Thương chiến Mỹ-Trung: Cây gậy thuế khóa có hiệu quả không?

Nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được một thỏa thuận thương mại, ít nhất là trên nguyên tắc, tại cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Fukuoka, Nhật Bản vào cuối tháng này, Chính phủ Mỹ sẽ tăng thuế nhập khẩu lên 25% đối với lượng hàng Trung Quốc có giá trị hàng năm khoảng 300 tỉ đô la Mỹ. Cộng với 250 tỉ đô la hàng hóa đã bị áp thuế 25%, toàn bộ hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ đều phải chịu thuế 25%.

 Với biên lợi nhuận chỉ từ 5-10%, nhiều cửa hàng thương mại cỡ nhỏ ở Mỹ quyết định đóng cửa, ngừng kinh doanh, khi thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tăng tới 25%. Nguồn: Adobe stock

Với biên lợi nhuận chỉ từ 5-10%, nhiều cửa hàng thương mại cỡ nhỏ ở Mỹ quyết định đóng cửa, ngừng kinh doanh, khi thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tăng tới 25%. Nguồn: Adobe stock

Chính phủ Mỹ tính rằng, đòn tăng thuế sẽ làm cho hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, người Mỹ sẽ mua hàng của các nước khác, các doanh nghiệp sẽ chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á hoặc sang các thị trường gần như Canada, Mexico, tốt nhất là chuyển về Mỹ để vừa giúp giảm thâm hụt thương mại vừa tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ.

Dưới áp lực của đòn tăng thuế và tác động của nó, Trung Quốc buộc phải thay đổi cung cách thương mại, giảm hoặc bãi bỏ việc trợ cấp của chính phủ cho các doanh nghiệp nhà nước, chấm dứt tình trạng ép buộc công ty nước ngoài phải chuyển giao bí quyết công nghệ, mở cửa thị trường và tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ.

Cho đến nay, tính toán đó tỏ ra không đúng, dù Mỹ đã hai lần tăng thuế lên lượng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu có giá trị tới 250 tỉ đô la Mỹ. Lý do đơn giản là, khoản tiền thuế nhập khẩu tăng thêm sẽ do các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ chi trả chứ không phải do nhà sản xuất Trung Quốc gánh chịu như nhận định sai lầm của ông Trump. Hai lần tăng thuế trước, doanh nghiệp và người dân Mỹ không phản ứng nhiều vì hầu hết các mặt hàng bị áp thuế là sản phẩm công nghiệp, ít đụng chạm đến túi tiền của người dân.

Nhưng danh mục hàng nhập khẩu trị giá 300 tỉ sắp bị tăng thuế bao gồm toàn bộ các mặt hàng tiêu dùng mà người Mỹ mua sắm hàng ngày ở các siêu thị Wal-Mart, Costco, Target... và trên mạng thương mại điện tử Amazon, như điện thoại di động và hàng điện tử tiêu dùng, quần áo, giày dép, thực phẩm.

Liên đoàn Bán lẻ quốc gia (National Retail Federation - NRL) cho biết, Trung Quốc cung cấp tới 42% sản phẩm quần áo; 73% đồ dùng gia đình và 88% đồ chơi trẻ em bày bán trong các cửa hàng tại Mỹ. Nếu kế hoạch tăng thuế của chính phủ được thực thi, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chi thêm mỗi năm 4,4 tỉ đô la cho quần áo, 2,5 tỉ đô la cho giày dép và 1,6 tỉ đô la cho đồ dùng gia đình.

Mark Zandi, nhà kinh tế chính của Moody’s Analytics, cho rằng việc tăng thuế nhập khẩu sẽ làm cho kinh tế Mỹ mất đi 900.000 công việc làm, chủ yếu trong các ngành bán lẻ, dịch vụ thương mại và sản xuất nhỏ. “Kinh tế Mỹ có thể bị kéo vào suy thoái cuối năm nay và đầu năm tới”, ông Zandi nói, theo AP.

Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang nài nỉ Tổng thống Trump đừng mở rộng việc tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc, vì làm như vậy sẽ đẩy giá hàng tiêu dùng lên cao, xói mòn lợi nhuận và khiến doanh nghiệp Mỹ mất sức cạnh tranh so với các đối thủ nước ngoài vốn không phải chịu thuế cao khi mua linh kiện phụ tùng từ Trung Quốc.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), một cơ quan ngang bộ, dành ra bảy ngày, từ thứ Hai tuần này, để lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp trước khi quyết định có áp thuế lên 300 tỉ hàng hóa Trung Quốc như kế hoạch hay không. Đại diện Thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer cũng đã phải ra điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện hôm thứ Ba, và trước Ủy ban Ngân sách Hạ viện hôm thứ Tư về quyết định tăng thuế; các nhà lập pháp tại hai ủy ban này đều phản đối mạnh việc lạm dụng cây gậy thuế khóa của chính phủ.

Trong khi đó, ý định lôi kéo doanh nghiệp chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế cũng khó thực hiện, một phần do đây là một công việc phức tạp, không thể hoàn thành trong một thời gian ngắn, phần khác do tính chất bất định trong chính sách của Mỹ.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực sản xuất xe hơi và phụ tùng xe hơi đang rục rịch chuyển về Mexico để vừa tận dụng ưu đãi thuế quan của hiệp định tự do thương mại Mỹ-Canada-Mexico vừa ký kết, vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển sản phẩm.

Nhưng vào tháng trước, ông Trump tuyên bố tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, tăng dần dần sao cho đạt mức 25% vào tháng 10-2019. Ông coi đây là một biện pháp buộc Mexico phải tích cực ngăn chặn dòng người nhập cư từ các nước Trung Mỹ - một lĩnh vực không liên quan gì tới thương mại.

Quyết định này sau đó đã tạm hoãn khi Mexico cam kết kiểm soát dòng người nhập cư đi qua lãnh thổ Mexico để tới Mỹ. Tương tự như vậy, khi các nhà sản xuất hàng điện tử, mà nổi bật là tập đoàn Foxconn của Đài Loan chuyên lắp ráp điện thoại iPhone và hàng điện tử cao cấp, tìm cách chuyển dần sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ thì chính phủ của ông Trump bất ngờ hủy bỏ quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mà Ấn Độ được hưởng xưa nay với tư cách một nền kinh tế đang phát triển - thực chất là hủy bỏ chính sách miễn giảm thuế, thay bằng chính sách áp thuế nhập khẩu cao - buộc Ấn Độ hôm 15-6 phải trả đũa bằng quyết định áp thuế từ 7,5-120% lên 28 dòng sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ.

Thay vì mở hướng cho các doanh nghiệp đầu tư rút khỏi Trung Quốc, Chính phủ Mỹ lại vung cây gậy thuế khóa ở khắp nơi, đẩy nhà sản xuất vào những tình huống bất định và nguy hiểm, ở lại Trung Quốc cũng dở mà ra đi thì không biết đi đâu về đâu!

Sự phát triển thần kỳ của kinh tế Trung Quốc hai mươi năm qua có phần nhờ nước này thực thi một cung cách thương mại không công bằng, doanh nghiệp nước ngoài không được đối xử và cạnh tranh bình đẳng, không thể làm ở Trung Quốc những gì mà doanh nghiệp Trung Quốc được tự do thực hiện ở nước ngoài.

Chấn chỉnh cung cách làm ăn của Trung Quốc là một nhiệm vụ mà nhiều tổng thống Mỹ đã thử làm nhưng chưa có kết quả. Với 1,4 tỉ dân và kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, Trung Quốc là một thị trường sản xuất và tiêu thụ lớn, đóng góp quan trọng vào doanh thu và lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có rất nhiều tập đoàn Mỹ.

Tuy nhiên, đây lại là một nền kinh tế phi thị trường, bộ phận doanh nghiệp nhà nước được coi là “chủ đạo”, được hưởng nhiều ưu đãi mà các tập đoàn tư nhân nước ngoài không thể cạnh tranh nổi. “Ra đòn” như thế nào để Trung Quốc phải thay đổi, công bằng và minh bạch hơn, nhưng lại không gây trở ngại cho hoạt động của các doanh nghiệp, không gây xáo trộn cho kinh tế toàn cầu và tổn hại cả kinh tế Mỹ và Trung Quốc... là một bài toán rất khó.

Huỳnh Hoa

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290271/thuong-chien-my-trung-cay-gay-thue-khoa-co-hieu-qua-khong.html