Thượng đỉnh 7 nước Trung Đông: Vị thế mới của Iraq, Syria

Lần đầu tiên, 7 quốc gia Trung Đông nhóm họp tại Iraq để giải quyết hàng loạt mâu thuẫn và mở ra những cơ hội hợp tác mới.

Hội nghị Thượng đỉnh 7 nước này sẽ diễn ra vào ngày 20/4 tại Baghdad do Iraq là người lên ý tưởng và đăng cai tổ chức. Các quốc gia tham gia gồm Iraq, Iran, Kuwait, Arab Saudi, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Những người đứng đầu nghị viện của bảy quốc gia này sẽ là đại diện tham gia chính của Hội nghị Thượng đỉnh Baghdad. Theo thông tin mà Iraq đưa ra, đây là một hội nghị mang tính đột phá và rất khó để có thể mời các quốc gia này ngồi lại với nhau.

Hội nghị Thượng đỉnh lần này đã tạo ra tiếng vang trong khu vực và có giá trị tích cực với nhiều quốc gia tham gia. Đầu tiên phải kể đến vị trí của nước chủ nhà - Iraq. Có thể thấy 6 nước còn lại đều có đường biên giới chung với Iraq.

Khi tổ chức được Hội nghị Thượng đỉnh 7 bên, đây sẽ là bước đột phá trong vấn đề ngoại giao của khu vực trung tâm Trung Đông này. Và Baghdad kỳ vọng, với nỗ lực của mình, họ có thể duy trì hội nghị Thượng đỉnh này theo hình thức thường niên hoặc có thời hạn để đảm bảo các quốc gia này có một kênh đối thoại thường xuyên hơn cho việc giải quyết các mâu thuẫn của mình.

Khu vực 7 nước tham gia hội nghị Thượng đỉnh với trung tâm là Iraq

Khu vực 7 nước tham gia hội nghị Thượng đỉnh với trung tâm là Iraq

Những nỗ lực của Iraq cho thấy họ có quyết tâm trong việc duy trì một khu vực ổn định, hòa giải và thể hiện vai trò trung tâm của quốc gia này trong các vấn đề của khu vực.

Tiếp đến, bước đột biến tiếp theo được dành cho Syria. Đây là thượng đỉnh đầu tiên Damascus tham gia mà không liên quan trực tiếp đến những vấn đề hỗn loạn đang xảy ra ở quốc gia của họ. Đáng chú ý, Syria đã chấp nhận ngồi cùng với Arab Saudi, một đồng minh thân cận của Mỹ và đối thủ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Tín hiệu này cho thấy các quốc gia láng giềng của Syria cũng đã thừa nhận Assad không phải "Must Go" như khẩu hiệu mà Mỹ đề ra. Đây sẽ là bước đột phá để Liên minh Ả Rập phải nhìn nhận và chấp nhận sự thật về chính quyền Assad hợp pháp, hợp hiến.

Hơn nữa, hội nghị Thượng đỉnh này sẽ chứng kiến hai kẻ thù lớn trong khu vực ngồi vào bàn tròn: Iran và Arab Saudi. Hai quốc gia này có mâu thuẫn lớn và đọ sức với nhau trong một loạt các hoạt động ủy nhiệm, đáng kể trong đó là cuộc chiến tranh tại Yemen.

Ngoài ra, Arab Saudi không giấu ý định hỗ trợ Mỹ trong các biện pháp trừng phạt Iran. Riyadh và Tehran liên tiếp có những căng thẳng xung quanh khu vực Vịnh Ba Tư.

Đáng chú ý nhất trong nội dung hội nghị Thượng đỉnh này, Iran và Syria sẽ xúc tiến kế hoạch nối lại đường cao tốc quốc tế Tehran - Damascus thông qua lãnh thổ của Iraq. Nếu kế hoạch này thành công sẽ là đòn đánh chiến lược làm đổ vỡ kế hoạch cô lập năng lượng Iran và Syria của Mỹ.

Hiện tại, Mỹ vẫn đang áp đặt các biện pháp trừng phạt vào chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và Iran. Vì thế, các tàu chở dầu của Iran muốn cập bến Syria sẽ phải đi kênh đào Suez, tiến vào Địa Trung Hải và cập cảng Thổ Nhĩ Kỳ (Thổ Nhĩ Kỳ được miễn trừ trừng phạt).

Tổng thống Assad trong một chuyến thăm tới Iran và gặp mặt Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei

Sau đó, hàng hóa, nhiên liệu được vận chuyển theo đường bộ đến các điểm của Syria thông qua biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu trực tiếp cập cảng Syria, các tàu của Iran sẽ bị chặn lại ở Kênh Suez theo một thỏa thuận của Ai Cập và Mỹ.

Cả Syria và Iran đều phải trả cho Thổ Nhĩ Kỳ một khoản phí trung chuyển khá lớn và làm tác động đến giá cả của các chuyến hàng. Đổi lại, để chứng minh thiện chí hỗ trợ chính quyền Assad, Iran chấp nhận giảm giá bán nhiên liệu của họ cho Syria và có nhiều đơn hàng được liệt vào diện cho vay vô thời hạn hoặc viện trợ.

Như vậy, trong trường hợp tuyến đường cao tốc quốc tế Iran-Syria được nối lại, thế kìm kẹp của Mỹ sẽ được phá vỡ và Syria không còn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng của họ.

Tuy nhiên, sẽ còn nhiều rào cản khi Thổ Nhĩ Kỳ mất đi phần lợi nhuận trung chuyển, hoặc Mỹ sẽ gia tăng sức ép vào chính quyền Baghdad. Thậm chí, họ có thể lợi dụng lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đang chiếm đóng miền Đông - vùng biên giới với Iraq để phong tỏa tuyến đường này.

Chưa có gì khẳng định Thượng đỉnh 7 nước Trung Đông sẽ có một thỏa thuận chung, nhưng đây là tín hiệu rất tích cực, cho thấy các quốc gia Trung Đông đang cùng định hướng giải quyết các mâu thuẫn bằng biện pháp đàm phán, hòa giải.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/thuong-dinh-7-nuoc-trung-dong-vi-the-moi-cua-iraq-syria-3378541/