Màu dân tộc trong tranh khắc gỗ

Nhắc tới tranh khắc gỗ của Việt Nam, người ta thường nhớ tới họa sĩ Trần Nguyên Đán. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, ông làm việc bền bỉ, lặng lẽ để tôn vinh văn hóa Việt. Những sáng tạo của ông đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Nhà nước với cụm 5 tác phẩm: 'Nghệ nhân Hàng Trống', 'Chăm học chăm làm', 'Trở lại Tam Bạc', 'Hội đền Hùng' và 'Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội'.

1. Tìm đến nhà ông ở khu phố Khương Trung (Hà Nội), mới thấy sự bền bỉ làm nghề của một bậc trưởng lão trong làng tranh khắc gỗ. Xuân này ông bước vào tuổi 77 nhưng ngày ngày ông vẫn cần mẫn vẽ vẽ, khắc khắc. Họa sĩ Trần Nguyên Đán kể, năm qua ông có chuyến "hành phương Nam" đáng nhớ.

Số là, ông được Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, mời đích danh để trưng bày triển lãm cá nhân. Mọi chi phí do Bảo tàng chi trả. Điều đó khiến ông vui, thậm chí có phần tự hào. Họa sĩ Trần Nguyên Đán bảo, khi nhận lời mời, ông chỉ có một yêu cầu: Chỉ trưng bày những bức tranh ông gửi vào chứ không lấy tranh của ông trong sưu tập của Bảo tàng. "Nhiều năm nay Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng đã sưu tập của tôi khoảng 30 bức", họa sĩ Trần Nguyên Đán kể và nhấn mạnh: "Tôi không muốn trong triển lãm này lại "lẫn" những bức tranh tôi đã bán. Vì thế, tôi gửi vào 120 bức, sau đó Bảo tàng đã chọn ra 80 bức để treo".

Một điều thú vị hơn, đó là quyết định có "một không hai" của ông: Ngay từ khi triển lãm chưa khai mạc, ông đã "chốt" với Ban Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh là sẽ tặng toàn bộ số tranh treo trong triển lãm lần này cho Bảo tàng! Quyết định điều ấy, ông cũng không suy tính nhiều, dù rằng trong số 80 bức tranh triển lãm lần này, họa sĩ Trần Nguyên Đán bảo, có tới 65 bức tranh mà nếu tặng đi, ông không còn bản nào lưu giữ lại.

Họa sĩ Trần Nguyên Đán bên những tác phẩm tranh khắc gỗ của mình.

2. Bằng việc làm này, Trần Nguyên Đán là họa sĩ hiếm hoi sẵn sàng hiến tặng toàn bộ tranh trong một triển lãm cho bảo tàng lưu giữ. Xếp gọn tấm gỗ thị đang khắc dở vào góc phòng, ông nhấp chén trà nóng, thủng thẳng: "Giờ mình cũng đã già rồi. Cứ túc tắc làm như con ong thợ. Nhưng cũng may mà càng làm lại càng thấy hứng khởi, mệt mỏi tan biến".

Nói rồi, ông lại dẫn tôi đến bên những bức tranh xếp gọn trong một chiếc ngăn kéo lớn trên tầng 3. Giọng ông thủ thỉ: "Nghề làm tranh khắc gỗ cho mình nhiều thứ. Cũng có người nói sao không bán bớt đi một ít số tranh ở triển lãm đó để lấy tiền sống khi tuổi đã già. Nhưng tôi quyết định tặng hết. Trời vẫn còn cho mình sức khỏe, mình còn làm ra những bức tranh mới mà".

Họa sĩ Trần Nguyên Đán sinh năm 1941, quê ở Bắc Ninh. Năm 1966, ông tốt nghiệp Khoa Nghệ thuật hoành tráng - Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp (nay là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) nhưng lại không đi theo ngành học, mà cái duyên đưa đẩy, tên ông được biết đến ở mảng tranh khắc. Ông thú nhận, vì mê mà cứ "học mót" nghề của các họa sĩ bậc thầy. Rồi mày mò tìm tòi, tạo ra cách riêng của mình. "Trong nghệ thuật phải biết giấu dốt, và cũng phải biết giấu cả sự khôn ngoan"- Họa sĩ Trần Nguyên Đán hóm hỉnh.

Quả là, có đến thăm ông, được tận mắt nhìn cách ông làm tranh khắc, mới thấy sự điêu luyện của một họa sĩ lão luyện. Hết khắc vào gỗ thị, ông lại khắc trên bìa, khắc trên thạch cao. Có khi chưa kịp mua tấm gỗ thị mới, cảm hứng đến ông lại tìm những tấm ván khắc còn thừa một chút để khắc vào bên cạnh những bác tranh mới, nhỏ nhắn thôi nhưng chất chứa câu chuyện về văn hóa ông muốn gửi gắm. Họa sĩ kể: "Ngày xưa nghèo, khắc xong in xong thì lại mang ra bào cho nhẵn để lấy gỗ khắc tiếp. Thậm chí khắc cả 2 mặt, có khi trên một mặt có bức tranh to còn 3, 4 bức tranh nhỏ". Tiết kiệm từng centimet gỗ một. Rồi có năm, nhà ông bị cháy mất đi một số mộc bản và tranh. Hồi đó ông ở khu Thanh Xuân, nhà lợp giấy dầu, khi cháy là "chạy sạch".

3. Là trai xứ Kinh Bắc, vì thế, như một lẽ tất nhiên, trong di sản của ông, không thể thiếu những bức tranh về miền quan họ. Có thể kể đến những tác phẩm như "Làng quan họ" (1973), "Đến hẹn lại lên" (1977)… Ở đó, có màu quan họ nổi lên khiến người ta như đang đi trong lất phất mưa bụi Giêng Hai để nghe những liền anh liền chị lúng liếng hát điệu "Mời trầu", "Giã bạn"…

Nhưng Trần Nguyên Đán cũng là người nặng lòng với Hà Nội - mảnh đất ông gắn bó với nhiều ân nghĩa, ân tình. Bởi vậy, một mảng tranh quan trọng trong sự nghiệp của ông chính là về Thăng Long - Hà Nội. Mảnh đất này có thể thiếu ông, nhưng chắc chắn ông sống và vẽ không thể thiếu Hà Nội.

Ông cho tôi xem những bản tranh khắc còn lưu lại, và những bản tranh ông chỉ còn lưu ở dạng ảnh. Xem và thấy một Thăng Long - Hà Nội hiện ra với nhiều di tích lịch sử, những thắng cảnh nổi tiếng. Tác phẩm "Dấu ấn Hà Nội" ông sáng tác năm 1989 là một ví dụ. Chỉ trong một bức tranh khắc gỗ, Trần Nguyên Đán đã tái hiện hầu hết những công trình kiến trúc nổi tiếng, từ Lăng Bác Hồ cho tới Khuê Văn Các, Tháp Rùa, chợ Đồng Xuân, Nhà thờ Lớn…

Rồi cả dãy phố cổ trầm mặc hiện ra thấp thoáng, đặc biệt là Hồ Gươm xanh ngắt hiện ra như hút tầm mắt người xem. Hay như bức "Hà Nội trong mắt tôi" ông vẽ phố cổ, vẽ bóng ô Quan Chưởng và những thiếu nữ Hà Nội duyên dáng trên phố. Đáng chú ý, trong số những tác phẩm của Trần Nguyên Đán về Hà Nội có bức "Nghệ nhân tranh Hàng Trống" và "Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội". Đây là 2 trong số 5 tác phẩm đã đưa ông đến với Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 2 (2007).

Hồi tháng 8 vừa qua, một trong những bức tranh khắc rất đẹp về Hà Nội của ông góp mặt trong triển lãm "Tranh giấy" tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội. Như vậy, thông qua những triển lãm liên tiếp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong vài năm vừa qua, có thể nói, họa sĩ Trần Nguyên Đán đã "lộ sáng" sau một thời gian tới 13 năm (kể từ 2003, năm ông nghỉ hưu) chỉ "ở ẩn" để sáng tạo.

4. Có dịp chiêm ngưỡng hơn 100 bức tranh khắc gỗ cũng những bản khắc do họa sĩ Trần Nguyên Đán mới thấy được nhiều nét văn hóa Việt đã được ông tôn vinh, gìn giữ một cách hết sức độc đáo.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa, trong khi đa số các thể loại hội họa và đồ họa nước ta có xuất xứ phương Tây và mới chỉ được định hình từ đầu thế kỷ XX thì tranh khắc gỗ có truyền thống lâu đời với các dòng tranh dân gian nổi tiếng như Đông Hồ, Hàng Trống… từ 300, 400 năm nay, thậm chí có thể còn xa xưa hơn nếu kể đến tranh minh họa mộc bản Phật giáo và tranh bùa chú Đạo giáo.

Trong số các họa sĩ vẽ tranh khắc gỗ của Việt Nam như: Đỗ Đức, Mai Khanh, Nguyễn Nghĩa Duyện, Trần Tuyết Mai..., họa sĩ Trần Nguyên Đán nổi tiếng bởi sự bền bỉ với nghề và có nhiều sáng tạo riêng, được đồng nghiệp ghi nhận. "Trần Nguyên Đán có quyền tự hào là một trong số không nhiều họa sĩ đồ họa tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam suốt từ nửa cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI. Tranh ông đáng chú ý ở chỗ: bao giờ cũng nổi bật tinh thần dân tộc Việt từ bố cục, mảng đậm nhạt đến đường nét, màu sắc… thậm chí cả cái duyên dáng làm điệu cũng có hồn dân tộc" - Nhà nghiên cứu Đức Hòa nhận xét.

Tác phẩm tranh khắc gỗ "Đến hẹn lại lên".

Quả vậy, xem tranh của họa sĩ Trần Nguyên Đán, thấy các giá trị của văn hóa Việt Nam được "ghi chép" với các đường nét, màu sắc đậm màu dân tộc. Nhìn là có thể nhận ra ngay một Hội An xưa cũ, với người bán tò he, với dãy phố cổ thâm trầm. Nhìn là thấy ngay một Hà Nội bàng bạc sương khói của một thời đã xa, ở đó dung dị những con người, dung dị những góc phố, những cây cầu…

Họa sĩ Trần Nguyên Đán tâm sự: "Tôi vẽ Hà Nội bằng con mắt của riêng mình. Không phải là người chụp ảnh, rằng phải đúng phải thật. Nghệ thuật có thật có hư, vừa có lý vừa phải có tình". Họa sĩ cũng khẳng định, ông luôn dùng nghệ thuật đồ họa để biểu hiện tình cảm của mình, chứ không nệ theo sách vở hay những nguyên tắc máy móc. Vì thế, tranh ông, nhiều khi có những sáng tạo riêng, không theo lối mòn.

Cả cuộc đời và sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của ông dành trọn cho nghệ thuật đồ họa, tranh khắc Việt Nam. Dù vẽ ở mảng đề tài nào, ông cũng luôn có ý thức đề tôn vinh các giá trị văn hóa và con người. Đó là những giá trị trường tồn, góp phần làm nên căn cốt của văn hóa Việt.

Họa sĩ Trần Nguyên Đán là hội viên ngành đồ họa của Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1974. Trước khi nghỉ hưu (2003), ông là Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Với ông, bức tranh đẹp là bức tranh có nhiều người thích, có nhiều người muốn sở hữu. Vẽ ra mà không có ai mua, không có ai thích thì coi như thất bại. Nếu không bán được tranh thì khó lòng tử vì đạo được. Đó là những quan niệm của ông, dù quan niệm đó có thể không có điểm chung với nhiều người.

Hoàng Thu Phố - Xuân 2018

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/mau-dan-toc-trong-tranh-khac-go-478040/