Thương chiến: Mỹ chưa bỏ thuế với hàng Trung Quốc, nhưng sẵn sàng đàm phán

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi đầu tháng, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai phát đi tín hiệu cởi mở trong đàm phán thương mại với Trung Quốc nhưng nói rằng, việc 'cắt bỏ' các mức thuế quan đã kéo dài ba năm đối với các sản phẩm của Trung Quốc do chính quyền Trump áp đặt có thể vô tình gây hại cho nền kinh tế Mỹ.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai

Bình luận này có thể làm sáng tỏ cách tiếp cận của chính quyền mới trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Wall Street Journal, bà Tai nói chỉ cần "gỡ bỏ" thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp đặt từ tháng 3 năm 2018 có thể gây tổn hại cho các công ty Mỹ, thương nhân, nhà sản xuất và công nhân của họ, những người đã thích nghi với môi trường thương mại sau thuế quan.

Mặc dù không cung cấp chi tiết cụ thể về kế hoạch của chính quyền Biden đối với vấn đề thuế quan, bà Tai cho biết, bất kỳ thay đổi nào sẽ cần phải được "thông báo theo cách để các tác nhân trong nền kinh tế có thể điều chỉnh" và có "khả năng lập kế hoạch."

Là người Mỹ gốc Á đầu tiên đảm nhiệm vị trí Đại diện Thương mại Mỹ trong chính phủ liên bang, bà Tai cũng nói rằng thuế quan, ảnh hưởng đến khoảng 370 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc hàng năm, được đưa ra “để khắc phục tình trạng thương mại không cân bằng và không công bằng”.

"Không có nhà đàm phán nào không dùng đòn bẩy, phải không?" Đại diện Thương mại Mỹ nói và điều này cho thấy chấm dứt thuế quan có thể được sử dụng như một thứ mặc cả để khiến Trung Quốc buộc phải thực hiện cam kết mua nhiều hàng hóa do Mỹ sản xuất.

Cuộc phỏng vấn bà Tai diễn ra một tuần sau khi Nhà Trắng tổ chức cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên với các quan chức Trung Quốc tại Alaska, sau đó Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết hai ngày "đàm phán trực tiếp và khó khăn" không mang lại đột phá ngoại giao nào.

Khi cuộc chiến thương mại kéo dài trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc đã đè nặng lên cả nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, dẫn đến việc áp thuế trả đũa đối với hàng hóa của Mỹ, làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP và giảm khối lượng thương mại. Hai quốc gia đã đạt được thỏa thuận "Giai đoạn Một" vào tháng 1 năm 2020, nhưng mặt trận đàm phán trở nên xấu đi từ giữa năm, khi ông Trump nói quan hệ giữa hai nước đã bị "tổn hại nghiêm trọng" bởi Covid-19.

Theo CNN, Mỹ vẫn áp thuế đối với khoảng 66% hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, dẫn đến việc tăng giá đối với mọi thứ, từ mũ bóng chày, hành lý cho đến ti vi và giày thể thao.

"Trung Quốc đồng thời là một đối thủ, một đối tác thương mại và một nước lớn chúng tôi cần hợp tác để giải quyết những thách thức toàn cầu nhất định", bà Tai nói tại một phiên điều trần xác nhận của Thượng viện Mỹ hồi cuối tháng Hai. "Chúng tôi phải ... truyền đạt các giá trị và quy tắc hướng dẫn thương mại toàn cầu — và chúng tôi phải thực thi các điều khoản đó một cách mạnh mẽ."

Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng hồi cuối tuần qua, Tổng thống Joe Biden đã né tránh câu hỏi về việc liệu ông có duy trì mức thuế đối với hàng Trung Quốc hay không, thay vào đó nói rằng ông muốn khôi phục quan hệ giữa hai quốc gia trong khi đảm bảo rằng "Trung Quốc chơi theo các quy tắc quốc tế "về cạnh tranh bình đẳng, nhân quyền và thương mại.

"Tôi thấy sự cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc. Trung Quốc có mục tiêu tổng thể ... trở thành quốc gia hàng đầu thế giới, quốc gia giàu có nhất thế giới và quốc gia quyền lực nhất thế giới", ông Biden nói. "Điều đó sẽ không xảy ra trong nhiệm kỳ của tôi."

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thuong-chien-my-chua-bo-thue-voi-hang-trung-quoc-nhung-san-sang-dam-phan-post1324173.tpo