Thương cảm cuộc sống của 3 đứa trẻ mồ côi nơi miền đá Hà Giang

Trong căn nhà trơ trọi giữa ngút ngàn, ba đứa trẻ phải đối diện với tương lai vô định trong màn sương mù mịt của miền đá xám Hố Quáng Phìn.

Bố tự tử bằng lá ngón mẹ bỏ đi lấy chồng

Những ngày giáp Tết, chúng tôi tìm đến nhà của ba đứa trẻ có hoàn cảnh nhất của xã Hố Quáng Phìn.

Xã Hố Quáng Phìn cách trung tâm huyện Đồng Văn hơn 40 km, cách thành phố Hà Giang chừng 5 tiếng đồng hồ đi xe máy, nơi đây chỉ có đá và đá dân cư chủ yếu là người Mông và Dao sinh sống, nơi đây có 4- 6 tháng là mùa khô thiếu nước đời sống khó khăn nhất huyện.

Giống như 3 chú chim lạc mẹ, Sùng Mí Tủa 13 tuổi là đứa lớn nhất chăm sóc 2 em Sùng Mí Nô 10 tuổi và Sùng Mí Say 7 tuổi trong căn nhà tuềnh toàng không một vật dụng đáng giá.

Khi chúng tôi đến thôn Há Súa, nhà của những đứa trẻ, đã cuối giờ chiều, trong căn nhà u tối, bốc mùi 3 anh em Mí Tủa chụm lại bên bàn gỗ, mỗi đứa một bát mèn mén nấu từ bao giờ đang bắt đầu bữa tối của mình.

Ba anh em Mí Tủa gầy gò thiếu áo ấm trong mùa đông giá. Ảnh: LC

Ba anh em Mí Tủa gầy gò thiếu áo ấm trong mùa đông giá. Ảnh: LC

Còi cọc, run rẩy trong những chiếc áo cũ mèm không đủ ấm, 3 anh em mồ côi sống lay lắt trong căn nhà lạnh lẽo thiếu hơi ấm của vòng tay bố mẹ cùng một tương lai mù mịt.

Theo lời kể của hàng xóm, bố của 3 anh em Mí Tủa mất vào mùa ngô năm 2018, người đàn ông Mông ấy sau khi chạy vạy khắp nơi, bán cả bò để chữa bệnh cho vợ đã không chịu được áp lực, trong một cơn say ông lên núi ăn lá ngón tìm đến cái chết bỏ lại 3 đứa con cho người vợ trẻ.

Hai tháng sau cái chết của chồng, mẹ chúng tái giá với một người đàn ông khác, 3 em chính thức mất chỗ dựa cả bố lẫn mẹ, bơ vơ tự sinh sống trong ngôi nhà trình tường bố để lại.

Chúng tôi đến được một lúc thì một bà cụ người Mông héo hon lập cập mò đến, đó là bà nội của 3 em sống cùng chú ruột ở cách đó gần trăm mét.

Bà cụ tên Thò Thị Mò, 65 tuổi là người thân duy nhất chăm lo cho cuộc sống của ba đứa bé bơ vơ nơi thôn nghèo miền đá này.

Những bát mèn mén cho bữa tối này là từ trưa nay sau khi đồ chín bà bớt một ít chia phần mang sang cho 3 đứa cháu của mình.

Mí Tủa và những bức tranh của 3 anh em. Ảnh: LC

Tuổi chúng còn nhỏ có làm được gì đâu, thằng anh lớn nhất còn biết nấu cơm giặt giũ, 2 đứa kia bé quá như quả bí ngô lăn lóc trong nhà chờ ăn thôi.

Nhà chú nó cũng đông con, nghèo chẳng giúp được gì mấy, khổ lắm, vừa nói vừa khóc những tâm sự của người phụ nữ Mông đứt đoạn theo tiếng nấc.

Sự xuất hiện của bà cụ khiến anh Giang A Phớn và nhân viên của mình bị xúc động mạnh, những gói quà trao tay trong chiều đông đong đầy cảm xúc.

Đêm sương miền đá và nỗi lo của bà nội già

Sùng Mí Tủa đã 13 tuổi nhưng còi cọc hơn tuổi rất nhiều, 2 đứa em nhỏ hơn đôi mắt ngây thơ hoang hoải nhìn những người lạ mang gạo đồ ăn đến cho mình với vẻ biết ơn rè rụt.

Nhìn cảnh nheo nhóc không người chăm sóc của 3 anh em Mí Tủa thực khiến ai cũng khó cầm được nước mắt…

Trong cái lạnh mùa đông vùng cao nguyên đá, thiếu thốn nước sinh hoạt của Hố Quáng Phìn, 3 anh em dường như đã lâu không được tắm gội, tóc dài, bê bết và có mùi.

Bữa tối với mèn mén của 3 anh em. Ảnh: LC

Cả 3 em đều đang học ở trường trung tâm xã, anh cả Mí tủa mới học lớp 6 còn hai đứa Mí Nô lớp 4, Mí Say lớp 2, những giấc mơ về hạnh phúc và tương lai được các em thể hiện qua những bức vẽ dán trên tường đất.

Bữa cơm ngon nhất trong ngày của các em là bữa cơm ở trường, ở đó các em được ăn uống đầy đủ như các bạn, nhưng về nhà lại mỗi đứa một tô mèn mén chan nước và thon thót giật mình trong giấc ngủ mơ màng, thiếu cha, vắng mẹ.

Bà Thò Thị Mò cho biết những đêm tối mù sương, xóm Há Súa vang tiếng chó sủa bà không sao ngủ nổi, lo cho các cháu nhỡ có gì xảy ra.

Bà lại thức dậy tìm đèn pin phá sương mù tìm đến xem các cháu ngủ được không, có bị rét quá hay tệ hơn bị kẻ xấu tìm đến làm hại.

Trao đổi với anh Vàng Mí Páo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hố Quáng Phìn được biết cuộc sống của 3 cháu bé tương đối khó khăn khi mất bố, mẹ bỏ đi.

Hiện nay các cháu vẫn đang theo học tại trung tâm xã và nhận được các chế độ ăn và trợ cấp cho học sinh vùng khó khăn như các học sinh khác trên địa bàn huyện.

Tương lại các em xám xịt như màu của miền đá Hố Quáng Phìn. Ảnh: LC

Với hoàn cảnh của 3 cháu, xã thường xuyên thăm hỏi động viên và khi các đoàn từ thiện đến đều đưa 3 cháu vào danh sách ưu tiên hỗ trợ.

An ninh thôn xóm tại Hố Quáng Phìn cũng rất đảm bảo nên không đáng lo về an toàn của các cháu.

Trên đường rời Há Súa, chúng tôi không khỏi ám ảnh câu hỏi sau này ai sẽ là người thay bà nội bảo hộ, chăm sóc cho các em là một câu hỏi khó trong màn đêm sương của Hố Quáng Phìn?

Để các em không mất tương lai, cần nhiều sự ủng hộ từ các nhà hảo tâm để giúp các em ổn định cuộc sống và tiếp tục theo học.

Trần Phương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/thuong-cam-cuoc-song-cua-3-dua-tre-mo-coi-noi-mien-da-ha-giang-post206100.gd