Thương chiến Mỹ - Trung: Việt Nam có thể chủ động… hưởng lợi?

Các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư hay di chuyển nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam có thể mới chỉ là một nửa niềm vui…

Thêm nhiều tín hiệu không mấy tích cực trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Sau khi Mỹ chính thức quyết định áp thuế thêm 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc từ ngày 10/5, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng và họ không đời nào chấp nhận nuốt trái đắng làm tổn hại ích cốt lõi của mình. Trong một động thái mới nhất, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế từ 5% - 25% lên khoảng 5000 sản phẩm đến từ Mỹ với giá trị ước tính 60 tỷ USD bắt đầu từ 1/6, đúng như những gì họ từng nói.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể diễn ra bên lề Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng 6/2019, tuy nhiên chưa có cơ sở để đưa ra những dự đoán khả quan. Điều chắc chắn nhất là khi các ông lớn thương mại đụng độ, các nền kinh tế trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang trong giai đoạn căng thẳng nhất từ trước tới nay.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang trong giai đoạn căng thẳng nhất từ trước tới nay.

May thay, Việt Nam đang ở trong một tình thế lạc quan. Báo cáo của các tổ chức kinh tế, tài chính trên thế giới đều nhận định, Việt Nam có cơ hội hưởng lợi cao nhất trong rủi ro chung của nền kinh tế toàn thế giới. Diễn biến mới đây cho thấy, Việt Nam là lựa chọn hấp dẫn khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn rời khỏi Trung Quốc, tránh chịu vạ lây từ cuộc đụng độ giữa hai ông lớn. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói thẳng, nỗi sợ của Trung Quốc là việc khách hàng chọn mua của nước khác, còn các công ty thì chuyển sản xuất về Việt Nam và các nước khác.

Ở một chiều kích khác, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019 ghi nhận dấu ấn đặc biệt của các nhà đầu tư Trung Quốc (Hồng Kông, Đài Loan và Trung Quốc đại lục) với tổng số vốn đăng ký lên tới hơn 6 tỷ USD. Trong bối cảnh nhu cầu thu hút đầu tư của Việt Nam còn rất cao, nếu tỉnh táo lựa chọn và có hàng rào kiểm soát chắc chắn, cơ hội của chúng ta là không hề nhỏ. Quả thật, Việt Nam đang có nhiều quyền để lựa chọn.

Tất nhiên, bức tranh không chỉ toàn những mảng màu tươi sáng. Dư luận không ngần ngại chỉ thẳng những nguy cơ khi Việt Nam lạm dụng nguồn đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư từ Trung Quốc nói riêng. Trăn trở về thảm đỏ mời chào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ chèn ép cơ hội tồn tại của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn luôn thường trực. Quan trọng hơn, nếu cuộc đụng độ giữa hai nền kinh tế có thể trở thành một cuộc thương chiến khốc liệt, việc đong đếm thiệt hơn phải được thực hiện một cách toàn diện và đa chiều.

Thứ nhất, về dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, chúng ta vẫn chưa giải được bài toán dùng tiền từ Trung Quốc thế nào cho có lợi. Khi các nhà máy Trung Quốc đổ bộ, nguy cơ phải hứng công nghệ lạc hậu và các ngành sản xuất không thân thiện với môi trường… hiển hiện trước mắt. Ngoài ra, xét về quy mô, dù số vốn đăng ký lớn, Trung Quốc cũng luôn dẫn top đầu trong số lượng các dự án đăng ký, đồng nghĩa, quy mô của đa phần các dự án ở mức nhỏ và vừa, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp cùng loại của Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ tương xứng cho doanh nghiệp Việt, có thể họ lại là người thua cuộc trên chính địa bàn của mình.

Ở một dạng thức khác, các công trình đầu tư dùng vốn của người bạn láng giềng vẫn đang vướng mắc trong vòng luẩn quẩn chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém. Bài học đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và rất nhiều rắc rối từ các dự án lựa chọn tổng thầu EPC Trung Quốc thuyết phục dư luận rằng, lợi bất cập hại. Nói như chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, cái được có thể là mức tăng trưởng GDP, nhưng FDI nói chung và FDI từ Trung Quốc nói riêng không mang lại lợi ích gì thực sự cho nền kinh tế và người dân Việt Nam, thậm chí “càng mê cuồng tăng trưởng GDP thì nguồn lực của nền kinh tế càng yếu đi”.

Thứ hai, bản thân sự biến động trong xu hướng đầu tư vào Việt Nam nói trên cũng đang nói lên một sự thật, ngành sản xuất trong nước chưa đủ tiềm lực. Về nguyên tắc, khi Trung Quốc và Mỹ hạn chế hàng hóa của nhau, cơ hội cho hàng hóa các nước, trong đó có Việt Nam rộng mở hơn. Thế nhưng, chính các doanh nghiệp nước ngoài đang tỏ ra hào hứng và sốt sắng hơn với cơ hội này. Không thể cáo buộc đây là một suy luận bi quan khi chính Việt Nam đã phải thừa nhận, doanh nghiệp Việt không tham gia được vào chuỗi công nghiệp phụ trợ cho đầu tư FDI sở tại. Sau nhiều năm chào đón và ưu ái Samsung, người Việt mới chỉ bán được bao bì cho họ.

Thực trạng này làm nảy sinh một lo ngại khác. Từ năm 2016, thép carbon chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS) nhập khẩu từ Việt Nam đã bị Mỹ cáo buộc là lẩn tránh thuế từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Điều này hoàn toàn có thể lặp lại ở quy mô lớn hơn, nếu Việt Nam tiếp tục chỉ giữ vai xuất khẩu hộ. Đáng nói, những sản phẩm thuần Việt cũng có khả năng bị vạ lây bởi sự trừng phạt này. Nếu vậy, doanh nghiệp Việt đã khó sẽ lại càng khó.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/thuong-chien-my--trung-viet-nam-co-the-chu-dong-huong-loi-3380275/