Thương chiến không biến động: Bắc Kinh mặc kệ Washington

Trung Quốc phớt lờ điều kiện cải cách kinh tế Mỹ đưa ra để đàm phán dù kinh tế ảm đạm vì thương chiến.

South China Morning Post cuối tuần này đăng bài bình luận cho thấy, Trung Quốc đang bỏ qua những lời đề nghị của Washington liên quan đến việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước và kế hoạch "Made in China 2025" - một trong những điều kiện quan trọng nhằm hướng tới những vấn đề còn khác biệt trong đàm phán thương mại.

Mỹ - Trung chưa nối lại đàm phán thực sự về thương chiến.

Mỹ - Trung chưa nối lại đàm phán thực sự về thương chiến.

Theo đó, Trung Quốc đang củng cố mô hình kinh tế do Nhà nước chỉ đạo, ngược lại hoàn toàn với điều kiện của Mỹ đưa ra. Đây là mô hình cho phép sự xâm nhập sâu hơn của các yếu tố Nhà nước Trung Quốc trong các hội đồng quản trị ở các công ty tư nhân.

Giáo sư kinh tế Li Yiping tại Đại học Renmin trả lời trên Nhân dân Nhật báo, bảo vệ mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện nay.

Ông cho rằng, mô hình này có những đặc điểm chung với các nền kinh tế thị trường khác, bao gồm các thực thể ở những công ty có quyền sở hữu rõ ràng, cơ chế thị trường đóng vai trò quyết định trong phân bổ nguồn lực và vai trò của chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ công cộng cần thiết và hướng dẫn phát triển.

"Không chỉ có một mô hình kinh tế thị trường. Nó thậm chí còn khác biệt giữa các quốc gia phát triển" - ông Li Yiping cho hay.

Tuy nhiên, sự chi phối của Nhà nước tại các Tập đoàn kinh tế tư nhân của Trung Quốc hiện sắp được "xuất khẩu" thông qua sáng kiến "Vành đai- Con đường" không thể khiến Washington giảm bớt sự chú ý.

Mỹ đã đặc biệt chỉ trích việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhận được trợ cấp từ Nhà nước khi tham gia vào kế hoạch "Made in 2025" của nước này. Điều này tạo ra một sân chơi không công bằng cho các công ty nước ngoài.

Trung Quốc tiếp tục lập luận, đưa ra khái niệm về tính trung lập trong cạnh tranh tại bản sửa đổi về Luật đầu tư của nước này trước đó, khẳng định sẽ đối xử bình đẳng với mọi công ty, bất kể quyền sở hữu thuộc về nhà nước hay tư nhân, ở trong hay ngoài nước.

Sự khác biệt này không giúp Mỹ và Trung Quốc bàn bạc để có một thỏa thuận thực sự.

Trung Quốc giảm mạnh chỉ tiêu kinh tế

Xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đều giảm trong tháng 6, do ảnh hưởng của thuế quan do Mỹ áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.

Theo số liệu mới được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 12/7, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 1,3% sau khi thuế quan Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc tăng từ 10-25%.

Tính trong 6 tháng nửa đầu năm 2019, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 8,1% xuống còn 199,4 tỷ USD.

Nhập khẩu hàng hóa Mỹ vào Trung Quốc cũng sụt giảm, từ 7,3% trong tháng 6 xuống còn 161,8 tỷ USD.

Số liệu cho thấy mức độ ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc vẫn tốt hơn so với các nhà dự báo. Giới quan sát cho rằng, xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ có thể giảm 1,7%.

Thặng dư thương mại tổng thể của Trung Quốc là 50,98 tỷ USD trong tháng 6.

Chỉ riêng trong tháng 6, theo tính toán của South China Morning Post , xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 7,8% xuống còn 39 tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm 31,4% xuống còn 9 tỷ USD.

Dữ liệu thương mại yếu chỉ ra áp lực đáng kể đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới để vật lộn với cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Bắc Kinh đang cố gắng duy trì đà tăng trưởng bằng việc nối lại đàm phán thương mại với Mỹ.

Tăng trưởng GDP được dự báo sẽ ở mức 6,2% trong quý 2, mức thấp nhất trong một quý kể từ năm 1992.

Nhu cầu nội địa đang suy yếu và những tác động tiêu cực của thuế quan khiến giới đầu tư kỳ vọng sự thay đổi chính sách từ Chính phủ Trung Quốc.

Ông Wang Tao, Trưởng bộ phận Kinh tế Trung Quốc tại ngân hàng UBS tại Hong Kong, cho biết: “Trong 2 quý cuối của năm 2019, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm hơn và nhu cầu từ ngoài nước sẽ vẫn là lực cản lớn nhất, nền kinh tế chỉ ổn định với sự hỗ trợ tích cực của chính sách”.

Khi dân số Trung Quốc già đi, kinh tế nước này phải làm quen với đà tăng trưởng 1 con số, thay vì tăng trưởng 2 con số vào giữa thập niên 2000, và các nhà hoạch định chính sách đang cố kiểm soát đà suy giảm tăng trưởng, trong khi vẫn kiềm chế nợ và giải quyết tình trạng thất nghiệp đang gia tăng.

Lu Ting, Kinh tế gia trưởng phụ trách Trung Quốc tại Nomura nhận định:"Nếu đàm phán thương mại lại đổ vỡ, và Mỹ áp thuế lên toàn bộ hàng xuất khẩu của Trung Quốc, lĩnh vực xe hơi và bất động sản sẽ là nơi mà từ đó các nhà làm chính sách sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế".

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/thuong-chien-khong-bien-dong-bac-kinh-mac-ke-washington-3383766/