Thương con nuôi như con ruột

Vừa tới cổng Đồn Biên phòng Phó Bảng, BĐBP Hà Giang, tôi bắt gặp 3 cô bé người Mông dắt nhau đi vào đồn. Quá đỗi ngạc nhiên, tôi hỏi luôn người cán bộ Biên phòng vừa từ trong đồn đi ra: '3 cô bé vừa đi vào trong là con cán bộ trong đồn?'. 'Từ từ rồi chị sẽ biết' - Người cán bộ Biên phòng cười, đáp lời tôi một cách bí ẩn.

Cô út Vàng Thị Chở nhổ tóc sâu cho bố nuôi mỗi lúc rảnh rỗi. Ảnh: Thu Hằng

Cô út Vàng Thị Chở nhổ tóc sâu cho bố nuôi mỗi lúc rảnh rỗi. Ảnh: Thu Hằng

Giữa sân đồn, những người lính Biên phòng đang chơi bóng chuyền. Không khí sôi nổi và hào hứng. Giữa khung cảnh ấy, 3 cô bé ngồi quây quần bên những người lính, làm khán giả cổ vũ cho người chơi trong sân.

Đến khi ăn cơm tối, tôi mới biết 3 cô bé là chị em ruột được Đồn Biên phòng Phó Bảng nhận về nuôi từ năm 2016. Những người lính Biên phòng chăm chút, ân cần với các cô bé như đối với con ruột của mình. “Đây là chị cả Vàng Thị Chá, 15 tuổi, thứ hai là Vàng Thị Sáu, 12 tuổi, còn cô út là Vàng Thị Chở, 10 tuổi, nhà ở thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn” – Một người lính giới thiệu về những cô con nuôi của đồn với tôi.

Những người lính Biên phòng Phó Bảng bảo rằng hoàn cảnh của các cháu vô cùng éo le. Năm 2014, cha của 3 chị em Chá bị bệnh qua đời. Không lâu sau đó, người mẹ bỏ mặc 3 con sang Trung Quốc lấy chồng. 3 chị em Chá được bác ruột đưa về nhà nuôi. Gia cảnh của người bác thuộc diện nghèo bền vững, lại nuôi thêm cả mẹ già nữa nên cuộc sống chồng chất khó khăn. Thiếu ăn, thiếu mặc khiến cho chị em Chá lúc nào cũng còm nhom, ốm yếu.

Hoàn cảnh đáng thương của 3 cháu nhỏ đã chạm tới lòng trắc ẩn của những người lính Biên phòng Phó Bảng. Họ bàn bạc và thống nhất đưa cả 3 chị em về đơn vị nuôi dưỡng. Sau nhiều lần vận động, thuyết phục, người bác và bà của chị em Chá đã đồng ý. Từ đó, những người lính Biên phòng Phó Bảng có 3 người con nuôi.

Những người cha nuôi mang quân hàm xanh dành hẳn một căn phòng có nhà vệ sinh phía sau cho 3 chị em Chá ở. Tất cả đồ dùng của các em từ quần áo, chăn màn tới sách vở đều do tự tay họ sắm sửa. Không kể dịp nghỉ hè, nghỉ Tết, thỉnh thoảng, cán bộ Đồn Phó Bảng lại đưa các em về thôn Sà Phìn A thăm bà và hai bác. Trong 3 chị em thì cô em út khiến những người bố nuôi vất vả nhất vì hay ốm.

Những ông bố ở Phó Bảng không vì thế mà nản lòng. Họ dành nhiều tình thương yêu hơn cho những đứa con nuôi của mình. Ai đi công tác hay nghỉ phép về quê lên đều mang theo những món quà nho nhỏ cho chị em Chá. Cách đây không lâu, cả 3 chị em đã có một trải nghiệm vui vẻ khi được những người bố nuôi đưa về Hà Nội đi viếng Lăng Bác, tham quan hồ Hoàn Kiếm...

Sau một thời gian được những người bố quân hàm xanh nuôi nấng, chăm sóc, cả 3 chị em đều thay da đổi thịt. Cả 3 chị em đều lớn phổng phao, đặc biệt, đều mạnh dạn, tự tin hơn nhiều so với khi mới được đón về đơn vị. Năm học vừa rồi, Chá còn đạt giải Ba huyện Đồng Văn cuộc thi học sinh giỏi môn Văn. Chá tâm sự: “Hồi ở nhà bác, cháu vừa đi học, vừa phải đi cắt cỏ, chăn trâu. Từ ngày về đây, chị em cháu lúc nào cũng được no ấm, cũng không phải làm việc gì, chỉ học thôi”.

Cũng với tình thương của một người cha dành cho con, cán bộ Đồn Biên phòng Y Tý, BĐBP Lào Cai đã đón Sò Giá Suy và Có Hờ Xe, người dân tộc Hà Nhì về nuôi dưỡng tại đơn vị. Cả hai cậu học trò đều có hoàn cảnh khó khăn. Mẹ bỏ đi, Suy ở với người bố mà ngày ốm nhiều hơn ngày khỏe. Còn Xe thì mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 2011, phải sống dựa vào bà nội đã già yếu. Dưới bàn tay chăm sóc của những người lính Đồn Biên phòng Y Tý, cả Suy và Xe đều lớn phổng phao, rèn luyện được ý thức tự giác.

Trong đó, Có Hờ Xe trở thành niềm tự hào của bà nội và những người lính Biên phòng Y Tý bởi thành tích học tập tốt. Năm 2018, Xe đã giành được giải Ba cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp huyện dành cho sáng chế máy thái thịt đông lạnh. Trước đó, năm 2017, em sáng chế máy cắt cỏ và quét mạng nhện và giành giải Khuyến khích. Vừa qua, khi kết thúc năm học, Suy đã xin về ở cùng với bố cho đỡ nhớ. Còn Xe cũng chia tay cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Y Tý để năm học mới bước vào học Trường Dân tộc phổ thông nội trú. Vậy là những người lính Biên phòng Y Tý sẽ phải làm quen với việc thiếu vắng tiếng cười nói của 2 cậu con nuôi của mình.

Không chỉ có Đồn Biên phòng Phó Bảng, Y Tý, một số đồn Biên phòng khác cũng đón các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ... về nuôi dưỡng tại đơn vị. Tất cả các em được nuôi dưỡng tại đồn Biên phòng đều là người dân tộc thiểu số, còn rụt rè, chưa có ý thức tự lập, không nói thạo tiếng Kinh. Bằng trách nhiệm và tình thương yêu, những người lính ở đây đã chăm chút giấc ngủ, bữa ăn và dạy dỗ các em học tập, hướng dẫn từ lời ăn tiếng nói đến vệ sinh cá nhân, rèn luyện thể dục, nâng cao sức khỏe và duy trì nền nếp của đơn vị cho các em.

Thời gian ở Đồn Biên phòng Y Tý, Có Hờ Xe thường xuyên được cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ, chỉ bảo học tập. Ảnh: Thu Hằng

Theo thông tin từ Ban Thanh niên BĐBP, cho tới hết năm học 2018-2019, toàn lực lượng BĐBP đã nhận đỡ đầu 2.546 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới. Tính đến nay, trong số các em được BĐBP đỡ đầu, có 23 em đã đỗ đại học, cao đẳng thuộc các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng... Có 25 em học sinh được nuôi dưỡng tại đồn Biên phòng. Trong đó, BĐBP Lào Cai nuôi 11 em; BĐBP Hà Giang nuôi 8 em; BĐBP Sơn La nuôi 3 em; BĐBP Lai Châu nuôi 2 em; BĐBP Quảng Bình nuôi 1 em.

Tận mắt chứng kiến sự tận tâm chăm sóc của những người lính Biên phòng dành cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, tôi có cảm nhận họ lo lắng, yêu thương những người con nuôi còn hơn cả con đẻ của mình. Chúng tôi càng thấm thía sự gắn bó, gần gũi giữa quân và dân vùng biên ải. Rõ ràng, với những người lính Biên phòng, câu nói “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” không còn là khẩu hiệu nữa mà đã thấm sâu vào từng nhịp đập của trái tim, trở thành “kim chỉ nam” cho mỗi hành động của họ.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thuong-con-nuoi-nhu-con-ruot/