Thương đến giọt cuối cùng

Tham quan Đại Nội (Huế), chúng tôi rất ấn tượng với một đôi vợ chồng người Pháp. Ông bà chừng 70 đến 75 tuổi. Hồi trẻ chắc họ đẹp lắm, vì đến giờ nét vẫn đẹp, xứng đôi.

Ảnh minh họa: Đ.N

Bà có vẻ yếu hơn ông, đi bộ khó nhọc, phải vịn vào tay chồng, bà hớn hở ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, vừa đi họ vừa nói chuyện với nhau dịu dàng. Ông đeo túi của bà lên vai, tay cầm cái dù, tay kia ông để bà níu, dẫn bà đi, nương nhẹ từng bước. Mà ông cũng bước khập khiễng, chứng đau chân của tuổi già.

Tôi đi sau, như bị hút vào ông bà, nhìn họ thương thương làm sao. Khi nào bà mệt, ông lại tìm ghế hai người ngồi nghỉ chân. Ngắm họ, tôi hình dung ngày trẻ, đôi uyên ương hẳn là cùng nhau đi đó đây, về già, những chuyến đi ở tuổi này có một ý nghĩa khác. Chúng mình vẫn còn bên nhau đây, lại cùng đồng hành những chuyến đi cuối cuộc đời. Tình yêu thương, sự chia sẻ còn hiển hiện ở từng bước đi khập khiểng khó nhọc. Mà phải tình nghĩa nhiều, yêu thương lắm mới còn dìu nhau, nương nhau ở cuối con đường này.

Đi một đỗi lại thấy một cặp đôi chừng 60 tuổi. Anh cao lớn bên chị nhỏ nhắn, dịu dàng. Vừa đi họ vừa chuyện trò, thỉnh thoảng anh lại chụp ảnh chị, người đàn bà cười tươi, duyên dáng trong chiếc áo đầm thanh thoát. Tôi lại gần, ngỏ ý chụp dùm họ bức ảnh hai vợ chồng. Anh chị vui mừng cảm ơn, bảo cũng muốn nhờ ai đó chụp dùm tấm ảnh chung, mà ngại làm phiền. Anh vòng tay quàng sau lưng chị, chị nhẹ nhàng ghé đầu dựa vai anh. Không cần nhiều lời, hình ảnh ấy đủ để thấy tình cảm gắn bó giữa họ. Không hẳn ôm nhau hay nắm tay "diễn" là ra yêu thương.

Ở tuối xế bóng chiều hôm, còn đi đây đó với nhau, cùng nhìn ngắm cái hay cái đẹp, thưởng thức những giây phút thảnh thơi an nhàn bên nhau sau một đời bận rộn với sự nghiệp, cơm áo gạo tiền, chăm lo gia đình... không còn gì thú vị hơn. Trước câu trêu đùa của tôi "Nhìn anh chị tình tứ, ngỡ như hai người là tình nhân ấy", người đàn ông cười: "Thì chúng tôi vẫn là vợ chồng-tình nhân đấy thôi. Lúc còn trẻ, bận rộn với công việc, tôi ít có thời gian dành cho vợ con. Nay vừa về hưu, các con đã trưởng thành, tôi mới có thời gian đưa bà xã đi chơi đó đây. Rút kinh nghiệm, tôi sẽ khuyên các con dù bận rộn gì cũng nên dành thời gian cho gia đình, cùng nhau đi chơi với các con. Tình cảm gia đình qua những chuyến đi thêm gắn bó, vui vẻ!".

Các cô bạn của tôi bàn tán chuyện "đi chơi với chồng", cô thì thích đi chơi xa với chồng con, nhưng chồng cô lại "lười", chỉ thích ở nhà những dịp cuối tuần, lễ tết. Cô khác lại thích thỉnh thoảng "bỏ" chồng con ở nhà, đi chơi với bạn bè để thật sự nghỉ ngơi, vui chơi "xả ga", cũng là cách nạp thêm năng lượng cho những chuỗi ngày sống mới. Bởi vì kiểu gì thì dù ở nhà hay đi chơi xa cùng chồng con, người vợ, người mẹ đều "vất vả" chăm lo cho gia đình, chú ý vấn đề ăn uống, quần áo, vui chơi của các thành viên. Sau chuyến đi còn mệt hơn cả không đi.

Nhưng bù lại, vợ chồng con cái quây quần, vui vẻ bên nhau vui chơi, nghỉ ngơi. Lý tưởng nhất là các gia đình thỉnh thoảng tổ chức đi chơi cùng nhau, cho con cái, các ông chồng được gặp gỡ, vui chơi cùng nhau, góp phần thay đổi không khí, mà các bà cũng được dịp nghỉ ngơi, "tám chuyện" thoải mái.

Rồi các cô lại tư lự, đi chơi một mình hay tập thể các gia đình thì dễ rồi, nhưng mười cặp vợ chồng, có được mấy cặp đến già vẫn còn muốn sóng đôi, xuất hiện bên nhau ngoài xã hội, còn đủ tình cảm và hứng thú đi du lịch cùng nhau? Điều ấy không phụ thuộc vào "ý chí", nó phải được vun đắp và nuôi dưỡng trong cuộc sống hàng ngày, lớn lên mỗi ngày.

Yêu, say mê nhau khi còn trẻ, đẹp cũng thường thôi. Yêu đến giọt cuối cùng của ly rượu đời người, đến khi già, yếu, xấu xí, mới thật phi thường. Còn nâng đỡ, còn gượng nhẹ, còn xót xa nhau khi tuổi chiều bóng xế mới yêu thương thật sự.

MAI HẠNH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/chuyen-doc-duong/thuong-den-giot-cuoi-cung-603618.ldo