Thương chiến Mỹ - Trung Quốc gây khó cho ứng phó dịch Covid-19

Hợp tác toàn cầu quá yếu ớt hiện nay đang làm đại dịch Covid-19 thêm trầm trọng. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ đã gây tổn hại cho trao đổi hàng hóa và tri thức, khiến cho việc ứng phó dịch bệnh thêm cam go.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cho thấy, thế giới vẫn thiếu một khuôn khổ quản trị cần thiết, vai trò lãnh đạo và ý chí tập thể để đối phó với những thách thức quy mô lớn. (Minh họa của Foreign Policy)

Ngày 26/3, lãnh đạo G20 họp trực tuyến khẩn cấp về đại dịch Covid-19. Trước đó, G7 và Hội đồng Bảo an LHQ đều không đưa ra được tuyên bố chung chỉ vì Tổng thống Mỹ D.Trump kiên quyết sử dụng tên “virus Vũ Hán”. Cho đến đêm trước cuộc họp G20, Tổng thống Trump mới đồng ý ngưng chiến, và sau cuộc điện thoại giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, Mỹ - Trung Quốc mới đồng ý tạm gác bất đồng để cùng ứng phó với đại dịch.

Tuy nhiên, lời hứa hẹn hợp tác là chưa đủ. Khống chế dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế toàn cầu là công việc cần cả sự phối hợp của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng như các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ của các nước trên toàn thế giới. Do bản chất của cuộc khủng hoảng y tế, chính phủ các nước cần phối hợp để quản lý vấn đề an ninh sức khỏe. Tuy nhiên, như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cho thấy, thế giới vẫn thiếu một khuôn khổ quản trị cần thiết, vai trò lãnh đạo và ý chí tập thể để đối phó với những thách thức quy mô lớn.

Hệ lụy đáng lo ngại của chiến tranh thương mại

Mức thâm hụt cao của Mỹ trong thương mại song phương Mỹ - Trung Quốc, kết quả thỏa thuận giai đoạn 1 che dấu nguồn gốc xung khắc thương mại Mỹ - Trung là chuyển giao công nghệ và dòng chảy tri thức giữa các quốc gia. Nâng cấp công nghệ là rất quan trọng đối với phát triển kinh tế của tất cả các nước, nhưng phần lớn những tiến bộ công nghệ lại diễn ra ở những nước phát triển cao. Do tri thức là hàng hóa công cộng thiết yếu, nên luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có mục tiêu thúc đẩy sự truyền bá tri thức từ các nền kinh tế phát triển sang các thị trường mới nổi. Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng tạo thuận lợi cho việc chia sẻ tri thức và giảm chi phí sản xuất.

Trung Quốc hiểu điều này hơn bất cứ nước nào khác. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2011, nhờ có một chiến lược toàn diện, Trung Quốc đã hấp thụ công nghệ nước ngoài tốt hơn cả. Mỹ coi thành công này của Trung Quốc là mối đe dọa đối với vị thế địa chính trị và sức cạnh tranh kinh tế của mình.

Để đáp trả, Mỹ sử dụng các công cụ chính sách như kiểm soát xuất khẩu, đầu tư để hạn chế việc phổ biến tri thức vì lý do bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia. Chiến lược tìm kiếm công nghệ quyết liệt của Trung Quốc và những biện pháp trả đũa của Mỹ đã hạn chế dòng chảy chia sẻ tri thức, công nghệ toàn cầu. Căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và hệ lụy của nó cho thấy rõ sự cần thiết tạo dựng một khuôn khổ quản trị rộng lớn để quản lý sự phân bổ tri thức toàn cầu.

Khi cùng chung sức kiểm soát Đại dịch, các chính phủ, doanh nghiệp và người dân đứng trước những thách thức tương tự. Đối phó với khủng hoảng y tế toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác và chia sẻ nguồn lực toàn cầu và nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu của Mỹ và Trung Quốc đã chịu tác động nặng nề của chiến tranh thương mại và những biện pháp ngăn chặn chuyển giao công nghệ mạnh mẽ của Mỹ. Mỹ vẫn là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển vaccin và dược phẩm chống Covid-19 do sở hữu những tập đoàn sinh hóa, dược phẩm tiên tiến hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh làm bộc lộ rõ nét sự phụ thuộc của Mỹ và phương Tây vào nguồn cung sản phẩm, vật tư, thiết bị y tế thiết yếu từ Trung Quốc khi 80% khẩu trang y tế sản xuất tại Trung Quốc. Điều trớ trêu là không những không duy trì dự trữ chiến lược các sản phẩm y tế chống dịch cơ bản này, việc áp thuế của Mỹ đối với các sản phẩm y tế làm trầm trọng hơn nữa sự thiếu hụt của những sản phẩm này trong khủng hoảng Covid-19.

Lãnh đạo các nước G20 họp trực tuyến khẩn cấp về đại dịch Covid-19. Chỉ còn G20 ra Tuyên bố hứa hẹn hợp tác.

Khủng hoảng quản trị toàn cầu

Trong thế kỷ XX, Mỹ đã nắm vai trò lãnh đạo trong ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Tuy nhiên, dù khủng hoảng do đại dịch đang hết sức cấp bách, Mỹ đã thoái thác vai trò lãnh đạo. Thay vì thúc đẩy việc duy trì trật tự trong hệ thống thương mại quốc tế mở, cường quốc kinh tế số một thế giới đã đẩy mạnh xung đột thương mại, áp đặt thêm các rào cản và hạn chế thương mại. Thế giới hiện không có một nhà lãnh đạo đại diện cho lợi ích của cả các nước phát triển và đang phát triển để thúc đẩy sự thịnh vượng chung. Chính sách “nước Mỹ trước hết” đã cản trở việc Mỹ đi đầu xây dựng liên minh toàn cầu đối phó với đại dịch. Tổng thống Trump kiên quyết cho rằng vaccin chống Covid-19 phải được sản xuất trên đất Mỹ, đồng thời tranh giành các chuyến hàng vật tư y tế của Canada, Pháp và Đức.

Trung Quốc cũng chưa sẵn sàng đóng vai trò này, cả từ góc độ khả năng và ý chí nhận trách nhiệm lãnh đạo tương xứng với sức nặng kinh tế. Sự che dấu thông tin ban đầu về dịch bệnh, chiến dịch tuyên truyền rầm rộ và chất lượng sản phẩm y tế dưới tiêu chuẩn quốc tế của Trung Quốc đã tác động bất lợi đối với việc giành được sự tin cậy của thế giới, bất chấp thành công nhanh chóng của Trung Quốc trong khống chế dịch bệnh và nỗ lực giúp đỡ các nước khác.

Việc cả hai cường quốc hàng đầu thế giới không quan tâm hoặc chưa sẵn sàng nhận trách nhiệm đi đầu chống đại dịch tạo ra một khoảng trống quyền lực, đòi hỏi sự tham gia của bên thứ 3. Châu Âu tiếp tục chia rẽ và bận rộn đối phó với dịch bệnh. Mỹ rút sự ủng hộ đối với WTO, ngừng đóng quỹ WHO, Hội đồng Bảo an LHQ có thể đóng vai trò quan trọng nhưng thường bị tê liệt vì việc sử dụng quyền phủ quyết (veto) của các thành viên thường trực. Duy nhất chỉ còn G20 ra Tuyên bố hứa hẹn hợp tác.

Xét cho cùng, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ không thể cứu vãn nền kinh tế toàn cầu và chiến thắng cuộc chiến chống lại loài virus bất chấp biên giới quốc gia này. Để hỗ trợ dòng chảy cân bằng, trật tự của hàng hóa, con người, ý tưởng và các dịch vụ y tế công cộng trên thế giới, cần phải có sự đồng thuận quốc tế mới và một tầm nhìn hợp tác rộng mở toàn cầu.

(Theo Carnegie Endowment)

Hà Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuong-chien-my-trung-quoc-gay-kho-cho-ung-pho-dich-covid-19-114833.html