP, Reuters)

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ Ngoại giao Ấn Độ, các nhà lãnh đạo gồm Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ giải quyết "các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm, đồng thời trao đổi quan điểm về các lĩnh vực hợp tác thiết thực nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở và bao trùm”.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Việc Tổng thống Biden lần đầu tiên tham dự cuộc họp đa phương nói lên việc Mỹ đặc biệt chú trọng tới quan hệ với các đối tác và đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình. Tất nhiên, một loạt vấn đề sẽ được thảo luận như từ hợp tác đối phó với dịch Covid-19, đến hợp tác kinh tế và khủng hoảng khí hậu”.

Dựa trên những công bố của các bên, các nhà phân tích cho rằng, các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ sẽ tập trung thảo luận vào các chủ đề chính như: đối phó với nguy cơ trỗi dậy của Trung Quốc, trong đó có việc giảm phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc

Tiếp đến là tình hình tại Myanmar. Trong cuộc họp "Bộ Tứ" cấp Ngoại trưởng ngày 18/2, đại diện 4 bên đã có cuộc họp thảo luận về Myanmar, trong đó nhấn mạnh, tình trạng bất ổn nước này đang tác động tiêu cực tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại Đông Nam Á nói riêng và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung. Vì thế, tìm kiếm giải pháp toàn diện cho vấn đề là nhiệm vụ cấp bách của cộng đồng quốc tế, bao gồm Bộ Tứ.

Cuối cùng, là câu chuyện phân phối vaccine Covid-19. Hồi tháng 2/2020, các ngoại trưởng Bộ Tứ đã nhất trí về đẩy mạnh hợp tác trong sản xuất vaccine Covid-19, đảm bảo các nước đang phát triển được tiếp cận nguồn vaccine một cách công bằng. Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp và câu chuyện sản xuất, phân phối vaccine trở thành quan tâm chung, vấn đề này nhiều khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện tại thượng đỉnh "Bộ Tứ" lần này.

Ngoài ra, tình hình Triều Tiên cũng có thể được Tổng thống Mỹ Biden chia sẻ lập trường tại cuộc họp. Dự kiến, cuộc họp thượng đỉnh nhóm "Bộ Tứ" kéo dài trong vòng 2 giờ, đặt nền móng cho một cuộc gặp trực tiếp của các nhà lãnh đạo vào cuối năm nay.

Phát biểu trước thềm cuộc họp, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết: “Đã có các cuộc họp của nhóm Bộ Tứ ở cấp bộ trưởng. Tuy nhiên, đây là cuộc họp ở cấp cao nhất cho thấy một cấp độ hợp tác hoàn toàn mới để tạo ra một mỏ neo mới cho hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hợp tác với các đối tác quan trọng khác trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia ASEAN”.

“Bộ tứ” hình thành năm 2007 dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama với 4 quốc gia thành viên là Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nhật Bản. Khi mới ra đời, nhóm "Bộ Tứ" hoạt động với mục đích thiết lập một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương, trở thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Tuy nhiên, hoạt động của nhóm “Bộ Tứ” dần chìm xuống sau đó do các thành viên dường như chú trọng hơn hợp tác song phương cùng các đối tác khác ở khu vực để ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Chính vì vậy, việc nhóm “Bộ Tứ kim cương” có hội nghị thượng đỉnh hứa hẹn sẽ trở thành bước ngoặt lịch sử cho sự phát triển của nhóm này./.

Vũ Anh Tuấn/VOV1 (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/thuong-dinh-bo-tu-kim-cuong-tap-trung-vao-nhieu-van-de-nong-trong-khu-vuc-842692.vov