Thượng điền hay hạ điền?

Hiện nay hầu hết các sách khảo cứu về đình Nam Bộ đều gọi lễ đầu năm là Hạ điền, lễ cuối năm là Thượng điền. Bởi vì họ hiểu: Khi bắt đầu vụ mùa thì nông dân phải bước chân xuống ruộng ('hạ điền') để làm ruộng, còn khi đã thu hoạch xong thì nông dân bước chân lên bờ ('thượng điền') để nghỉ ngơi.

Võ ca và chánh điện đình Hòa Mĩ, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Lê Công Lý).

Võ ca và chánh điện đình Hòa Mĩ, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Lê Công Lý).

1. Tuy không hoàn toàn đồng loạt, nhưng phần lớn các đình làng Nam Bộ đều có hai đợt cúng trong năm: Lễ cúng đầu năm (tính theo âm lịch) hướng đến cầu cúng các vị thần như Thần Nông, Hậu tắc (thần Lúa), Vũ sư (thần Mưa), Phong bá (thần Gió), Điển di (thần Sấm)…

Hiện nay hầu hết các sách khảo cứu về đình Nam Bộ đều gọi lễ đầu năm là Hạ điền, lễ cuối năm là Thượng điền. Bởi vì họ hiểu: Khi bắt đầu vụ mùa thì nông dân phải bước chân xuống ruộng (“hạ điền”) để làm ruộng, còn khi đã thu hoạch xong thì nông dân bước chân lên bờ (“thượng điền”) để nghỉ ngơi.

Tương tự như vậy, hầu hết các từ điển hiện nay đều giải thích theo kiểu: Hạ điền là đầu vụ, Thượng điền là cuối vụ. Gọi tên như vậy kể ra quá dễ hiểu, nên được đa số theo.

Duy chỉ có Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giải thích ngược lại: “Thượng điền上田: Đám ruộng tốt nhất, khác với trung - điền, hạ - điền; Tục lệ nhà nông khi bắt đầu ra làm ruộng, mỗi năm có lệ tế Thần - nông, tế xong mới rủ nhau ra cày ruộng, gọi là lễ Thượng - điền”.

2. Theo cách hiểu trên, ở Nam Bộ hiện nay vẫn còn một số đình làng tổ chức cúng Thượng điền vào đầu vụ mùa (tức đầu năm) và Hạ điền vào cuối vụ mùa (tức cuối năm), nghĩa là gọi tên hai lễ này theo cách ngược với phần lớn các đình còn lại. Thí dụ như:

- Tỉnh An Giang: đình Đa Phước (xã Đa Phước, huyện An Phú), đình Ba Chúc (xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn).

- TP Cần Thơ: đình Bình Thủy (phường Bình Thủy, quận Bình Thủy), đình Thạnh Hòa (phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt), đình Tân An (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều).

- Tỉnh Đồng Tháp: đình An Long, xã An Long, huyện Tam Nông.

- Tỉnh Tiền Giang: đình Bình Đăng ở ấp Bình Phú Quới, đình Hưng Ngãi ở ấp Hưng Ngãi (xã Đăng Hưng Phước huyện Chợ Gạo), đình Tân Đông (xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông), đình Tân Lí Tây (xã Tân Lí Tây, huyện Châu Thành), đình Tân Hội Tây (xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước).

- Tỉnh Hậu Giang: đình Long Bình (khu vực Bình An, phường Bình Thạnh, TX Long Mỹ).

- Tỉnh Long An: đình Bình Hạp (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành), đình Lộc Giang (xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa).

Vậy cách gọi tưởng chừng như cá biệt này xuất phát từ đâu?

Việt Nam là nước nông nghiệp nên phần lớn các lễ hội cũng đều là lễ hội nông nghiệp. Trong số các lễ hội nông nghiệp, không gì quan trọng hơn lễ Thượng điền và Hạ điền, vì nó đánh dấu hai giai đoạn quan trọng của mùa vụ: giai đoạn khởi đầu và giai đoạn kết thúc. Hai kì lễ lớn nói trên tương ứng với hai kì lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer: lễ Tết Năm mới (Bund Chol Chnam Thmay) vào giữa tháng 4 dương lịch và lễ Đút cốm dẹp (Ok-om-bok) vào rằm tháng 10 âm lịch.
Người xưa, cả ở Trung Quốc và Việt Nam, đều định vị thời gian theo trục thượng - trung - hạ, chẳng hạn: thượng nguyên (âm Nam Bộ là “nguơn”) – trung nguyên - hạ nguyên là ba ngày rằm lớn trong năm (rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, rằm tháng Mười); thượng tuần - trung tuần - hạ tuần hay thượng hoán - trung hoán - hạ hoán là mười ngày đầu tháng, mười ngày giữa tháng và mười ngày cuối tháng; mạnh - trọng - quý là tháng đầu mùa, tháng giữa mùa và tháng cuối mùa, v.v... Theo đó, thượng (hay mạnh) là khởi đầu, trung (hay trọng) là giữa, hạ (hay quý) là cuối.

Hiểu như vậy, đầu mùa vụ phải gọi là lễ Thượng điền và cuối mùa vụ gọi là lễ Hạ điền thì mới phù hợp với quan niệm về trục thời gian của người Việt.

Hơn nữa, xét về mặt không gian, nguồn gốc của người Việt là từ trên vùng cao, nên có truyền thống làm ruộng trên, tức ruộng rẫy hay sơn điền; còn loại ruộng trũng ứ nước gọi là thảo điền hay thổ trạch chỉ phổ biến ở vùng đất mới Nam Bộ. Do đó, theo truyền thống, đầu năm người ta quan tâm trước hết đến sơn điền, nên làm lễ cúng Khai sơn (còn gọi là lễ Khai hạ hay Hạ nêu) để xin thần linh cho phép bắt đầu vụ mùa mới. Do truyền thống canh tác ruộng cao đó nên người Việt gọi Thượng điền (lên ruộng) tức là bắt đầu vụ mùa, và khi kết thúc vụ mùa thì đương nhiên phải Hạ điền.

Vả lại, nếu kết thúc vụ mùa mà gọi là thượng điền, hiểu là bước chân lên khỏi ruộng thì thật vô lí. Bởi vì, cấu trúc ngữ pháp của cụm từ Hán Việt này là động từ chỉ hướng + đích đến (như: thượng sơn/ thướng sơn/ lên núi; thượng lâu/ thướng lâu/ lên lầu; thượng đường/ thướng đường/ lên thềm nhà, v.v...) chứ không có cấu trúc ngữ pháp nào gồm động từ chỉ hướng + khởi điểm kiểu như thượng điền (lên khỏi ruộng) như vậy. Nói cách khác, trong cụm từ thượng điền thì điền phải là đích đến chứ không phải nguồn.

Do đó, cụm từ thượng điền cần được hiểu theo cấu trúc động từ chỉ hướng + đích đến, nghĩa là bước chân lên ruộng chứ không phải bước lên khỏi ruộng như phần lớn các đình ở Nam Bộ xưa nay hiểu.

Mặt khác, về mặt tâm thức, đầu vụ mùa là thời điểm nông dân hướng đến các thần linh thuộc cõi trên như các vị thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp. Chính vì vậy mà trong lễ Tết Năm mới của người Khmer có nghi thức đắp núi cát để cầu mưa. Đồng thời, bài ca dao “Người ta đi cấy lấy công” của người Việt cũng cho thấy mối bận tâm lớn nhất của nông dân vào đầu vụ vẫn là các thế lực thuộc cõi trên:

Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió,
trông ngày, trông đêm...

Cho đến cuối vụ mùa thì nông dân lại chủ yếu quan tâm đến tầng dưới như: năng suất lúa, chuột bọ phá hại và mực nước rút nhanh hay chậm để tiến hành thu hoạch lúa mùa. Vì vậy mà trong lễ hội Ok-om-bok của người Khmer vào rằm tháng 10 có nhiều nghi thức tiễn nước như: đua ghe Ngo, thả hoa đăng…

Lịch cúng đình Tân Lí Tây (xã Tân Lí Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). (Ảnh: Lê Công Lý).

3. Như vậy, Thượng điền hay Hạ điền mang nghĩa tượng trưng cho hai thời điểm khởi đầu và kết thúc và theo trục thời gian thượng - trung - hạ, chứ không phải mang nghĩa cụ thể là bước chân xuống ruộng hay bước chân lên khỏi ruộng như hầu hết các đình làng Nam Bộ hiện nay hiểu.

Hơn nữa, cư dân nông nghiệp vốn tôn thờ tự nhiên (mà trước hết là Thần Nông, tức ông thần bảo hộ đám ruộng của mình), nên trong tâm thức phải lấy đám ruộng và Thần Nông làm trung tâm của hệ quy chiếu và đặt lên trên. Do đó mà khởi đầu vụ mùa nông dân phải lên ruộng/ thượng điền và khi kết thúc vụ mùa thì mới hạ điền. Còn nếu nói ngược lại (hạ điền trước rồi thượng điền sau) tức là con người lấy mình làm trung tâm trong mối quan hệ với thiên nhiên và Thần (tức cho rằng mình ở vị trí cao hơn đám ruộng). Do đó, hai cách gọi tên lễ Thượng điền, Hạ điền nói trên thể hiện hai tâm thức đối nghịch nhau chứ không chỉ đơn thuần là hai góc nhìn của chủ thể.

Sự băn khoăn trước tình trạng thay chủ đổi ngôi đó đã được thể hiện ngay trong việc lấn cấn trong cách gọi tên hai lễ này ở một số ngôi đình. Chẳng hạn: đình Tân Lí Tây gần đây đã bôi sửa hoán đổi tên gọi lễ Thượng điền, Hạ điền trên tấm bảng ghi lịch cúng.

4. Về mặt nghi thức, lễ cúng Thượng điền (đầu năm) và Hạ điền (cuối năm) cũng tương tự nhau. Có điều, lễ Thượng điền diễn ra đầu năm nên thường được phối hợp với lễ Kì yên (Cầu an) nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa để thuận lợi cho vụ mùa sắp bắt đầu. Bởi tính chất quan trọng đó nên lễ Thượng điền thường được tổ chức lớn hơn lễ Hạ điền. Chẳng hạn, lễ Kì yên phối hợp Thượng điền ở đình Thạnh Hòa (phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) vào ngày 21/4 âm lịch gồm có các nghi thức chính: lễ cúng Tiên sư, lễ tế Thần Nông, lễ Xây chầu và lễ Chánh tế (xem hình 2). Lễ Hạ điền do tổ chức vào cuối vụ mùa, tức cuối năm, lúc lúa chuẩn bị thu hoạch nên thường được phối hợp với lễ Cầu bông, tức cầu cho mùa vụ đạt năng suất cao và không bị chim thú phá hại.

Như vậy, lễ Thượng điền và Hạ điền là hai nghi thức đánh dấu điểm đầu và điểm cuối của một vụ mùa truyền thống và cũng là một năm lao động trong nền văn hóa nông nghiệp. Do đó, thiết nghĩ hai nghi thức này cũng cần được gọi tên theo trình tự truyền thống (Thượng điền trước, Hạ điền sau), tương ứng với trình tự thời gian thượng – trung – hạ của lịch trình nghi lễ nói chung của Việt Nam.

* Thạc sĩ Văn hóa học Lê Công Lý sinh năm 1981, tại Tiền Giang, nghiên cứu viên Ban Nghiên cứu Chính sách Văn hóa Nghệ thuật Nam Bộ, Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại TP HCM. Anh là tác giả của nhiều bài viết nghiên cứu, đề tài khoa học về văn hóa Nam Bộ từng đạt giải Nhì cuộc thi viết về “Kênh Xáng Chợ Gạo - con đường nông sản miền Tây” do UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức trong khuôn khổ Festival Trái cây Việt Nam lần I, 2010; giải Nhất cuộc thi viết về “Bãi Xàu – Thương cảng quốc tế xưa và nay” do UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức, trong khuôn khổ Festival Lúa gạo Việt Nam lần II, 2011; Giải 3A (đồng tác giả), Giải thưởng thường niên của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, 2013.

Nhà nghiên cứu Lê Công Lý

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/thuong-dienhay-ha-dien-tintuc438678