Thương chiến Mỹ - Trung: Nhiều nước tổn thất

Đại diện Thương mại Mỹ được lệnh bắt đầu quá trình tăng thuế đối với khoảng 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc. Bắc Kinh lập tức tuyên bố sẽ đáp trả thỏa đáng

Vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc mới nhất đã khép lại tại thủ đô Washington hôm 10-5 (giờ địa phương) mà không đạt bất kỳ đột phá nào. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh đại diện cho Thương mại Robert Lighthizer bắt đầu quá trình tăng thuế đối với khoảng 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là động thái leo thang hơn nữa cuộc chiến thương mại của Washington sau khi quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 10-5.

Bắc Kinh lập tức tuyên bố sẽ đáp trả thỏa đáng. "Nếu Mỹ tăng thuế, chúng tôi phải hành động. Chúng tôi hy vọng họ sẽ kiềm chế và chúng tôi cũng vậy. Đừng leo thang cuộc chiến này" - Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc, cho biết sau khi đàm phán khép lại.

Theo ông Lưu, đàm phán vẫn chưa về đích vì những bất đồng đối với 3 vấn đề: Yêu cầu của Trung Quốc về việc Mỹ xóa bỏ mọi thuế quan bổ sung, mục tiêu về giá trị hàng hóa Mỹ mà phía Trung Quốc phải mua và câu chữ của thỏa thuận. Phó Thủ tướng Trung Quốc khẳng định đàm phán vẫn chưa đổ vỡ và hai bên thống nhất sẽ tiếp tục thương lượng tại thủ đô Bắc Kinh dù không rõ thời điểm diễn ra.

Theo đài CNN, chiến tranh thương mại đã khiến nông dân Mỹ cùng với nhiều công ty lớn của 2 nước chịu không ít tổn thất kể từ khi nổ ra vào năm ngoái. Công ty công nghệ Apple khẳng định doanh thu quý I/2019 của họ sút giảm một phần do cuộc chiến này. Trong khi đó, Công ty Xây dựng Caterpillar cho biết động thái đánh thuế đáp trả của Trung Quốc khiến họ thiệt hại hơn 100 triệu USD trong năm 2018. Những công ty hàng đầu Trung Quốc cũng cảnh báo hoạt động kinh doanh của họ chịu tổn thương bởi cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Hàng hóa chuẩn bị được đưa đi xuất khẩu tại một cảng ở tỉnh Giang Tô - Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Hàng hóa chuẩn bị được đưa đi xuất khẩu tại một cảng ở tỉnh Giang Tô - Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

"Không ai chiến thắng trong các cuộc chiến thương mại, kể cả những nước không tham gia" - ông Gregory Daco, chuyên gia của Công ty Nghiên cứu tài chính Oxford Economics (Anh), nhận định với trang Marketwatch hôm 10-5. Ông Daco ước tính nếu Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% với phân nửa hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Bắc Kinh tăng thuế đáp trả từ 8% lên 25% với 60 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm lần lượt là 0,3% và 0,8% vào năm 2020. Điều này có nghĩa là kinh tế Mỹ sẽ tổn thất khoảng 29 tỉ USD trong khi con số này với kinh tế thế giới là hơn 105 tỉ USD.

Trong kịch bản tồi tệ hơn, nếu Mỹ đánh thuế 25% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa tương tự, GDP của Mỹ sẽ giảm 0,5%, khiến kinh tế nước này tổn thất 45 tỉ USD đến năm 2020. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc cũng sẽ giảm khoảng 1,3% vào năm 2020, trong lúc GDP thế giới giảm 0,5%.

Chuyên gia kinh tế Tommy Wu từ Oxford Economics cảnh báo sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhìn chung vẫn sẽ gây ra tác động tiêu cực với thương mại châu Á. "Ở một số trường hợp, hoạt động xuất khẩu sang Mỹ của nhiều quốc gia châu Á có thể gia tăng song vẫn không đủ để bù đắp cho hoạt động thương mại suy yếu của toàn khu vực" - ông Wu chia sẻ với báo South China Morning Post.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng là một trong những yếu tố khiến Ngân hàng Phát triển châu Á giảm mức dự báo tăng trưởng dành cho kinh tế châu Á trong năm 2019 từ 5,7% còn 5,6%.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/thuong-chien-my-trung-nhieu-nuoc-ton-that-20190511221536879.htm