Thương binh làm kinh tế giỏi trên đại ngàn tây nguyên

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vết thương vẫn hành hạ thân thể những thương binh mỗi khi trái gió trở trời. Nhưng với phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, các thương binh ở Tây Nguyên đã vượt qua khó khăn vươn lên làm kinh tế, làm gương cho nhiều người noi theo.

Ông Hinh bên đàn bò 200 con của mình

Trên mảnh đất đại ngàn Tây Nguyên, nhiều thương binh vượt khó thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình kinh tế nuôi, trồng. Ông Đàm Văn Hinh (SN 1958) cho biết, sinh ra và lớn lên tại xã Liên Bảng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, tham gia bộ đội tại quân đoàn 3 (sư 320) làm nghĩa vụ quốc tế campuchia năm 1977, bị thương tại chiến trường campuchia. Năm 1982 xuất ngũ ông Hinh về thôn Kim Phát, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk lắk sinh sống với tỷ lệ thương tật 35%.

Gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên như một cơ duyên, ông Hinh cho biết: “Năm 1982, xin vào làm việc tại Sở Xây dựng Đắk Lắk và được phân công công tác tại Xí nghiệp Gạch ngói xã Hòa Hiệp, huyện Krông Ana, nay là huyện Cư Kuin. Tại đây tôi gặp ý trung nhân và nên duyên vợ chồng. Đến năm 1986, tôi được điều về công tác tại UBND xã Hòa Hiệp, phụ trách việc thu thuế. Năm 1992, kinh tế gia đình khó khăn nên xin nghỉ việc Nhà nước để về tăng gia sản xuất. Mở đầu cho việc làm kinh tế gia đình, tôi cùng vợ nấu rượu, nuôi heo”.

Những cây Bơ trĩu quả xen canh trong vườn cà phê

Dù thương tật nhưng với số tiền tích lũy được, ông Hinh mua được 0,4 ha rẫy vào năm 2000 tại xã Tam Giang huyện Lắk, làm chuồng trại trồng cỏ nuôi bò, dê. Tuy còn nhiều khó khăn vất vả nhưng tinh thần người lính Cụ Hồ, ông Hinh không ngại khó khăn, hiện ông mua được 10ha đất mở rộng trang trại làm thêm 3 chuồng nuôi bò, dê, với hơn 200 con bò, hơn 100 con dê, chủ yếu trồng cỏ nuôi bò, ngoài trang trại này ông Hinh còn có 1ha đất gần nhà trồng chủ yếu hồ tiêu, cà phê, bơ, sầu riêng và nuôi heo lai tổng đàn hơn 40 con. Ngoài nhân lực trong gia đình, ông Hinh còn tạo được công ăn việc làm cho hơn 10 lao động làm việc thường xuyên như trồng cỏ, cắt cỏ, chăm sóc bò dê… Tính tổng thu nhập bình quân thu được trong một năm hơn 400 triệu đồng.

Ông Hinh cho đàn lợn giống ăn

Cũng với ý chí không cam chịu đói nghèo, thương binh Nguyễn Quang Chiến đã xin làm bảo vệ vườn cây của Công ty Chè Biển Hồ và nhận 1 ha chè của Công ty chăm sóc. Bên cạnh đó, ông còn chăn nuôi gà, bò, mỗi năm cho thu hàng tấn thịt và trứng. Nhờ vậy, gia đình ông mua thêm được 3 ha đất trồng cà phê và hồ tiêu. Hiện mỗi năm trừ hết chi phí gia đình ông cũng để dành được 500 triệu đồng. Ông Chiến nhớ lại: xung phong đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia từ năm 1977, tôi cùng đồng đội vượt qua bao hiểm nguy, gian khó. Cuối năm 1983, tôi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về quê hương Quảng Trị. Song vì điều kiện đất đai ít, cuộc sống khó khăn, năm 2007, tôi đưa gia đình vào thôn 5, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah tỉnh Gia Lai lập nghiệp.

Cuộc sống ổn định, ông Chiến mua sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình, có điều kiện nuôi con ăn học thành đạt. Ông Nguyễn Quang Chiến chia sẻ: “Nhiều lúc trái nắng trở trời, người đau ê ẩm, có lúc không dậy được. Nhưng là trụ cột trong gia đình, tôi cố gượng dậy và làm kinh tế. Nhìn thấy các con học hành ngoan ngoãn, cà phê, hồ tiêu cho giá trị sản lượng cao, tôi mừng lắm!”.

Năm 2007, ông Chiến được bà con nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn và được chi bộ thôn 5 bầu làm Phó Bí thư chi bộ. Năm 2016, ông xin nghỉ chuyển sang làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu Chiến binh sản xuất-kinh doanh giỏi huyện Chư Pah. Ở cương vị nào, thương binh Nguyễn Quang Chiến cũng luôn gương mẫu. Ông còn thường xuyên tạo điều kiện giúp đỡ đồng đội và các gia đình khó khăn được hỗ trợ về vốn, cây giống.

Sầu Riêng xen canh trong vườn cà phê

Một trong những gương điển hình thương binh làm kinh tế giỏi ở Gia Lai, ông Hoàng Văn Thùy quê Hưng Yên, đang cư trú tại tổ 12, phường Hoa Lư, Thành Phố Pleiku, tỉnh Gia Lai kể: Năm 1970, lên đường nhập ngũ và chiến đấu tại các chiến trường ở tỉnh Tây Ninh. Giữa năm 1973, trong một trận đánh, tôi bị thương nặng, không còn đủ sức khỏe tham gia chiến đấu. Phục viên về quê Hưng Yên, cuộc sống quá khó khăn, năm 2000, đưa gia đình vào Thành Phố, Pleiku tỉnh Gia Lai làm trang trại nuôi gà siêu trứng. “Mới đầu có ít vốn, tôi nuôi 500 con gà và nuôi thêm chim cút. Về sau thấy việc nuôi gà thuận lợi, tôi phát triển lên dần đến nay là 5.000 con. Trung bình một ngày đàn gà cho từ 2.500 đến 3.000 quả trứng. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng lãi trên 20 triệu đồng. Nghề nuôi gà cũng mạo hiểm lắm, mỗi người có bí quyết riêng, song quan trọng vẫn là ở khâu phòng ngừa dịch bệnh, xử lý môi trường, chăm sóc gà thật tốt. Nhiều bà con nông dân biết đến ông bởi đây là tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi. Không những thế, ông còn luôn quan tâm giúp đỡ đồng đội, những gia đình chăn nuôi khó khăn bằng cách bán thức ăn, gia cầm trả chậm, không tính lãi.

Vườn tiêu xanh tốt của nhà ông Đai

Về tỉnh Đắk Nông, gặp Ông Vũ Ðình Ðai ở thôn Ðắk Tiên 1, xã Ðắk N’Drung huyện Đắk Song, là thương binh mất 60% sức khỏe, nhưng vẫn không ngừng lao động sản xuất, đưa kinh tế gia đình phát triển. Năm 2001, được một người đồng đội hỗ trợ cây giống, ông đầu tư trồng 600 trụ tiêu, để “lấy ngắn nuôi dài” ông trồng thêm các loại cây ngắn ngày và mở rộng thêm diện tích. Ðến nay, gia đình ông đã có 1.200 trụ tiêu cho thu hoạch, mỗi năm thu về hơn 10 tấn tiêu, trị giá hơn 520 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông còn thường xuyên hỗ trợ hàng chục triệu đồng vốn không lấy lãi, cung cấp cây giống giá rẻ cũng như hướng dẫn kỹ thuật cho các hội viên cựu chiến binh và bà con hàng xóm. Ông Ðai chia sẻ: “Quá trình phát triển kinh tế gia đình, tôi luôn làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “cần, kiệm” và xem đó là bài học lớn để giáo dục con cháu. Chăm chỉ lao động sản xuất và tích lũy để chủ động trong mọi tình huống, chăm lo tốt cuộc sống gia đình, đóng góp cho xã hội là điều mà tôi luôn tâm niệm”.

Tương tự, thương binh Vũ Văn Ðức cư trú tại thôn 8, xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông từ năm 1999. Với bản tính cần cù, chịu khó làm việc, ông tích góp tiền mua đất dựng nhà, xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo. Sau quá trình chăn nuôi nhỏ lẻ, ông đã liên kết với một doanh nghiệp tại Ðắk Lắk để chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Gia đình ông bỏ vốn xây dựng chuồng trại và chăm sóc đàn vật nuôi, doanh nghiệp cung cấp con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, gia đình ông đã có 2 trại nuôi heo, với quy mô 1000 con heo thịt, trang bị đầy đủ hệ thống máng ăn tự động, nước uống nhỏ giọt. Nhờ nắm bắt kỹ thuật và cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc, chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật nên đàn heo phát triển nhanh, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán 2 lứa heo, mỗi lứa trừ chi phí cũng có thu nhập gần 300 triệu đồng. Trang trại còn tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên tại địa phương với thu nhập ổn định.

Những thương binh tàn nhưng không phế ngoài việc làm kinh giỏi có nguồn thu nhập ổn định. Các đồng chí còn tạo điều kiện giúp đỡ đồng đội và nhiều gia đình ở địa phương có công việc làm thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống. Ông Ðức tâm sự: “Là một người lính đã hoàn thành nghĩa vụ trong quân đội trở về địa phương, thì tham gia sản xuất, kinh doanh cũng phải làm sao cho xứng đáng với danh hiệu người lính Cụ Hồ”.

LÊ NHUẬN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thuong-binh-lam-kinh-te-gioi-tren-dai-ngan-tay-nguyen-d78966.html