Thương chiến Mỹ - Trung phá vỡ trật tự thương mại toàn cầu?

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung quốc đang diễn biến theo hướng gây nguy hiểm cho toàn thế giới. Có những vấn đề lớn hơn và sâu xa hơn ẩn chứa sau những tranh chấp này, đó là việc nó phá hoại trật tự thương mại trên quy mô toàn cầu.

Nếu lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc không tìm cách sớm tháo ngòi nổ cuộc chiến này thế giới sẽ tiến gần hơn đến việc phá vỡ hệ thống toàn cầu hóa, đẩy thế giới rời xa hòa bình và thịnh vượng như đang từng tồn tại trong hơn 70 năm qua.

Tổng Thống Mỹ D.Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: financialexpress.com.

Tổng Thống Mỹ D.Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: financialexpress.com.

Cuộc chiến tiền tệ

Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD từ ngày 1-9 tới. Quyết định được Tổng thống Donald Trump đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer kết thúc vòng đàm phán thương mại với Trung Quốc tại Thượng Hải mà không đạt được tiến bộ.

Trong một phản ứng đáp trả, Bắc Kinh đã cho phép nới lỏng biên độ giao dịch đồng nhân dân tệ (NDT), phá ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD và yêu cầu các công ty nhà nước dừng mua nông sản của Mỹ. Sau động thái này của Trung Quốc, ngày 5-8, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức liệt Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ. Mỹ cáo buộc Bắc Kinh phá giá đồng NDT khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên leo thang.

Một số nhà kinh doanh lo lắng rằng Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối để ngăn chặn đồng USD tăng giá so với đồng NDT của Trung Quốc trong nỗ lực đối phó với cái gọi là hành động thao túng tiền tệ của Bắc Kinh.

Ngày 7-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố lập trường cứng rắn của ông đối với hành vi của Trung Quốc tại các thị trường toàn cầu, kể cả khi Bắc Kinh cảnh báo có thể đáp trả bằng cách hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Phát biểu với phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cho biết, ông đã lường trước phản ứng của thị trường, và ông vẫn tin tưởng vào sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên giới chuyên gia và nhiều doanh nghiệp tại Mỹ không lạc quan như vậy khi họ tiếp tục đưa ra cảnh báo quyết định áp thuế mới nhất của Tổng thống Donald Trump sẽ tác động tiêu cực đến chính nền kinh tế cũng như túi tiền của người tiêu dùng nước này.

Ông Gary Locke, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc từ năm 2011-2014, cho biết Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các tổ chức tài chính khác ước tính mức thuế mới sẽ khiến mỗi hộ gia đình Mỹ phải chi tiêu thêm trung bình 1.000 USD do giá cả tăng, trong khi đẩy các công ty Mỹ vào thế khó cạnh tranh hơn ở thị trường trong và ngoài nước.

Ảnh: businessinsider.com.

Có thể thấy rõ, căng thẳng thương mại dai dẳng hơn một năm qua giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang ở thế rượt đuổi vô cùng nguy hiểm khi ngay lập tức, Trung Quốc tuyên bố ngừng mua nông sản của Mỹ và để ngỏ khả năng tiếp tục sử dụng vũ khí thuế quan. Nhìn vào thực tế thì giới chuyên gia nhìn nhận, có đủ các yếu tố cho thấy, việc hạ giá đồng NDT không chỉ là biện pháp kích thích thương mại mà có thể là một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị sử dụng tiền tệ như một vũ khí trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại với Washington rơi vào bế tắc. Những diễn biến leo thang liên tiếp này đã làm dấy lên mối lo ngại rằng một cuộc chiến tiền tệ đã được khơi mào.

Ông Julian Evans Pritchard , nhà kinh tế cấp cao tại Capital Economics đánh giá việc Trung Quốc ngừng bảo toàn mức 7 NDT/1 USD cho thấy "Trung Quốc dường như đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu thương mại kéo dài với Mỹ thay vì "xuống thang" để đạt được một thỏa thuận thương mại".

Trong khi đó, ông George Boubouras, Giám đốc Công ty quản lý tài sản Salter Brothers có trụ sở tại Melbourne, Australia, nhận định: "Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc chiến tiền tệ đã diễn ra. Nó chính là sự mở rộng của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc theo hướng tồi tệ hơn".

Còn cuộc chiến lớn hơn cả cuộc chiến tiền tệ

Trên thực tế, một quốc gia bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ chưa phải ngay lập tức đối mặt với hình phạt cụ thể nào. Thông thường, quan chức Mỹ và nước bị cáo buộc sẽ tiến hành đàm phán để tìm hướng giải quyết. Điều này đồng nghĩa giới chức hai nước sẽ mất khoảng một năm để giải quyết vấn đề này thông qua các cuộc đàm phán.

Nếu các cuộc thương lượng thất bại, Mỹ có thể triển khai một số bước đi trả đũa, bao gồm cấm các công ty Trung Quốc tham gia cạnh tranh đối với các hợp đồng của chính phủ, và cấm Cơ quan Đầu tư tư nhân hải ngoại Mỹ (OPIC), một cơ quan phát triển của chính phủ, ngừng tài trợ cho bất kỳ dự án phát triển nào tại Trung Quốc.

Điều trước mắt mà Mỹ có thể làm là tham vấn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để loại trừ nguy cơ về "ưu thế cạnh tranh không công bằng" mà những hành động mới nhất liên quan đến phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc gây ra. Do đó, chuyên gia Amanda Debusk thuộc Hãng luật Hughes Hubbard & Reed nhận định việc Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ chỉ là một hành động "răn đe" và sẽ "không có hậu quả ngay lập tức".

Dù có thể là hành động mang ý nghĩa biểu tượng, song bước đi này của Mỹ, cùng với việc Tổng thống Donald Trump trước đó đã dọa từ ngày 1-9 tới áp thuế 10% với lượng hàng hóa nhập khẩu còn lại của Bắc Kinh, kéo theo việc Trung Quốc trả đũa, đã khiến quan hệ giữa hai nền kinh tế đầu tàu thế giới tiếp tục "rơi tự do". Những diễn biến này cũng phủ bóng đen lên các cuộc đàm phán thương mại vẫn đang được xúc tiến giữa hai nước.

Bắc Kinh đã cho phép nới lỏng biên độ giao dịch đồng Nhân dân tệ. Ảnh: livemint.com.

Về phía Mỹ, việc Trung Quốc ngừng mua nông sản Mỹ được xem là một đòn giáng mạnh nhằm vào nỗ lực của Tổng thống Donald Trump thực hiện cam kết với các nông dân Mỹ rằng ông sẽ mang về cho họ những đơn hàng lớn từ Trung Quốc. Mặt khác, về lý thuyết, việc đồng NDT bị suy yếu có thể tăng lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong thương mại với Mỹ, đồng thời làm gia tăng thặng dư thương mại của Trung Quốc.

Điều đó sẽ buộc Mỹ hiện thực hóa lời đe dọa áp thuế 10% đối với số hàng hóa nhập khẩu còn lại trị giá từ Trung Quốc, một trong những "quân bài" cuối cùng mà ông chủ Nhà Trắng có thể tung ra nhằm buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ. Động thái "lật bài" này lại sẽ kích hoạt biện pháp trả đũa của Bắc Kinh.

Trong kịch bản xấu nhất, "cuộc chiến tiền tệ" giữa Mỹ và Trung Quốc có thể dẫn tới tình trạng suy thoái, khủng hoảng kinh tế trầm trọng, mà tác động của nó đương nhiên không phải chỉ hai nền kinh tế này hứng chịu. Rủi ro càng lớn hơn nếu lãnh đạo hai nước tiếp tục áp dụng động thái cứng rắn, đào sâu hố ngăn cách; đẩy cuộc chiến kinh tế lún vào cuộc chiến cạnh tranh mới mà không kiểm soát tốt nó sẽ trở thành một cuộc chiến tranh lạnh mới trên lĩnh vực kinh tế.

Bằng việc cố thủ với quan điểm của mình, cả Mỹ và Trung Quốc đều làm gia tăng nguy cơ phá vỡ nền kinh tế (thế giới) vốn đang bắt đầu rạn nứt. Mỗi đợt leo thang căng thẳng lại đẩy họ tiến gần hơn tới suy thoái và đến một điểm không thể vãn hồi.

Ông Peter Boockvar, trưởng bộ phận đầu tư của Bleakley Advisory Group, bình luận: “Chúng ta chứng kiến một tình huống thương mại chẳng khác nào đoàn tàu đang trượt ra khỏi đường ray”. Trong khi đó, David Kotok, đồng sáng lập của Tập đoàn đầu tư Cumberland Advisors, nói với CNN rằng cuộc thương chiến này đang làm gia tăng nguy cơ của một cuộc suy thoái.

Suy thoái sẽ khiến thế giới lao đao

Giới đầu tư trên thế giới đều hoảng sợ. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều sụt giảm mạnh sau các quyết định từ ngày 5-8. Các nhà đầu tư đổ xô mua trái chiếu chính phủ, đẩy lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm xuống 1,75% - mức thấp nhất trong vòng gần 3 năm qua.

Ông Art Hogan, trưởng chiến lược gia thị trường thuộc National Securities Corporation nhận định: “Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang sẽ chắc chắn khiến nền kinh tế Mỹ tồi tệ ở mức độ khó có thể tính toán được”.

Theo ông Hogan, thương chiến càng tồi tệ hơn thì suy thoái càng diễn ra nhanh hơn ở Mỹ. Ông nhận xét lịch sử cho thấy các cuộc suy thoái kinh tế thường liên quan đến sai lầm chính sách tiền tệ và đây là lần đầu tiên Mỹ có thể phải đối phó với một tính toán sai lầm về chính sách thương mại.

Thế giới đang lo ngại cuộc chiến tiền tệ có thể sẽ leo thang. Ảnh: tripsavvy.com.

Thực tế là khi Trung Quốc quyết định không bảo vệ đồng nội tệ cho thấy Bắc Kinh đang quyết tâm tiến vào một cuộc chiến thương mại dài hơi hơn. Động thái phá giá đồng NDT của Trung Quốc làm xuất hiện bóng ma về một cuộc chiến tiền tệ khi mà các nước lớn chạy đua hạ giá đồng nội tệ của mình.

Chuyên gia Art Hogan tiếp tục nhận định rằng đây là mối đe dọa tiền tệ có tính chất bất ổn lớn nhất, khó có thể đoán định nhất trong nhiều năm qua. Ông ví von: “Đây chẳng khác nào cú móc ngang bằng tay trái hạ đo ván võ sĩ quyền Anh”.

Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Luật Emory, tác giả Laurence Howard cho biết, trên toàn cầu, thao túng tiền tệ có thể là nguyên nhân dẫn đến việc hàng triệu việc làm bị mất ở Mỹ và châu Âu, sau đó, những diễn biến tiêu cực này hoàn toàn có thể bùng phát thành “cuộc chiến tiền tệ” mang nguy cơ gây khủng hoảng không nhỏ, đe dọa nền kinh tế toàn cầu.

Bloomberg dẫn ý kiến chuyên gia khẳng định: “Nếu Mỹ và Trung Quốc thực sự dấn thân vào cuộc chiến tiền tệ, hàng loạt nền kinh tế thế giới sẽ bị vạ lây”. Chuyên gia kinh tế Marcus Ashworth cho rằng “nạn nhân” phải gánh hậu quả nặng nề nhất từ xung đột này chính là châu Âu và Nhật Bản. Sau nhiều năm áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, cả hai đều cạn kiệt nguồn dự trữ để cứu trợ nền kinh tế.

Có thể thấy rõ những tiêu cực trong thương mại đang phủ bóng lên toàn thế giới. Tất cả trái phiếu có thời hạn của Chính phủ Đức đã rơi vào tình trạng lợi suất tiêu cực lần đầu tiên trong lịch sử. Biểu đồ lợi suất tại Nhật Bản cũng sắp đảo ngược. Điều này xảy ra khi trái phiếu chính phủ (JGB) ngắn hạn có lợi suất cao hơn JGB 10 năm. Lợi suất đảo chiều có thể là dấu hiệu cơ bản về một cuộc suy thoái.

Cuộc chiến thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang đe dọa chuỗi cung ứng điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy trật tự thương mại toàn cầu đang bị tan rã và rơi vào tình trạng xung đột trả đũa lẫn nhau.

Viện trưởng Viện Hợp tác và phát triển Nam - Nam thuộc Đại học Bắc Kinh, ông Lâm Nghị Phu tại một cuộc hội thảo ở Singapore mới đây cho rằng, trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung vẫn chưa có hồi kết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ không dẫn đến trạng thái Chiến tranh Lạnh sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Chiến tranh Lạnh được chia thành hai trận địa với rất ít sự tương tác là kinh tế và thương mại.

Tuy nhiên, Trung Quốc hiện là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 100 quốc gia. Do đó, Trung Quốc và thế giới đã hòa nhập với nhau, nếu thoát ly khỏi sự hòa nhập này, tổn thất của các nước khác sẽ lớn hơn Trung Quốc, và sẽ không có quốc gia nào sẵn sàng chịu thiệt để ủng hộ Mỹ.

Những dự báo lạc quan cũng nhận định, trong nửa cuối năm 2019, những triển vọng kinh tế Mỹ sẽ hạ thấp bất chấp việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất, ngược lại, Trung Quốc có khả năng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Đây có lẽ là thời điểm để chuẩn bị cho sự sụt giảm những triển vọng kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 2019-2020.

Hoa Huyền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/thuong-chien-my-trung-pha-vo-trat-tu-thuong-mai-toan-cau-557093/