Thương chiến Mỹ - Trung gia tăng, Nga thừa cơ chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc

Vào lúc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ leo thang, thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc tiếp tục mở rộng. Phó Thủ tướng Nga Konstantin Cuichenko ngày 3/9 nói Thủ tướng Nga và Trung Quốc sẽ gặp nhau để thảo luận về nhiều vấn đề then chốt.

Với việc quan hệ Trung - Mỹ xấu đi do chương trình thương mại, quan hệ Trung - Nga ngày càng phát triển, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Ảnh: Internet

Với việc quan hệ Trung - Mỹ xấu đi do chương trình thương mại, quan hệ Trung - Nga ngày càng phát triển, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Ảnh: Internet

Ngày 3/9, ông Konstantin Cuichenko đã nói tại Diễn đàn truyền thông Nga - Trung lần thứ 5 được tổ chức cùng ngày trước khi khai mạc Diễn đàn kinh tế phương Đông: Thủ tướng hai nước Nga, Trung sẽ gặp nhau vào tháng 9 để thảo luận các vấn đề hợp tác thương mại, khoa học và văn hóa.

Nhiều sản phẩm Nga sẽ thay thế hàng Mỹ trên thị trường Trung Quốc

Khi trả lời phỏng vấn hãng Sputnik, ông Cuichenko nói “vào giữa tháng 9, Nga và Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ thường kỳ của 2 thủ tướng lần thứ 24 tại St. Petersburg. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ thảo luận về vấn đề phối hợp mọi hướng then chốt hiện nay; chủ yếu là hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, đầu tư công nghệ, đổi mới công nghiệp, văn hóa nhân văn”.

Hai ông Medvedev và Lý Khắc Cường sẽ gặp nhau vào ngày 17/9 tới đây để bàn việc đẩy nhanh sự hợp tác giữa hai bên. Ảnh Đa Chiều

Trước đó, Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Victorovich Ushakov hôm 30 tháng 8 cũng nói, hai ông Medvedev và Lý Khắc Cường sẽ gặp gỡ vào ngày 17 tháng 9.

Điều đáng nói là vào lúc cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đang diễn ra gay gắt, sau dầu mỏ, khí tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), Nga đang thúc đẩy sản phẩm năng lượng khác là khí hóa lỏng (LPG) và nhiều hàng hóa khác trong đó bao gồm sản phẩm nông nghiệp chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc.

Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Oreshkin nói, với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, các sản phẩm của Nga có thể thay thế hàng Mỹ. Không giống như Mỹ, Trung Quốc hiện coi Nga là nhà cung cấp đáng tin cậy bất kỳ mặt hàng nào. Nga hiện đang tích cực đàm phán với Trung Quốc về việc cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và các mặt hàng khác.

Nga là nước cung cấp gỗ nhiều nhất cho Trung Quốc, Ảnh: Đa Chiều

Thay thế Mỹ, khí hóa lỏng của Nga vào chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc

Hãng tin Argus, chuyên đưa về thông tin năng lượng, cho biết, công ty dầu mỏ Irkutsk của Nga nằm không xa Trung Quốc, đã bắt đầu xuất khẩu LPG sang Trung Quốc thông qua đường sắt. Chuyến tàu đầu tiên chở 10 bồn khí LPG ngày 28 tháng 8 đã đến giao hàng tại Trạm trung chuyển khí Viễn Đông ở Mãn Châu Lý, Trung Quốc.

Nga và Trung Quốc hiện đã mở rộng công suất đường ống dẫn dầu. Vào cuối năm 2019, tuyến đường ống dẫn khí nối giữa Siberia và Đông Bắc Trung Quốc sẽ bắt đầu các hoạt động truyền tải khí đốt cho phía Trung Quốc. Khí tự nhiên hóa lỏng ở khu vực Bắc Cực của Nga cũng bắt đầu cung cấp cho Trung Quốc. Trung Quốc cũng tiếp tục mua cổ phần trong các dự án LNG mới của Nga ở Bắc Cực.

Tuyến đường ống dẫn khí đốt Nga - Trung từ Siberi tới Thượng Hải đang được xây dựng sẽ hoàn thành vào năm 2024. Ảnh: Đa Chiều

Trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, Mỹ là nhà cung cấp LPG lớn thứ hai của Trung Quốc. Reuters cho biết, năm 2017, Mỹ chiếm 20% thị trường LPG tại Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại đã dẫn đến việc Mỹ chấm dứt cung cấp LPG cho Trung Quốc và vị trí của Hoa Kỳ đã được thay thế bởi Qatar, UAE, Ả Rập Saudi và Kuwait.

Nga hiện có kế hoạch cạnh tranh với các nước Trung Đông này để chiếm lĩnh thị trường LPG của Trung Quốc. Mặc dù LPG của Nga đang dư thừa, nhà máy xuất khẩu khí đốt hóa lỏng chủ yếu tập trung ở Biển Đen và Biển Baltic. Việc thiếu cơ sở hạ tầng vận chuyển và lưu trữ LPG ở Trung Quốc đã dẫn đến việc hạn chế xuất khẩu LPG của Nga sang Trung Quốc.

Cầu đường bộ qua biên giới nối Blagoveshchensk với Mặc Hà của Trung Quốc dài 1.284m đã hoàn thành. Ảnh: Đa Chiều

Cung ứng hàng hóa thuận tiện từ Siberia, cả hai bên đều quan tâm

Tuy nhiên, với việc xây dựng Trạm trung chuyển khí Viễn Đông tại cảng Mãn Châu ở phía Trung Quốc của khu vực biên giới Nga-Trung vào năm ngoái và hoạt động gần đây, tình trạng hạn chế xuất khẩu LPG của Nga sang Trung Quốc do thiếu cơ sở hạ tầng sẽ thay đổi đáng kể.

Ngoài Công ty Dầu mỏ Irkutsk, một số đại gia năng lượng khác của Nga như Gazprom và Russneft hiện đang quan tâm đến việc xuất khẩu LPG sang Trung Quốc.

Nhà phân tích thị trường năng lượng Nga Alexandrov cho rằng cuộc chiến thương mại và bảo vệ môi trường sẽ dẫn đến nhu cầu của Trung Quốc về khí đốt tự nhiên và các nguồn năng lượng khác của Nga ngày càng tăng.

Nâng cấp thông quan cửa khẩu, mở rộng quy mô thương mại

Tờ báo đường sắt Nga The Whistle mới đây đưa tin rằng Trạm trung chuyển khí đốt Viễn Đông ở Mãn Châu Lý có thể dỡ hai đoàn tàu chở LPG mỗi ngày. Nga và Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp của ủy ban đường sắt biên giới hai nước ở Kaliningrad vào cuối tháng 6. Cơ sở hạ tầng cửa khẩu đường bộ giữa Zabaykalsk của Nga và Mãn Châu Lý (Manchuria) của Trung Quốc đã được đổi mới và nâng cấp ở quy mô lớn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho trao đổi nhiều hơn hàng hóa và thông quan nhanh hơn cho cả hai bên. Phía Nga còn đặc biệt tăng thêm số nhân viên biên phòng và hải quan.

Zabaykalsk – Mãn Châu Lý hiện là cửa khẩu đường bộ lớn nhất giữa Nga và Trung Quốc. Truyền thông Nga đưa tin, trong 7 tháng đầu năm nay, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua cửa khẩu này tăng 7,1%. Lưu lượng hàng hóa qua cửa khẩu đường bộ lớn thứ hai Grodekovo - Tuy Phân Hà (Suifenhe) cũng tăng 7,6%.

Đậu tương Nga đang dần thay thế đậu Mỹ. Đậu tương nhập khẩu của Nga đang được bốc dỡ ở cảng Mặc Hà (Hắc Long Giang). Ảnh: Đa Chiều

Thương mại với Trung Quốc ngày càng lớn hơn, xuất khẩu đậu tương tăng mạnh

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Dữ liệu thống kê hải quan của Nga cho thấy sau lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga năm 2014, khối lượng thương mại của Nga với các đối tác thương mại lớn đều giảm hoặc không thay đổi, nhưng riêng với Trung Quốc là ngoại lệ. Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thương mại liên tục tăng đối với Nga. Năm 2018, lần đầu tiên khối lượng thương mại Nga - Trung đã vượt mức 100 tỷ USD, tăng 27,1%, năm 2017 trước đó tăng 20,8%. Với việc nhiều mặt hàng năng lượng và sản phẩm nông nghiệp của Nga được xuất khẩu sang Trung Quốc, một số chuyên gia về Trung Quốc ở Nga dự tính, khối lượng thương mại giữa hai nước sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nga Manturov cho biết gần đây, xuất khẩu sản phẩm nông sản của Nga sang Trung Quốc tăng 42% trong năm 2018 và 17% trong sáu tháng đầu năm 2019. Các nhà phân tích thị trường cho rằng đậu tương và dầu thực vật chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong xuất khẩu nông sản của Nga sang Trung Quốc.

(Theo Đa Chiều, Creader.net)

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/thuong-chien-my-trung-gia-tang-nga-thua-co-chiem-linh-thi-truong-trung-quoc-365885.html