Thương chiến với Mỹ, người TQ không còn vung tay tiêu tiền như trước

Mức tiêu thụ giảm dần của người dân thành thị Trung Quốc có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế vốn đã tăng trưởng chậm lại vì cuộc chiến thuế quan kéo dài với Mỹ.

Mặc một bộ đồ đen, ngồi sau tay lái chiếc Audi màu trắng ngọc trai, Zhao Na đã đi một chặng đường dài từ quê của cô - vùng nông thôn tỉnh Hà Nam ở miền Trung Trung Quốc.

Nhà kinh doanh bất động sản 29 tuổi vui vẻ thừa nhận cô là người nghiện mua sắm, yêu thích túi xách Louis Vuitton và Prada. Zhao Na là đại diện tiêu biểu cho những người sẵn sàng chi tiền cho những thương hiệu hàng đầu thế giới - những nhãn hàng đang chiếm thị phần hơn 5.000 tỷ USD của thị trường bán lẻ Trung Quốc.

"Khi tôi nổi hứng, tôi rất thích tiêu tiền", Zhao nói. Cô từng chi tới 9.000 USD một lần để sắm một chiếc túi xách trong chuyến đi Paris năm 2017. "Tiêu pha khiến tôi hạnh phúc".

Song, cùng với thực tế rằng nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, việc kinh doanh của Zhao cũng lâm vào bế tắc và thu nhập của cô giảm mạnh, khiến cô phải gác lại niềm hạnh phúc đó.

Zhao Na từng là nhà kinh doanh bất động sản thành đạt. Ảnh: Reuters.

Zhao Na từng là nhà kinh doanh bất động sản thành đạt. Ảnh: Reuters.

Thay đổi thói quen tiêu dùng

Zhao Na phải từ bỏ các chuyến đi mua sắm xa xỉ ở châu Âu cũng như "nói không" với các nhãn hàng mà cô yêu thích ở trung tâm thương mại David Plaza, nơi có những màn hình quảng cáo khổng lồ lấp lánh, tọa lạc tại khu trung tâm Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam.

"Không thể tiêu tiền như mong muốn khiến tôi cảm thấy tệ hại, nhưng tôi không thể làm gì hơn", Zhao nói.

Nền kinh tế Trung Quốc lâm vào suy thoái sau 3 thập kỷ tăng trưởng thần tốc đang khiến những người tiêu dùng như Zhao Na "ngấm đòn".

Hà Nam, cái nôi của nền văn minh Trung Quốc với dân số 100 triệu người, được coi là nơi thử nghiệm tham vọng chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc nhờ thúc đẩy chi tiêu trong nước và nâng cao mức sống người dân.

Theo hàng chục cuộc phỏng vấn với người tiêu dùng và thương nhân trên khắp Hà Nam, cũng như dữ liệu thương mại, người dân trong tỉnh đang chi tiêu ít hơn cho mọi thứ từ xe hơi, đồ gia dụng đến quần áo, mỹ phẩm.

Mức tiêu thụ giảm dần của những người thành thị như Zhao có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, vốn đang ở trong tình trạng “bấp bênh” bởi chiến tranh thương mại với Mỹ. Đây cũng là bài kiểm tra thực tế cho các nhà bán lẻ toàn cầu.

Thương hiệu may mặc Italy Ermenegasy Zegna, thương hiệu trang sức Mỹ Tiffany cũng như hãng Apple đều cảnh báo rằng “người tiêu dùng trên khắp Trung Quốc đang giảm chi tiêu”.

Tuần trước, Trung Quốc đã báo cáo về sự tăng trưởng yếu trong doanh số bán lẻ và lần đầu mức mua sắm quần áo trong một thập kỷ bị giảm.

Sức chi tiêu giảm ở các thành phố nội địa như Trịnh Châu có thể làm lu mờ tham vọng của các nhà bán lẻ toàn cầu vốn đặt hy vọng vào sự phát triển trong tương lai ở các khu vực như tỉnh Hà Nam. Nền kinh tế của Hà Nam phát triển vượt trội hơn cả các tỉnh thành ven biển thịnh vượng nhất của Trung Quốc.

Ánh đèn neon với tên các thương hiệu nổi tiếng bừng sáng tại trung tâm thương mại David Plaza, ở trung tâm Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam. Ảnh: Reuters.

Trịnh Châu “hóa rồng”

Từ lâu, Trịnh Châu đã được biết đến như một thủ phủ nghèo nàn của tỉnh Hà Nam, nhưng đã “vươn mình” mạnh mẽ trong những năm gần đây, trở thành một thành phố sầm uất với đường chân trời lấp lánh ánh đèn neon và những trung tâm thời trang đáng kinh ngạc.

Thành phố 10 triệu người này là điểm nút giao thông quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, nơi giao nhau của tuyến đường sắt đến Trung Á và châu Âu, với hệ thống đường cao tốc tỏa đến Bắc Kinh và Thượng Hải.

Nhà sản xuất linh kiện điện tử Đài Loan Foxconn đã xây dựng một nhà máy iPhone khổng lồ tại thành phố này với 230.000 nhân công.

Những người trẻ tuổi nhiều tham vọng thường trốn khỏi Hà Nam để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở nơi khác. Song Trịnh Châu giờ đây với họ trở thành khát vọng về một cuộc sống trung lưu: kiếm được nhiều tiền hơn, sở hữu căn nhà hiện đại và là “thiên đường mua sắm” cho người tiêu dùng.

Đối với những người như Zhao, Trịnh Châu là một nơi đáng sống.

Hà Nam từng là một tỉnh nghèo nàn của Trung Quốc nay đã vươn lên "hóa rồng". Ảnh: Reuters.

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở vùng nông thôn Hà Nam, là con út trong gia đình, Zhao từ nhỏ đã mơ ước một ngày có thể thoát khỏi ngôi làng nghèo khó của mình. Cô học hành giỏi giang ở trường, thi đỗ vào đại học ở Trịnh Châu, nơi sau này cô phát hiện ra khả năng kinh doanh của mình.

Cô tìm hiểu thị trường bất động sản và tham gia vào các dự án, nhận mua sắm quần áo và túi xách cho những khách hàng thượng lưu. Chẳng mấy chốc, cô đã có thể hưởng thụ lối sống xa hoa đó khi bắt đầu kiếm được những khoản hoa hồng béo bở từ việc bán các căn hộ cao cấp ở Trịnh Đông Tân Khu, khu trung tâm thương mại với những khách sạn sang trọng và cao ốc văn phòng mọc lên như nấm trên vùng đất nông nghiệp trước đó.

Cô trở thành khách hàng thường xuyên tại các cửa hàng cao cấp tại David Plaza, sở hữu một xe hơi và hai ngôi nhà. Tuy nhiên, cùng với hoa hồng từ doanh thu bất động sản, số nợ trong thẻ tín dụng của Zhao cũng tăng theo. Cô nợ khoảng 200.000 nhân dân tệ (gần 29.000 USD) ngoài các khoản nợ cố định hàng tháng.

Khi cơn sốt bất động sản Trịnh Châu đóng băng vào năm ngoái, doanh số cùng với hoa hồng của Zhao giảm mạnh. Điều đó cũng đặt dấu chấm hết cho việc vung tay mua sắm của cô.

Zhao không phải tín đồ mua sắm duy nhất chịu số phận này. Theo hãng nghiên cứu Nielsen, người tiêu dùng ở các thành phố như Trịnh Châu đã giảm chi tiêu sau khi đạt mức cao nhất trong ít nhất 9 năm vào năm 2017. Tăng trưởng doanh số bán lẻ tại Trịnh Châu lần đầu tiên giảm xuống một con số vào năm ngoái sau gần 20 năm.

Tại hai trung tâm thương mại ở trung tâm Trịnh Châu, các nhãn hàng mỹ phẩm như Kiehl và Clinique cho biết khách hàng đang chi tiêu dè dặt hơn.

“Họ đã từng mua rất nhiều và vung tiền một cách khá bất cẩn”, ông Li Mengru, giám đốc kinh doanh mỹ phẩm tại trung tâm thương mại Dennis, người giám sát các thương hiệu Chanel, Dior và Estee Lauder, cho biết. “Bây giờ họ kén chọn hơn khi phải tính toán chi tiêu cẩn thận”.

Một người chuyển hàng đang cố tìm cách băng qua con đường nhiều ôtô bên ngoài một chợ bán buôn ở trung tâm Trịnh Châu, Hà Nam. Ảnh: Reuters.

"Gồng mình” cứu vớt làn sóng chi tiêu giảm

Nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi trong quý đầu tiên năm nay, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng hơn mong đợi của các nhà phân tích.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại với Mỹ chưa có dấu hiệu thoái lui. Các nhà máy đang hoạt động chậm chạp, làm chậm lại nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc trên toàn cầu.

Bắc Kinh đang nỗ lực khắc phục các hậu quả như hạn chế tín dụng và nợ có rủi ro để giảm bong bóng đầu cơ. Người dân Trung Quốc sẽ không thể kiếm tiền dễ dàng như trước.

Các nhà phân tích cho rằng những yếu tố này có thể cân bằng lại mức chi tiêu của người tiêu dùng.

Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp để thúc đẩy chi tiêu như bản kế hoạch vào tháng 1 để trợ giá cho người mua ôtô, ngành công nghiệp chứng kiến doanh số giảm lần đầu tiên vào năm ngoái sau hai thập kỷ.

Chính phủ cũng đã tìm cách tăng mức thu nhập cá nhân bằng cách giảm gánh nặng thuế thu nhập.

Song sự hỗ trợ của chính phủ cũng không thể bù đắp cho lòng tin giảm sút vì thu nhập giảm xuống còn nợ lại tăng lên, theo giới phân tích.

Trong bối cảnh đó, không phải toàn bộ người tiêu dùng đều ngừng mua sắm. Một buổi chiều gần đây, David Plaza vẫn rất đông người đến mua những mẫu son môi mới nhất và nhấm nháp latte trong các quán cà phê.

Song Zhao không nằm trong số đó.

Nhìn vào khoản cầm cố phải trả trong gần 30 năm trước mắt cô, cũng như tiền nợ mua xe vẫn cần phải trả, cô nói phải mất thêm thời gian để cô có thể quay lại các trung tâm thương mại và mua sắm.

"Thu nhập giảm, tôi phải tiết kiệm từng đồng", Zhao nói. "Mua sắm xa xỉ không cần thiết giờ phải bỏ đi thôi".

Hà Lan
Theo Reuters

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thuong-chien-voi-my-nguoi-tq-khong-con-vung-tay-tieu-tien-nhu-truoc-post948914.html