Thương chiến Mỹ - Trung và nguy cơ thế giới bất ổn, bị chia cắt

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể phá vỡ hòa bình và thịnh vượng của thế giới hơn 70 năm qua.

Nhà báo Thomas L. Friedman viết trên New York Times: "Nếu cho rằng tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được giải quyết dễ dàng, bạn chắc hẳn chẳng hề để tâm. Nó sâu sắc và nguy hiểm hơn bạn tưởng rất nhiều".

Nếu Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập không tìm cách hạ nhiệt, căng thẳng thương mại sẽ phá vỡ hệ thống toàn cầu hóa đã mang lại hòa bình và thịnh vượng cho thế giới hơn 70 năm qua. Và một bức tường Berlin thứ hai sẽ ra đời, ngăn cách thế giới thành hai nền công nghệ, hai hệ thống Internet, một của Mỹ và một của Trung Quốc.

Thế giới trong tương lai đó sẽ bất ổn và kém thịnh vượng hơn nhiều lần. Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập nên bỏ lại mọi thứ và giải quyết cuộc khủng hoảng trước khi nền kinh tế toàn cầu trở thành "đoàn tàu trật bánh".

Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập trong Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập trong Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: New York Times.

Cuộc chiến giữa Bắc Kinh và Washington, được khuếch đại bởi các phương tiện truyền thông ở cả hai nước, đang khiến sự thịnh vượng của kinh tế toàn cầu lâm nguy.

Điều gì đã dẫn đến căng thẳng thương mại sâu sắc hiện nay? Có hai nguyên nhân chính: bản chất của thương mại Mỹ - Trung đã thay đổi, và Tổng thống Trump lẫn Chủ tịch Tập đều "chơi quá tay" nhằm đe dọa lẫn nhau.

Bản chất thương mại thay đổi

Trước hết, bản chất thương mại Mỹ - Trung đã thay đổi. Trong ba thập kỷ đầu tiên, thương mại Mỹ - Trung chỉ được gói gọn trong một vài mặt hàng: Mỹ mua áo phông, giày tennis và đồ chơi từ Trung Quốc, còn Trung Quốc mua đậu nành và máy báy Boeing của Mỹ.

Nhưng một thập kỷ qua, Trung Quốc phát triển với tốc độ kinh hoàng và trở thành một siêu cường kinh tế, một gã khổng lồ công nghệ. Chính quyền Bắc Kinh tham vọng theo đuổi kế hoạch Made in China 2025.

Trung Quốc không còn xuất khẩu áo phông, giày tennis và đồ chơi. Thay vào đó, nước này bán điện thoại thông minh, hệ thống trí tuệ nhân tạo, nền tảng 5G, xe điện và robot... Đó là những thiết bị công nghệ nền tảng mà Mỹ và châu Âu sản xuất.

Tác giả cuốn The Lexus and the Olive Tree viết Mỹ hoan nghênh Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh. Sự gia nhập của Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh cuộc cách mạng công nghệ và hạ giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên những gì Trung Quốc mang lại không chỉ là hệ thống công nghệ. Thông qua công nghệ nền tảng, Bắc Kinh xâm nhập vào cơ sở hạ tầng, nhà máy và cộng đồng dân cư Mỹ và châu Âu.

Trung Quốc tham vọng không chỉ xuất khẩu áo phông, giày tennis và đồ chơi. Ảnh: Reuters.

Theo cáo buộc của chính quyền Mỹ, không giống như đồ chơi, giày tennis hay áo phông, công nghệ nền tảng của Trung Quốc được sử dụng với mục đích kép để phục vụ hoạt động gián điệp.

Tuy nhiên, nhà báo từng 3 lần đạt giải Pulitzer cũng lưu ý chúng ta không nên phóng đại mối đe dọa này. Người ta vẫn theo dõi nhau ở mọi nơi. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ rất khác với mối quan hệ của Mỹ với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Mỹ và Liên Xô không phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và công nghệ. Còn Bắc Kinh giờ đây có thể thâm nhập vào thị trường Mỹ như Apple ở Trung Quốc.

Khi giao dịch công nghệ nền tảng, yếu tố tiên quyết là lòng tin. Các quốc gia không thể mua bán với nhau nếu không đạt được niềm tin và giá trị chung ở mức cao nhất. Đó là lý do Mỹ đưa Huawei - hãng công nghệ 5G hàng đầu thế giới - vào "danh sách đen".

Nhưng hệ điều hành nào chạy trên điện thoại di động Huawei? Đó là Android của Google. Nếu ngăn Google hợp tác với Huawei, Huawei buộc phải ngừng hoạt động hoặc sản xuất hệ điều hành riêng. Và vấn đề trở nên rối rắm hơn khi hệ điều hành riêng này có thể không đủ tính năng bảo mật như Google.

Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập đều "chơi quá tay"

Các công ty Mỹ làm việc tại Trung Quốc luôn than phiền về việc phải chuyển giao công nghệ, bị đánh cắp công nghệ và chấp nhận những luật chơi "khó nhằn" hơn các doanh nghiệp địa phương. Nhưng khi chính phủ Mỹ can thiệp, những công ty này ngay lập tức từ chối. "Đừng ném đá vào mặt hồ. Chúng tôi vẫn còn phải kiếm tiền ở đây".

Các công ty Mỹ ngày nay tiếp tục phàn nàn về những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng quy mô và quyền lực một cách chóng mặt ở thị trường nội địa và cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp Mỹ trên đường đua toàn cầu.

Ông Trump quyết định mở cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc mà không có đồng minh. Ảnh: Getty Images.

Theo kế hoạch Made in China 2015, ông Tập sẽ dùng các khoản trợ cấp, cho vay và quỹ đầu tư khổng lồ để hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc vượt mặt các đối thủ nước ngoài.

Nhà báo Thomas L. Friedman viết trên New York Times: "Ai đó phải vào cuộc. Và Tổng thống Trump đã làm. Ông đã đúng khi quyết định ra tay". Nhưng theo người từng ba lần đoạt giải Pulizer, ông Trump đã chọn sai cách kiềm chế Trung Quốc.

Ông lập luận rằng lẽ ra ông Trump nên ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để thắt chặt quan hệ với các nền kinh tế lớn ở Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc. Nhưng thay vào đó, ông chủ Nhà Trắng xé bỏ TPP.

Ông Trump đáng lẽ nên đứng về phía Liên minh châu Âu (EU), những quốc gia cũng gặp các vấn đề với Trung Quốc tương tự Mỹ. Thay vào đó, tổng thống Mỹ tung cú đánh, áp thuế lên thép và các sản phẩm khác của EU, giống những gì đã làm với Bắc Kinh.

Ai đó phải vào cuộc (để chặn Trung Quốc). Và Tổng thống Trump đã làm.
Nhà báo Thomas L. Friedman

Tiếp đó, ông Trump đáng lẽ nên tuyên bố Mỹ cùng các đối tác tại Thái Bình Dương và EU muốn đàm phán về chế độ thương mại mới với Trung Quốc. Nó sẽ trở thành cuộc đàm phán "các tiêu chuẩn và giá trị thương mại thế giới chống lại Trung Quốc".

Thay vào đó, ông Trump ra tay một mình, biến cuộc đám phán thành "Mỹ đơn phương chống lại Trung Quốc". Nếu "nước Mỹ trên hết", tại sao các nước phải hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc? Mỹ giờ đây phát động cuộc chiến thuế không có đồng minh. Và câu hỏi được đặt ra là Mỹ hay Trung Quốc sẽ là kẻ thua cuộc.

Ông Trump đã đúng khi quyết định vào cuộc, nhưng không dễ dàng để giải quyết những vấn đề thương mại dai dẳng trong nhiều thập kỷ giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ bằng một thỏa thuận. Và bất cứ nước đi nào cũng có thể tạo nên hệ lụy khủng khiếp.

Tuy nhiên, lỗi không nằm ở mình ông Trump. Bắc Kinh đe dọa các nước láng giềng để chiếm giữ các hòn đảo ở Biển Đông, đe dọa phương Tây khi tuyên bố kế hoạch thống trị mọi lĩnh vực công nghệ vào năm 2025.

Các nhà đàm phán cấp cao Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng hạn chế những hành vi thương mại không công bằng, nhưng đột ngột rút bỏ cam kết hồi tháng 5. Nguyên do từ đâu? Phải chăng quá nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã can thiệp?.

Trung Quốc từng tuyên bố sẽ hạn chế các hành vi thương mại thiếu công bằng, nhưng đột ngột rút cam kết hồi tháng 5. Ảnh: Reuters.

Hay vì Chủ tịch Tập tin rằng "nước Mỹ đã lỗi thời, Trung Quốc quá lớn mạnh"? Vì ông nhận thấy rất khó để thay đổi toàn bộ hệ thống kinh tế Trung Quốc?

Liệu còn cách nào để thay đổi tình hình? Nhà báo Thomas L. Friedman viết: "Nếu là Tổng thống Trump, tôi sẽ rút lại mức thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc cho phép nhập khẩu nông sản Mỹ".

Jim McGregor, Chủ tịch của APCO, đưa ra gợi ý: "Chế độ thương mại cũ dựa trên ý tưởng Mỹ là một nước giàu, còn Trung Quốc là nước nghèo. Do đó, Trung Quốc hưởng lợi từ một số lợi thế và sẵn sàng hành động sai trái. Mỹ nên tuyên bố với Trung Quốc: Trung Quốc giờ đây bình đẳng với Mỹ".

"Các cuộc đàm phán dựa trên cơ sở có đi có lại. Cả hai đều có quyền tiếp cận thị trường của nhau. Nếu Trung Quốc không đồng ý để Mỹ thâm nhập vào một số lĩnh vực, họ cũng sẽ nhận lại phản ứng tương tự ở thị trường Mỹ và ngược lại", ông nhấn mạnh.

Nhà báo Thomas L. Friedmanthúc giục: "Hãy đưa ra một giải pháp tốt hơn nếu có. Nếu không, thế giới mà chúng ta biết chắc chắn sẽ thay đổi".

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thuong-chien-my-trung-va-nguy-co-the-gioi-bat-on-bi-chia-cat-post976078.html