Thương chiến Mỹ - Trung: Đằng sau những cái bắt tay

Mỹ và Trung Quốc đang hướng tới ký kết thỏa thuận 'giai đoạn một' nhằm kết thúc chiến tranh thương mại đã kéo dài bấy lâu.

Giới đầu tư đang rất phấn khích và lạc quan về một thỏa thuận êm đẹp trong tương lai, song điều mong ước đó vẫn dường như xa vời khi những gì đạt được giữa hai nước vẫn chỉ là những cái bắt tay và như Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định “sẽ chẳng có gì đạt được” cho tới khi ông gặp trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại diễn đàn APEC sắp tới.

Không dễ kết thúc

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ chưa dễ kết thúc khi mà hai bên vẫn chưa thực sự cởi mở và nhượng bộ. Các phương tiện truyền thông và giới quan sát kinh tế cũng như chính trị, các nhà đầu tư đều tỏ ra rất phấn khích khi Mỹ tuyên bố về một thỏa thuận “giai đoạn một” với Trung Quốc. Để đổi lấy việc ông Trump thay đổi đợt tăng thuế mới đã được lên kế hoạch (từ 25% lên 30% áp lên 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc) Trung Quốc sẽ tăng gấp khối lượng nhập khẩu nông sản thường niên từ Mỹ.

Cùng với đó, thỏa thuận cũng sẽ bao gồm một loạt điều khoản cho thấy việc nới lỏng các yêu cầu từ hai bên, để hướng tới việc giải quyết mọi khúc mắc. Tuy nhiên, những gì được nói ở đây cuối cùng vẫn chỉ là một thỏa thuận miệng, đi kèm những cái bắt tay, chẳng có gì được ký kết cho đến thời điểm này.

Giới phân tích không khó nhận ra rằng các bên chỉ hân hoan trong giọng điệu và những thông tin cho giới truyền thông. Thực tế, tâm lý và hành động thận trọng vẫn là điều giới lãnh đạo và đàm phán hai nước chưa dễ xóa bỏ. Phía Trung Quốc cũng cho thấy rõ rằng họ muốn có thêm các cuộc thảo luận vào cuối tháng này trước khi bất kỳ một thỏa thuận “giai đoạn 1” nào được ký kết. Mỹ cũng vậy, Tổng thống Donald Trump đã thẳng thừng tuyên bố sẽ chẳng có gì thay đổi, chẳng có gì được ký kết cho tới diễn đàn APEC sắp tới tại Chile.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các thành viên trong cuộc họp tháng 12-2018.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các thành viên trong cuộc họp tháng 12-2018.

Khi nhìn nhận kỹ lưỡng thì người ta sẽ thấy, việc chưa đạt được bước tiến đáng kể nào một phần là do sự thận trọng của Trung Quốc, song có lẽ phần lớn hơn thuộc về phía Mỹ. Nhiều nhà phân tích đã cho rằng Mỹ chưa thực sự muốn dừng cuộc chiến thương mại này. Trong mắt ông Trump, Mỹ đang là bên thiệt thòi và do vậy, Bắc Kinh cần phải thay đổi, phải chấp nhận những điều khoản để trả lại “sự công bằng cho người lao động Mỹ”.

Tổng thống Trump vẫn thường xuyên lên án việc Mỹ bị mất hàng loạt việc làm trong ngành chế tạo và buôn bán, cũng như sự thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với Trung Quốc. Ngoài ra, những yêu cầu cụ thể nảy sinh từ cuộc chiến thương mại của ông Donald Trump lại liên quan đến các vấn đề về sở hữu trí tuệ, các chính sách ép buộc chuyển giao công nghệ của Trung Quốc và sự mở cửa thị trường nội địa của Trung Quốc với nước ngoài, cụ thể là Mỹ, thương mại và đầu tư.

Những yêu cầu này là khá “toàn diện” và rõ ràng là đòi hỏi một chiều từ phía Mỹ, tất nhiên sẽ đổi lại bằng việc Mỹ không tiếp tục nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, các yêu cầu của ông Trump không đơn thuần là vì những lợi ích có thể kể ra trên giấy đó. Mục tiêu đằng sau đó chắc chắn còn là vì những lợi ích chính trị, cho cả nước Mỹ cũng như cho riêng những tính toán cá nhân của ông chủ Nhà Trắng. Trong tính toán của ông Trump, chiến thắng Trung Quốc là chiến thắng để tái củng cố vị thế của nước Mỹ, mà trong một quãng thời gian nào đó đã bị lung lay bởi những thế lực mới nổi như Trung Quốc, chiến thắng này là để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Cũng cần nhớ thêm rằng, Tổng thống Trump đang chuẩn bị cho việc tái tranh cử, những kết quả đạt được trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là thước đó rất có giá trị để các cử tri đứng về phía mình.

Chiến tranh sẽ ngày càng bình thường?

Cái mà các bên đang hướng tới trước mắt là thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”. Cho dù Tổng thống Trump vẫn niềm nở ca tụng nó là một thỏa thuận vĩ đại và lớn nhất từng đạt được. Song, thực tế nhìn vào những gì hai bên đang thảo luận và công bố, phần lớn các biện pháp thuế quan nhắm đánh vào hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vẫn không có gì thay đổi.

Mặc dù ông Trump đánh giá cao khi Trung Quốc nhất trí mua hàng nông sản của Mỹ trị giá 50 tỷ USD song ông lại vẫn giữ nguyên các đòn thuế quan đối với hàng hóa của Trung Quốc trị giá hàng trăm tỷ USD. Điều này làm dấy lên quan ngại rằng thuế quan sẽ trở thành một biện pháp "bình thường mới".

Một vấn đề hầu như không được đề cập đến trong giai đoạn hiện nay là những phàn nàn của Mỹ đối với mô hình kinh tế do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc, vấn đề khiến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung "nóng" ngay từ giai đoạn đầu. Giới chuyên gia thương mại và phân tích thị trường Trung Quốc nhận định khả năng cao là hai bên sẽ không đạt được đồng thuận về bất kỳ nội dung cụ thể nào khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau vào giữa tháng 11 này. Hai bên cũng từng không đạt được nội dung nào tại cuộc đàm phán hồi tháng 5.

Theo giới chuyên gia, ngay cả khi Washington và Bắc Kinh đạt được đồng thuận nào đó thì Trung Quốc sẽ ít có xu hướng chấp thuận theo những nhượng bộ vốn cần thiết để hai bên đi tới "giai đoạn 2" khó khăn hơn của các vòng đàm phán. Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ chọn "sống chung" với các đòn trừng phạt của Washington. Và như vậy, một lần nữa, chiến tranh thương mại lại trở thành một điều bình thường, là cách lựa chọn sống chung và đối mặt, không chỉ của Mỹ mà cả của Trung Quốc.

Trước khi xảy ra cuộc chiến thương mại, viễn cảnh kinh tế toàn cầu hết sức sáng sủa. Cuối năm 2017, chính quyền Tổng thống Donald Trump chuẩn bị thực hiện các chính sách cắt giảm thuế mạnh tay nhằm kích thích môi trường đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng của Mỹ, châu Âu đã rũ bỏ được tình trạng tăng trưởng ảm đạm sau khủng hoảng, còn Trung Quốc thì tăng trưởng chậm chạp song vẫn bền vững. Thế nhưng, khi cuộc chiến thương mại bùng phát, Trung Quốc và Mỹ áp đặt các đòn thuế quan "ăn miếng trả miếng".

Thiệt hại của những đòn đánh qua lại này là rõ ràng đối với cả hai bên và không chỉ hai bên mà là toàn cầu. Vậy nên có hề gì khi thiệt hại không chỉ của riêng ai, nếu như không đạt được những lợi ích đủ lớn, hai bên vẫn sẽ sẵn sàng kìm chân nhau.

Lâm Phong

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/thuong-chien-my-trung-dang-sau-nhung-cai-bat-tay-566779/