'Thương cho roi cho vọt' và những hậu quả đáng tiếc nhiều cha mẹ Việt mắc phải

Rất nhiều bậc cha mẹ vẫn đang dạy dỗ con theo quan niệm từ ông bà, thế nhưng chính quan niệm đó đã và đang gây nên những hệ lụy, hậu quả đáng tiếc khiến việc bạo hành trẻ đang diễn ra âm thầm trong suốt những năm qua.

Câu chuyện về bức tranh vẽ bàn tay mẹ

Tháng 6 vừa rồi, rất nhiều người đã không khỏi bàng hoàng trước thông tin 2 đứa trẻ bị chính cha ruôt mình đánh đập tàn nhẫn. Theo đó, người gửi đơn tố cáo lên các cơ quan chức năng là bà Trần Thị Phúc (70 tuổi, trú tại quận Đống Đa – Hà Nội), có con gái kết hôn với anh Nguyễn Đức Giáo. Sau khi 2 vợ chồng ly hôn, anh Giáo đã nhận nuôi 2 bé (1 bé sinh năm 2004 và 1 bé sinh năm 2008). Gần 2 năm qua, anh Giáo thuê nhà trọ sống cùng hai con ở phường Phúc Đồng (Long Biên - Hà Nội).

Theo người dân, anh Giáo có cuộc sống hòa nhã, thân thiện với hàng xóm nhưng lại rất hà khắc với con mình. Đỉnh điểm là trưa ngày 1/6, do mắc lỗi trông em không cẩn thận, con gái lớn bị anh Giáo trói tay, sau đó đánh liên tiếp vào người bằng que sắt. Hàng xóm thấy tiếng trẻ gào khóc liền đập cửa can ngăn nhưng anh vẫn tiếp tục đánh đập con. Tiếp đó, người dân đã tố cáo lên cơ quan chức năng.

Đó là một trong hàng trăm vụ bạo hành trẻ em diễn ra suốt thời gian qua. Đặc biệt, tại Việt Nam, 68,4% trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt về thể chất hoặc tinh thần từ các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên con số trên chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm.

Tại cuộc tọa đàm về kỷ luật trẻ – đâu là giới hạn vừa diễn ra tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam (Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội) cho biết, các cha mẹ ở Việt Nam thường đánh con, từ đời ông cha chúng ta đã có quan niệm càng thương càng cho con ăn đòn, muốn con học giỏi, ngoan ngoãn thường dùng roi vọt.

Cha mẹ cần xác định rõ ranh giới giữa giáo dục kỷ luật và bạo hành (ảnh minh họa).

Cục trưởng dẫn chứng: “Câu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, tôi bị một số bạn bè Quốc tế nói lại rằng không vừa lòng với truyền thống của người Việt Nam. Nó có thể là truyền thống của ông bà, cha mẹ chúng ta tuy nhiên các quốc gia khác cũng có truyền thống nhưng lại không như thế”.

Tiếp tục câu chuyện về bạo hành, Cục trưởng nói rõ việc tại sao việc bạo hành trong gia đình hay nhằm đến đối tượng trẻ em: “Vì sao trẻ con lại là đối tượng hứng chịu tất cả những cơn nóng giận trong gia đình từ ông bà, cha mẹ cũng như tất cả những người xung quanh. Bởi khi chúng ta nóng lên thì đối tượng chúng dễ bạo hành nhất là trẻ con. Lúc đó mình làm gì trẻ cũng chịu, nói gì cũng chịu bởi mình là người cho tiền nó đi học, đến trường và nuôi dưỡng trẻ… thì đương nhiên cha mẹ trút vào nó thôi”.

Trong khi đó, ông Steven Foster (Chuyên gia giáo dục Quốc tế) lại cho rằng: “Ranh giới giữa giáo dục và bạo hành thể xác, tinh thần gây ra những hậu quả vô cùng khôn lường cho con trẻ. Nó thay đổi cách mà não bộ của mình vận hành, những đứa trẻ có tiền sử bị bạo hành nhất định, chủ yếu sử dụng phần não để sinh tồn thay vì sử dụng phần não để lý trí và suy nghĩ”.

Đặc biệt, Cục trưởng Đặng Hoa Nam dẫn chứng về một câu chuyện khiến ông vô cùng cảm động và nhớ mãi: “Cách đây không lâu tôi có dự một diễn đàn về trẻ em nói về bạo lực trẻ trong gia đình. Tôi nhớ mãi một cô bé đưa lên cho tất cả mọi người xem một bức tranh vẽ bàn tay, khi chúng tôi hỏi đây là bàn tay của ai, cô bé nói đây là bàn tay của mẹ, bàn tay này nấu cơm cho em ăn, em rất nhớ bàn tay này mỗi tối đi ngủ bàn tay mẹ vỗ lưng, xoa lưng cho em ngủ. Nhưng mà cũng rất nhiều lần chính bàn tay này lại đánh em, đã tát em…

Đấy là cảm xúc rất thật của cô bé, rất tiếc cơ hội của cô bé ấy để nói với cha mẹ gần như không có”.

Bạo hành trẻ về mặt thể xác chỉ có tác dụng ngay tức thì

Tiếp tục câu chuyện ông Steven Foster cho biết: “Việc bạo hành trẻ về mặt thể xác chỉ có tác dụng ngay tức thì tức là các con sợ hãi việc bị đau, sợ hãi việc cha mẹ nên thực hiện việc cha mẹ mong muốn thôi. Nhưng điều tôi muốn là muốn nhiều hơn ở con mình từ những điều đúng đắn, ngay cả khi không một ai khác quan tâm nhìn ngó đến con”.

Bạo hành con về mặt thể xác gây ra những hậu quả vô cùng khôn lường cho con trẻ. Nó thay đổi cách mà não bộ của mình vận hành, những đứa trẻ có tiền sử bị bạo hành nhất định, chủ yếu sử dụng phần não để sinh tồn thay vì sử dụng phần não để lý trí và suy nghĩ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bảo Trọng (Giám đốc học thuật trường mầm non quốc tế Sakura Montessori) chia sẻ: “6 năm đầu đời được xem như nền tảng, tạo dựng nền móng cho cấu trúc về nhân cách sau này của trẻ. Tuy nhiên, người lớn thường có xu hướng kiểm soát thái quá, khi chúng ta không có khả năng điều chỉnh trẻ, chúng ta thường làm trẻ cảm thấy xấu hổ về những hành vi của chúng, khiến chúng có xu hướng nghi ngờ bản thân. Chúng ta cũng thường có xu hướng xét nét những lỗi sai của trẻ theo cách tiêu cực và làm thay cho trẻ những gì chúng có thể làm được”.

Còn ông Hoàng Anh Đức (Giám đôc học thuật trường phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway) lại cho rằng: “Giáo dục là một quá trình và dạy là một thao tác. Nhiều khi phụ huynh và giáo viên đều nôn nóng, muốn quá trình giáo dục được diễn ra nhanh gọn như thao tác dạy. Đó chính là lý do khiến người lớn thường cảm thấy thất vọng về trẻ và ngày càng có những hành vi thúc ép trẻ thay đổi nhanh hơn. Và lạm dụng trẻ sẽ tất yếu xảy ra nếu đứa trẻ không thực hiện đúng như kỳ vọng của người lớn”.

Đinh Hương

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/lam-me/thuong-cho-roi-cho-vot-va-nhung-hau-qua-dang-tiec-nhieu-cha-me-viet-mac-phai-20180813214818974.htm